Điều trị hạ natri máu do tăng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp

12-12-2022 13:57 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Hạ natri máu là rối loạn điện giải, do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó thường gặp là hội chứng SIADH (Hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp).

Triệu chứng của hạ natri máu do SIADH

Hạ natri máu do SIADH chủ yếu liên quan đến rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, thường xảy ra khi áp lực thẩm thấu huyết tương hiệu quả dưới 240mmol/kg.

Các triệu chứng hạ natri máu có thể từ kín đáo đến nặng: Nhức đầu, ói mửa, thay đổi trạng thái tinh thần, lơ mơ, lẫn lộn. Nếu natri máu giảm xuống dưới 115mmol/L, có thể gây sững sờ, tăng kích thích thần kinh cơ, tăng phản xạ, co giật, hôn mê và tử vong.

Điều trị hạ natri máu do SIADH - Ảnh 1.

Hạ natri máu là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhập viện và tăng thời gian nằm viện.

Tỷ lệ tử vong do hạ natri máu do SIADH gấp 60 lần so với nhóm bệnh nhân không hạ natri máu. Đây cũng là nguyên nhân khiến khoảng 50% bệnh nhân phải nhập viện và tăng thời gian nằm viện cũng như chi phí điều trị.

Các liệu pháp điều trị hạ natri máu do SIADH

Chỉ khoảng 2% bệnh nhân hạ natri máu cần điều trị cấp cứu, nhưng điều trị hạ natri máu do SIADH vẫn còn nhiều hạn chế trong xử trí. Đối với hầu hết bệnh nhân, việc xử trí đòi hỏi phải đảo ngược hoặc cải thiện nguyên nhân cơ bản.

Điều trị nôn, tiêu chảy và ngừng thuốc liên quan tới hạ natri máu (thiazid, thuốc chống trầm cảm) có thể giúp cải thiện natri máu. Ngược lại, ở những bệnh nhân bị suy tim nặng và SIADH liên quan đến bệnh lý ác tính, điều trị nên tập trung vào việc cải thiện tình trạng hạ natri máu và các triệu chứng của nó.

Điều trị hạ natri máu do SIADH - Ảnh 2.

Cần theo dõi thường xuyên để tránh điều chỉnh natri máu quá nhanh.

Hạ natri máu cấp tính có triệu chứng được điều trị tốt nhất với dung dịch muối ưu trương 3%. Lưu ý không tiêm truyền dung dịch NaCl đẳng trương 0.9%, khi điều trị hạ natri máu do SIADH, vì có thể làm hạ natri máu nặng hơn.

Tùy tình trạng triệu chứng nhẹ hay vừa hoặc nặng, bệnh nhân sẽ được truyền tĩnh mạch liên tục hoặc tiêm bolus (truyền nhanh, số lượng thuốc ít qua đường tĩnh mạch). Biện pháp này có tác dụng nhanh nhưng ngắn.

Hiện nay có một số thuốc đã được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ chấp nhận điều trị tình trạng này:

-Thuốc lợi tiểu tolvaptan đường uống được coi là giải pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị hạ natri máu do SIADH. Thuốc có tác dụng tăng lợi tiểu thải nước nhờ đối kháng thụ thể vasopressin V2 tại ống góp thận. Từ đó cải thiện sớm và an toàn natri máu và rút ngắn thời gian nằm viện.

Thuốc cũng duy trì mức natri máu ổn định, giảm tái nhập viện khi điều trị dài hạn ở bệnh nhân hạ natri máu dai dẳng, tái nhập viện nhiều lần; cải thiện hiệu quả natri máu về mức bình thường trong thời gian sau 8 giờ sử dụng và duy trì 30 ngày điều trị. Sau đó thuốc duy trì ổn định trong suốt thời gian theo dõi 4 năm.

Thuốc có tác dụng phụ: Khát, nôn, khô miệng, tiểu nhiều.

-Thuốc conivaptan đường tiêm tĩnh mạch dùng ngắn ngày cho bệnh nhân nằm viện. Trong quá trình truyền thuốc cần theo dõi natri máu liên tục để tránh điều chỉnh natri máu quá nhanh.

Tác dụng phụ của thuốc là khát, khô miệng, nôn, sốt, hạ huyết áp tư thế, hạ kali máu, viêm tại vùng tiêm.

Mời độc giả xem thêm video:

Uốn ván nguy kịch sau vết thương nhỏ ở bàn chân I SKĐS


PGS.TS.BS.Trần Thị Thanh Hóa
Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Ý kiến của bạn