Điều trị dự phòng hen phế quản ở trẻ trong thời tiết nồm ẩm

07-02-2023 08:10 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thời tiết nồm ẩm dễ khiến cơn hen bùng phát trên trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản. Việc điều trị dự phòng đúng mang lại lợi ích rõ ràng như kiểm soát cơn hen cấp tính, hạn chế tới mức thấp nhất tác dụng phụ của thuốc điều trị…

‏Thời tiết tại miền Bắc tiếp tục mưa phùn, nhiều nơi có sương mù vào sáng sớm, độ ẩm không khí tăng cao.‏

‏ThS.BS Đỗ Hạnh Trang (chuyên khoa Nhi) cho biết, với trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết nồm ẩm này, do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Chính vì vậy, điều trị dự phòng hen phế quản rất quan trọng. ‏

‏1. Hen phế quản ở trẻ em là gì?‏

‏Hen phế quản là bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, dẫn tới tắc nghẽn đường thở kèm theo các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, tức ngực, thường gặp khi ngủ hoặc gần sáng. ‏

‏Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này như cơ địa dị ứng, môi trường, thay đổi thời tiết… Hen phế quản là bệnh không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, việc điều trị đúng có thể giúp kiểm soát bệnh ổn định hơn và trẻ mắc hen phế quản sẽ có cuộc sống bình thường.‏

photo-1675670213794

‏Hen phế quản ở trẻ em.‏

‏2. Điều trị dự phòng hen phế quản ở trẻ em‏

‏Theo ThS. BS Đỗ Hạnh Trang, BVĐH Y Hà Nội, hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, có giai đoạn ổn định xen lẫn các đợt bệnh cấp, khi tác nhân kích thích xuất hiện. Các tác nhân kích thích bao gồm: Nhiễm virus đường hô hấp trên, khói thuốc, mạt nhà, lông chó mèo, nấm mốc...

Chính vì vậy, mục đích của dự phòng hen phế quản ở trẻ em là kiểm soát quá trình viêm, đồng thời giảm phản ứng quá mức của đường thở đối với tác nhân kích thích. Từ đó, giúp trẻ mắc hen phế quản:‏

  • Giảm ho về đêm;‏
  • ‏Duy trì chức năng phổi bình thường;‏
  • ‏Kiểm soát cơn hen cấp tính;‏
  • ‏Hạn chế tới mức thấp nhất tác dụng phụ của thuốc điều trị đợt hen cấp tính;‏
  • ‏Ngăn ngừa và giảm bớt tổn thương đường thở.

‏Nếu không điều trị dự phòng, mỗi lần lên cơn hen cấp tính, trẻ có thể phải nhập viện và điều trị thuốc giãn phế quản và thuốc chống viêm corticosteroid (prednisolon hoặc solumedrol) liều cao từ 7-10 ngày và có nguy cơ gây ra tác dụng phụ lên toàn thân.‏

‏3. Nguyên tắc điều trị ‏

‏Nguyên tắc điều trị dự phòng hen phế quản ở trẻ em bao gồm:‏

  • Dùng thuốc giảm viêm và giãn cơ trơn đường thở để kiểm soát triệu chứng, tăng cường chức năng hô hấp;‏
  • ‏Thuốc phải được dùng hằng ngày và trong một thời gian dài;‏
  • ‏Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.
photo-1675670221875

‏Việc điều trị dự phòng hen phế quản mang lại những lợi ích rõ ràng.‏

‏4. Các thuốc thường dùng dự phòng kiểm soát hen phế quản‏

4.1 Corticoid dạng hít

‏Các thuốc corticoid dạng hít (budesonide, fluticasone, beclomethasone) là lựa chọn hàng đầu trong điều trị dự phòng kiểm soát hen phế quản ở trẻ em. Thuốc có tác dụng giảm triệu chứng hen, giảm các đợt cấp tính, giảm số lần sử dụng thuốc cắt cơn hen, đồng thời còn giúp cải thiện chức năng phổi...‏

‏Khi dùng nên tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị để tránh tác dụng phụ của thuốc. Trẻ có thể được cân nhắc giảm liều sau khi đã kiểm soát được cơn hen trong ít nhất 3 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, cha mẹ không được tự ý giảm hoặc ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. ‏

4.2 Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài

‏Thuốc giãn phế quản có thể được phối hợp cùng corticoid dạng hít để tăng cường hiệu quả kiểm soát cơn hen, đồng thời giảm nguy cơ tác dụng phụ hoặc nhờn thuốc do sử dụng kéo dài. ‏

‏Formoterol và salmeterol là hai loại thuốc giãn phế quản thuộc nhóm cường beta 2 tác dụng kéo dài, được sử dụng trong điều trị dự phòng hen phế quản ở trẻ. Trong đó, thuốc formoterol được dùng trong điều trị dự phòng hen ở trẻ lớn hơn 6 tuổi, còn thuốc salmeterol được sử dụng ở trẻ hơn 4 tuổi.‏

4.3 Thuốc kháng leukotrien

‏Các thuốc kháng leukotrien (montelukast, zafirlukast và zileuton) có thể được chỉ định đơn lẻ hoặc phối hợp với các thuốc corticoid dạng hít trong điều trị dự phòng hen phế quản. Thuốc dùng đường uống, có nhiều hàm lượng khác nhau để có thể sử dụng phù hợp cho nhiều nhóm tuổi.‏

‏Để đảm bảo việc dùng thuốc dự phòng hen phế quản ở trẻ an toàn, hiệu quả, cần lưu ý tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Nếu có bất kỳ một triệu chứng bất thường nào xảy ra sau khi sử dụng thuốc, cần liên hệ với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

Trời nồm ẩm trẻ dễ viêm họng, cách trị và phòng ngừaTrời nồm ẩm trẻ dễ viêm họng, cách trị và phòng ngừa

SKĐS - Sau Tết Nguyên đán, thời tiết miền Bắc đã bắt đầu bước vào những ngày mưa phùn, nồm ẩm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Viêm họng là bệnh lý thường gặp.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Chuyên gia tiết lộ những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới.

Minh Tâm
Ý kiến của bạn