Điều trị dứt điểm bệnh trĩ: Khó hay dễ?

13-05-2017 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - “Thập nhân cửu trĩ” là câu nói của người xưa cho thấy mức độ phổ biến của căn bệnh này, nghĩa là cứ 10 người thì có 9 người mắc bệnh trĩ. Mặc dù là căn bệnh phổ biến nhưng lại ở vùng nhạy cảm, khiến nhiều người thường ngại đi khám khi nghi ngờ mắc bệnh, điều này khiến bệnh thường khó dứt, hoặc cách phòng bệnh sau phẫu thuật không đúng khiến tỷ lệ tái phát bệnh rất cao.

Sáng 11/5, Báo  điện tử Sức khỏe&Đời sống  (suckhoedoisong.vn) đã tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?”. Chương trình được phát trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.  Khách mời tham dự chương trình gồm những chuyên gia đầu ngành về bệnh trĩ: PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. BSCC. Hoàng Đình Lân, Nguyên Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam. TS.BS Trần Thái Hà, Trưởng Khoa Lão, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. TS.BS Nguyễn Thị Quỹ, Nguyên Trưởng phòng Nội soi Tiêu hóa, nguyên Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Xanh Pôn, Phó Chủ tịch hội Tiêu hóa Hà Nội, Trưởng ban kiểm tra Hội Tiêu hóa Việt Nam.  Chỉ trong 2 giờ diễn ra chương trình, các chuyên gia đã nhận được hàng trăm câu hỏi của các bạn đọc, khán giả trên khắp cả nước.  Chương trình nhận được sự đồng hành của nhãn hàng Tottri, Công ty cổ phần Traphaco.

Các chuyên gia tham gia chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến "Phẫu thuật có dứt điểm được bệnh trĩ?"

Xóa bỏ mặc cảm khi bị bệnh trĩ

Theo bác sĩ cao cấp Hoàng Đình Lân, bệnh trĩ đứng hàng thứ 3 trong các bệnh lý đường tiêu hóa, ở Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh trĩ từ 45-50%. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trĩ nhưng hay gặp nhất là rối loạn tiêu hóa, những người làm việc văn phòng, ít vận động hoặc mắc một số bệnh lý khác, hay do chế độ ăn không hợp lý… .

Rất nhiều bạn đọc đã gọi điện hoặc chia sẻ về sự ngại ngùng khi mắc phải căn bệnh “khó nói” này, đặc biệt là chị em phụ nữ. Có người không để ý đến khi bệnh nặng, trĩ lên đến độ 2 -3 mới đi khám, lúc đó đã có các dấu hiệu chảy máu nặng, đau, sa lồi,  thậm chí tắc mạch trĩ là rất nặng.   Hay có những người tự chữa theo mách bảo, truyền tai nhau, đến khi không đỡ mới đi khám.

TS.BS Nguyễn Thị Quỹ cho biết, bệnh trĩ được chia làm 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Nếu búi tĩnh mạch nằm trên cơ thắt hậu môn thì gọi là trĩ nội. Nếu búi tĩnh mạch nằm dưới cơ thắt hậu môn và sa ra ngoài thì gọi là trĩ ngoại. Ở cả 2 loại đều phân theo các độ, nếu trĩ độ 1 -2 có thể điều trị nội khoa, từ giai đoạn 3 trở lên người bệnh phải điều trị bằng phẫu thuật. Hiện có nhiều phương pháp điều trị , tuy nhiên để tránh không bị tái phát, cần chú ý sau điều trị, có thể phối hợp đông tây y.  Đây là điều kiện tiên quyết để bệnh trĩ “tránh xa” bởi theo bác sĩ Quỹ, nếu phẫu thuật thành công thế nào đi chăng nữa mà không có một chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện vệ sinh đúng hoặc ngay bản thân người bệnh chủ quan không phòng chống tái phát, bệnh dễ quay trở lại.

Có một số lượng đáng kể các khán giả là nhân viên văn phòng, phụ nữ có thai, người cao tuổi đã gửi câu hỏi đến chương trình vì bị bệnh trĩ hành hạ. Đây là những nhóm ít vận động, hay cơ thể đang có sự thay đổi, cộng thêm việc thường xuyên bị táo bón, chế độ ăn không hợp lý khiến nhóm người này có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những người khác, BS Lân lưu ý.   Ngay cả trẻ em cũng là những đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này. Rất nhiều các bậc phụ huynh đã gửi những băn khoăn, thắc mắc tới chương trình nhờ các chuyên gia tư vấn  bởi đây là căn bệnh ngày càng phổ biến, ngay cả những em bé mới 2 -3 tuổi cũng đã có dấu hiệu bị trĩ.

