Em bị hạt cơm ở lòng bàn chân. Có người khuyên em đi đốt nhưng em sợ nên cứ tự bôi nhiều loại thuốc mà hạt cơm vẫn tồn tại rất khó chịu. Xin báo tư vấn cho em cách chữa.
Hạ Lan (Bắc Giang)
Hạt cơm là bệnh ngoài da khá phổ biến, ai cũng có thể mắc bệnh nhưng thường gặp ở người trẻ. Căn nguyên gây bệnh hạt cơm là một loại virut gây u nhú có tên là Human Papilloma Virus ( HPV). Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, nhất là qua dụng cụ, giày dép, tất. Hạt cơm có các dạng sau: Hạt cơm thường, hạt cơm phẳng, hạt cơm lòng bàn chân, hạt cơm ở niêm mạc: hạt cơm hậu môn sinh dục (sùi mào gà) và hạt cơm thanh quản. Trường hợp của bạn là hạt cơm lòng bàn chân. Hạt cơm bàn chân chủ yếu do HPV type 1 gây ra. HPV lây truyền từ giày, dép, tất, đất... qua vùng da bị xây xước. Ở người đã bị hạt cơm, HPV có thể lây từ vị trí này sang vị trí khác. Hạt cơm bàn chân có 2 thể khác nhau:
- Hạt cơm thể sâu: Thương tổn cơ bản là sẩn dày sừng màu vàng đục hoặc sẩn có màu như màu da bình thường. Sẩn hình tròn, kích thước bằng hạt đậu xanh, đứng riêng rẽ có khi vài ba hạt cơm cụm lại thành đám nhưng những sẩn dày sừng vẫn đứng riêng rẽ, ranh giới rõ rệt. Nếu gọt giũa những sẩn này thấy những chấm đen. Thương tổn có thể ở bất kỳ nơi nào của một hoặc hai bên lòng bàn chân, nói chung thường xuất hiện ở vùng tì đè như gót chân, rìa ngoài bàn chân, bờ trước gan bàn chân. Bệnh nhân luôn có cảm giác đau khi đi lại hoặc khi đứng, cũng có khi đau tự nhiên, một số người có cảm giác ngứa.
- Hạt cơm thể nông: Thương tổn cơ bản là dày sừng thô ráp. Sẩn không đâm sâu xuống dưới mà phát triển theo chiều rộng. Bệnh nhân không có cảm giác đau tự nhiên kể cả khi đứng và đi lại.
Điều trị
Mục đích điều trị là phá hủy thương tổn chứ không phải tiêu diệt virut.
- Dùng thuốc và hóa chất:
Chấm acid trichloracetic dung dịch 33%.
Acid salixilic 12-20%. Một ngày chấm 1 lần sau đó băng lại. Thời gian điều trị từ 4-8 tuần. Có thể sử dụng tới 12 tuần.
Chấm duofilm.
Cream fluourracil 5%. Ngày bôi 1 lần trong thời gian 3 tuần.
Cream immiquimod 5% ngày bôi 1-2 lần trong 6 tuần.
Phẫu thuật hoặc nạo thương tổn.
Đốt điện, đốt nhiệt.
Áp nitơ lỏng hoặc tuyết carbonic. Thời gian áp lạnh là 10 giây.
Laser CO2.
Đốt điện.
Để điều trị triệt để bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu để được khám và chữa bệnh. Chúc bạn thành công!
ThS. Phạm Thị Minh Phương
(Viện Da liễu Quốc gia)