Tôi nên dùng thuốc nào để điều trị cho bé hết hăm tã? Xin bác sĩ mách giùm.
Đặng Thùy Anh (Hà Nội)
Chị Thùy Anh thân mến! Việc điều trị hăm tã cho trẻ còn tùy thuộc tình trạng hăm của trẻ. Nếu được phát hiện sớm và xử lý ngay thì vùng da hăm sẽ nhanh chóng lành lặn. Quan trọng nhất là chú trọng vệ sinh cho bé. Phải rửa sạch vùng kín cho bé ngay sau khi đi vệ sinh bằng nước ấm, thấm khô và thay tã mới. Càng hạn chế cho bé dùng bỉm thì càng tốt.
Trường hợp hăm tã nhẹ, chỉ cần bôi kem chống hăm vào các vết hăm. Làn da bé có cơ chế bảo vệ còn non yếu, do đó nên lưu ý lựa chọn kem chống hăm có chứa chất dexpanthenol (chất tiền vitamin B5) để duy trì độ ẩm tối đa cho làn da của bé, giúp da nhanh hồi phục mà không làm khô da hay bong vẩy. Loại thuốc chống hăm có chứa lanolin (chiết xuất từ mỡ cừu tự nhiên) cũng rất tốt. Loại kem có thành phần là kẽm oxyd hoặc có chiết xuất hydrocarbon cũng phù hợp để chống hăm cho bé, giữ vùng da bị ngứa không dính nước tiểu.
Không nên dùng phấn rôm để rắc vào chỗ hăm vì có thể làm nặng thêm vùng da đang bị tổn thương. Cũng không nên sử dụng các loại kem thoa có chứa corticoid trừ trường hợp được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn cách sử dụng.
Với trường hợp nặng, hăm tã có bội nhiễm thì phải đưa bé đi khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và dùng thuốc. Có thể bé phải dùng thuốc hạ sốt acetaminophen (nếu bé sốt cao), thuốc kháng sinh đường uống (nhóm beta lactam, các cephalosporin...) khi bội nhiễm lan rộng, sử dụng dung dịch vệ sinh làm sạch vùng da bị tổn thương, kèm thuốc kháng khuẩn có chứa kháng sinh, thuốc bôi tại chỗ. Trường hợp bội nhiễm theo dạng viêm da, nấm da thì phải cho bé dùng thuốc theo phác đồ điều trị cụ thể.
Nếu không yên tâm bạn nên đưa con đi khám để được dùng thuốc thích hợp; không nên cho bé sử dụng nhiều loại kem bôi mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhi vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng.
DS. Vũ Thảo Trang