Ăn uống, tập luyện  là cách phòng và tránh tái phát bệnh hiệu quả

Theo TS. Quỹ, để chữa bệnh trĩ còn tùy thuộc vào thể bệnh và giai đoạn bệnh, cần nhất là người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa,  để được chữa trị đúng bởi chữa trị theo cách nào đều có mặt phải và mặt trái của nó, nguy hại nhất là người bệnh tự chữa bệnh hoặc đến những cơ sở không có chuyên môn sẽ để lại nhiều biến chứng.  Chữa bệnh trĩ không khó là khẳng định của các chuyên gia, tuy nhiên để duy trì kết quả điều trị lâu bền thì không phải người bệnh nào cũng tuân thủ đúng, người bệnh chính là người chủ động phát hiện, và áp dụng các biện pháp dự phòng cho bản thân để tránh tái phát.  Sau phẫu thuật hoặc điều trị, người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt để bệnh không tái phát. Nên dùng thuốc đông y vì không có tác dụng phụ và có thể dùng kéo dài. Bs Lân tư vấn cho khán giả Vân Anh- người mới bị bệnh trĩ ở giai đoạn 1 - 2, chủ yếu là điều trị nội khoa, có thể dùng các thuốc đông y như Tottri giúp bổ trung ích khí rất tốt bởi trong đó có các vị liên nhục, thăng đề, ý dĩ giúp giảm đau, co hồi búi trĩ. Y học cổ truyền không chữa triệu chứng ngay nhưng giúp bệnh lâu tái phát, giúp khỏi được nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng chế độ ăn uống góp phần lớn trong sinh ra bệnh trĩ cũng như cả trong quá trình điều trị hay sau điều trị bệnh trĩ. Nói chung, với bệnh trĩ, người bệnh không nên để mắc táo bón. Cần  tránh ăn các thực phẩm  có nhiều chất tannin như  ổi, hồng xiêm, nhất là hồng xiêm còn xanh, hay quả sung, chất cay, nóng như ớt, hạt tiêu …. Nên tăng cường rau xanh trong chế độ ăn như các loại rau mềm có nhiều chất xơ hòa tan như mồng tơi, rau đay, mướp, hoa thiên lý, rau khoai lang, củ khoai…., các quả chín như quả đu đủ, chuối, hay quả thanh long có nhiều chất xơ giảm tình trạng táo bón. Với bệnh này, người bệnh cần uống đủ nước, đặc biệt là  với trẻ em, ăn sữa chua cũng làm giảm tình trạng táo bón.

Bên cạnh các biện pháp y học hiện đại, có rất nhiều bài thuốc dân gian có thể hỗ trợ điều trị bệnh trĩ. TS Trần Thái Hà mách, với trĩ nội độ 1 -2, người bệnh có thể dùng mỗi ngày 15g hoa hòe xao lên rồi đun nước uống hàng ngày rất tốt. Ngoài ra, trong dân gian, người ta thường còn dùng hoa hòe nấu canh để ăn rất hiệu quả. Với trĩ nặng, có thể dùng kết hợp nhiều vị thuốc hơn như hoa hòe, kinh giới, ngải cứu, chỉ xác, phèn phi, đun lên xông trực tiếp sau đó dùng bã để đắp. Ngoài ra TS Hà còn tư vấn một số cách phòng bệnh trĩ hiệu quả như tập yoga, bởi có một số động tác yoga có thể giúp co búi trĩ lên. Những người làm công việc văn phòng, ít vận động TS Hà khuyên, không nên ngồi 1 chỗ, nếu vì tính chất công việc phải ngồi lâu, cứ 30 phút, người bệnh có thể đứng dậy đi lại vận động tại chỗ hoặc có kế hoạch tập luyện thể dục thể thao để phòng tránh mắc bênh.

Sau 2 tiếng tư vấn, các chuyên gia của chương trình vẫn còn tiếp tục nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc khắp nơi. Mọi thắc mắc của bạn đọc sẽ được chuyển tới các chuyên gia để giúp bạn đọc có thể phòng bệnh, phát hiện và điều trị hiệu quả căn bệnh “khó nói” này.


Hải Yến
Ý kiến của bạn