Điều trị hen phế quản

SKĐS - Theo Đông y, hen phế quản thuộc chứng háo suyễn với nhiều thể bệnh. Việc điều trị phải dựa theo thể bệnh để cho thuốc hay châm cứu.

Hen hàn:

Triệu chứng:

- Thay đổi thời tiết, lạnh nhiều xuất hiện cơn khó thở ra, kèm có tiếng rên rít.

- Ho đờm trong loãng trắng có bọt.

- Ngực đầy tức như bị nghẹt, khi cố dùng sức để thở thì có tiếng kêu phát ra.

- Người lạnh, sợ lạnh, sắc mặt xanh tái, thích uống nước nóng.

- Rêu lưỡi trắng mỏng, ướt trơn.

- Mạch phù (nếu do hàn tà gây nên; mạch trầm khẩn nếu cả trong ngoài đều có hàn).

Pháp trị: ôn phế tán hàn, trừ đờm, định suyễn.

Phương dược: Tô tử giáng khí thang: tô tử, sinh khương, nhục quế, chích thảo, bán hạ, trần bì, hậu phác, tiền hồ, đương quy.

Ý nghĩa: tô tử để giáng khí hóa đàm bình suyễn chỉ ho; bán hạ, hậu phác, trần bì để khử đàm chỉ ho bình suyễn; nhục quế để ôn thận khu lý hàn, nạp khí bình suyễn; đương quy để dưỡng huyết bổ can kết hợp với quế để bổ hư ở hạ tiêu do thận không nạp khí; sinh khương để tán hàn tuyên phế; chích thảo hòa trung điều hòa các vị thuốc.

Phương huyệt: cứu tả Đại chùy, Phong trì, Phong môn, Liệt khuyết, Đản trung, Thiên đột, Phong long, Định suyễn.

Sa sâm, mạch môn để bổ dưỡng khí âmĐiều trị hen phế quảnSa sâm, mạch môn để bổ dưỡng khí âm

Hen nhiệt:

Triệu chứng:

- Khi gặp trời nóng nực thì lên cơn khó thở ra, thở mạnh thở gấp rút cảm giác ngộp.

- Ho nhiều, đàm vàng đặc đục, dẻo dính, khó khạc.

- Ngực đầy, khó thở kèm tiếng kêu phát ra.

- Lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhờn.

- Mạch hoạt sác.

Pháp trị: thanh nhiệt, tuyên phế hóa đàm.

Phương dược: Tang bạch bì thang: tang bạch bì, hoàng cầm, hoàng liên, sơn chi, hạnh nhân, bối mẫu, tô tử, sinh khương

Ý nghĩa: tang bạch bì thanh phế nhiệt lợi tiểu; hoàng cầm, hoàng liên, sơn chi để thanh nhiệt ở thượng tiêu; hạnh nhân, bối mẫu, tô tử để giáng khí hóa đàm tuyên phế, sinh khương tán ngoại tà.

Ngoài ra còn thể dùng phương dược Bạch hổ thang gia hoàng cầm, chỉ thực, qua lâu; hoặc phương từ thuốc nam như mạch môn, bạc hà, lá dâu, chỉ thiên, rễ tranh, cam thảo dây.

Phương huyệt: châm tả Đại chùy, Phong trì, Phong môn, Liệt khuyết, Đản trung, Thiên đột, Phong long, Định suyễn, Khúc trì, Hợp cốc.

Hen do ẩm thực:

Triệu chứng:

- Ăn phải thức ăn không thích hợp nên có cơn hen.

- Tiếng thở như tiếng ngáy, thô ráp, mệt, cảm giác tức hơi.

- Đầy trướng ngực bụng.

- Mạch hoạt thực.

Pháp trị: tiêu thực tích.

Phương dược: dùng la bạc tử với nước cốt gừng hòa với mật ong uống.

- Tuệ Tĩnh dùng: tô tử, trần bì, nhục quế, riềng, nhân sâm. Lượng thuốc bằng nhau, dùng để chữa ho hen, thở gấp, khí nghịch bụng đau như dùi đâm.

Ý nghĩa bài thuốc: quế để ôn trung, riềng tiêu thực; sâm bổ khí; trần bì lý khí hóa đờm chỉ ho suyễn.

Thanh kim đơn: la bạc tử (sao); tạo giác thích (đốt tồn tính); chỉ thực; sinh khương; sắc uống lúc nóng.

Phế khí hư:

Triệu chứng:

- Thở gấp, đoản khí.

- Tiếng ho khẽ, yếu, tiếng nói nhỏ không có sức.

- Tự hãn, sợ gió.

- Miệng khô, mặt đỏ, hầu họng khô.

- Lưỡi hơi đỏ.

- Mạch phu nhu tế.

Pháp trị: dưỡng phế định suyễn.

Phương dược: Sinh mạch định tán gia vị: đảng sâm, mạch môn, ngũ vị tử; gia: sa sâm, bối mẫu, quế chi, huỳnh kỳ, cam thảo.

Ý nghĩa: sa sâm, mạch môn để bổ dưỡng khí âm; ngũ vị tử để thu liễm phế khí; sa sâm, bối mẫu để nhuận phế hóa đàm; quế chi, huỳnh kỳ, cam thảo để ôn ích phế khí.

Phương huyệt: cứu bổ Thái uyên, Thiên lịch, Phế du, Trung phủ, Khí hải, Đản trung, Quan nguyên, Tỳ du.

Thận khí hư:

Triệu chứng:

- Suyễn lâu ngày, thở ra dài hít vào ngắn.

- Làm việc là suyễn, vận động là thở gấp, nghỉ ngơi đỡ hơn.

- Tinh thần mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, thở có lúc ngắt quãng.

- Tây chân lạnh, đau lưng, ù tai.

- Mạch trầm tế.

Pháp trị: bổ thận nạp khí.

Phương dược Thận khí hoàn gia giảm: thục địa, hoài sơn, sơn thù, phục linh, trạch tả, đơn bì, nhục quế, phụ tử, nhân sâm, ngũ vị tử, phá cố chỉ.

- Ý nghĩa: thục địa, hoài sơn, sơn thù bổ thận âm; quế phụ để ôn thận dương; nhân sâm, ngũ vị tử, phá cố chỉ để ôn thận nạp khí.

Nếu có thêm triệu chứng: phù, tim đập hồi hộp, thở gấp đó là do dương quá hư thủy tràn, dùng pháp trị: ôn dương lợi thủy.

Phương dược: Chân vũ thang (thương hàn luận): phụ tử, bạch truật, bạch thược, bạch linh, sinh khương.

- Ý nghĩa: phụ tử để ôn thận tỳ, trợ dương khí; bạch linh để thẩm thấp kiện tỳ; bạch truật để kiện tỳ lợi thấp; bạch thược để liễm âm dưỡng huyết chỉ thống; sinh khương để trợ phụ tử ôn dương tán hàn.

- Phương huyệt: cứu bổ Thái uyên, Thiên lịch, Khí hải, Đản trung, Mệnh môn, Thận du, Phế du, Thái khê, Phục lưu.

Sau khi hết cơn háo suyễn, ngoài cơn suyễn có thể tập luyện Yoga khí công các bài tập về phổi, xoa bóp bấm huyệt vùng ngực, vùng lưng trên; nếu có điều kiện dùng bài thuốc bổ khí hoặc bổ phế thận.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn