Hà Nội

Điều trị glôcôm dưới góc nhìn của chuyên gia

17-05-2022 10:59 | Y học 360
google news

Là một bệnh lý có nguy cơ gây mù lòa cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể, tuy nhiên glôcôm có thể được kiểm soát thành công nếu được phát hiện, điều trị kịp thời. Chủ động thăm khám tầm soát bệnh và tuân thủ kế hoạch điều trị là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị glôcôm.

Glôcôm là bệnh lý ở mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và độ tuổi nào. Bệnh gây ra những tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp (áp lực bên trong mắt) tăng. Bệnh glôcôm có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến thị lực. Người bệnh thường sẽ mất phần thị lực ngoại vi trước, sau đó sẽ thấy tầm nhìn trung tâm bị thu hẹp dần. Cuối cùng, khi bệnh tiến triển trở nên nặng hơn, người bệnh có thể mất thị lực hoàn toàn.

Điều trị glôcôm dưới góc nhìn của chuyên gia     - Ảnh 1.

Với kinh nghiệm hơn 25 năm nghiên cứu và điều trị, thực hiện trên 10.000 ca phẫu thuật glôcôm, TS.BS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản cho biết, hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh lý glôcôm đó là thời điểm phát hiện bệnh và việc tuân thủ lộ trình điều trị của bệnh nhân.

Chủ động thăm khám và tầm soát bệnh glôcôm

Theo TS.BS. Vũ Anh Tuấn, mặc dù là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng glôcôm lại thường diễn ra vô cùng âm thầm. Do đó, việc thăm khám định kỳ, tầm soát để phát hiện bệnh rất cần thiết với những người trong nhóm nguy cơ cao nhằm tránh bỏ lỡ "thời điểm vàng" trong điều trị. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc glôcôm bao gồm: người trên 40 tuổi; người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch; người mắc tật khúc xạ như cận viễn thị cao, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh; người sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài, người có tiền sử chấn thương ở mắt và người có tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm (yếu tố di truyền khiến trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc glôcôm).

Điều trị glôcôm dưới góc nhìn của chuyên gia     - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể nhận biết bệnh glôcôm thông qua một số dấu hiệu của bệnh như đau mắt đột ngột, đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng, sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Khi xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh cần tới thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt để được kiểm tra và xác định tình trạng bệnh lý tại mắt và nhận chỉ định điều trị kịp thời.

Tuân thủ kế hoạch điều trị một cách chặt chẽ

TS.BS. Vũ Anh Tuấn chia sẻ: "Mặc dù glôcôm không thể điều trị dứt điểm và những tổn thương do glôcôm gây nên là không có khả năng hồi phục, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hầu hết các ca bệnh đều có thể được kiểm soát thành công." Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể bệnh mà sẽ có những cách điều trị khác nhau như:                      

Thuốc hạ nhãn áp

Tình trạng tăng nhãn áp thường được kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt dùng hàng ngày. Sử dụng thuốc nhỏ mắt để kiểm soát tình trạng tăng nhãn áp là một trong những phương pháp điều trị glôcôm phổ biến, đặc biệt là trong việc điều trị glôcôm góc mở. Các thuốc nhỏ mắt được dùng sẽ giúp hạ nhãn áp bằng cách tăng dẫn lưu thủy dịch ra ngoài mắt hoặc giảm lượng thủy dịch mắt tiết ra. Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt hạ nhãn áp có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng ở mắt, châm chích, mẩn đỏ, khô mắt. Vậy nên người bệnh cần trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc uống để giúp làm giảm tiết thuỷ dịch trong mắt. Người bệnh cũng cần tuân thủ đúng liều lượng sử dụng, việc tự ý ngưng sử dụng mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ có thể ảnh hưởng tới kết quả điều trị.

Điều trị glôcôm dưới góc nhìn của chuyên gia     - Ảnh 3.

Laser và phẫu thuật

Trong trường hợp điều trị glôcôm bằng việc sử dụng thuốc không đạt được hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật hoặc điều trị bằng laser. Tùy thuộc vào tình trạng cũng như thể bệnh mà sẽ có những phương pháp laser hoặc phẫu thuật khác nhau như laser cắt mống mắt chu biên, laser tạo hình vùng bè hoặc laser tạo hình góc tiền phòng, phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng, phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng, phẫu thuật quang đông thể mi.

Là một bệnh lý có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, việc tuân thủ chặt chẽ kế hoạch điều trị là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuối cùng. Người bệnh cần duy trì thăm khám định kỳ để theo dõi thường xuyên tình trạng thị lực nhãn áp, khi thấy có bất cứ biểu hiện gì bất thường, thị lực suy giảm cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được can thiệp kịp thời. Trong nhiều trường hợp, glôcôm tuy đã được phát hiện và điều trị, song người bệnh cho rằng đã khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp, hậu quả là bệnh tiếp tục âm ỉ tiến triển dẫn tới mất hoàn toàn thị lực. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ lịch theo dõi định kỳ từ khi phát hiện bệnh, kiên trì điều trị suốt đời nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, bảo tồn được thị lực của mình."

Để được tư vấn điều trị bệnh glôcôm, xin vui lòng liên hệ:

Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản

Địa chỉ: Số 32 – Phó Đức Chính – Trúc Bạch – Ba Đình - Hà Nội

Số điện thoại: 0902 24 22 91 – 024 3715 3666

Website: https://jieh.vn/

 


PV
Ý kiến của bạn