Điều trị đột quỵ não: càng đến sớm, càng điều trị hiệu quả

03-12-2018 17:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều ngày 3/12, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã tổ chức Hội thảo Điều trị đột quỵ não – đa kết nối, một mục tiêu lần thứ 2. Tại hội thảo PGS.TS Vũ Đăng Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cấp cứu đột quỵ não có hướng dẫn can thiệp với những bệnh nhân đến muộn từ 6-24 tiếng.

Đây là hội thảo khoa học chuyên ngành do Bệnh viện Xanh Pôn tổ chức  nhằm cập nhật hướng dẫn điều trị đột quỵ não cấp  mới nhất của Hội Đột quỵ Tim mạch Mỹ năm 2018 với sự tham dự của 80 y bác sĩ từ các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Hội thảo còn có sự tham gia của  các chuyên gia đầu ngành của Hàn Quốc về đột quỵ như GS. IK Seong Park, Giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện St.Mary' Bucheon, Hàn Quốc; GS.Young Woo Kim, Khoa Phẫu thuật Thần Kinh, Bệnh viện Uijeonbgu St.Mary- Hàn Quốc.

Hội thảo Đột quỵ não: đa kết nối, một mục tiêu lần 2

Tại hội thảo, các diễn giả đã cung cấp và cập nhật các kiến thức mới nhất trong điều trị đột quỵ não hiện nay, cách tiếp cận và chẩn đoán đột quỵ, các phương pháp phẫu thuật điều trị nhồi máu não, điều trị nhồi máu não cấp bằng can thiệp nội mạch, ứng dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại trong lĩnh vực này ….  Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 80  học viên là các y bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế của Hà Nội.

Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 toàn thế giới,  ảnh hưởng đến 17 triệu người và chịu trách nhiệm cho 6,7 triệu ca tử vong mỗi năm. Đây là căn bệnh chủ yếu ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam đột quỵ  là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ,  trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong.

Hội thảo thu hút rất đông các học viên là các bác sĩ từ các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội

PGS.TS Vũ Đăng Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại BV Bạch Mai, hiện nay việc can thiệp với bệnh nhân đột quỵ đã trở thành thường quy, nếu năm 2012, bệnh viện chỉ tiến hành can thiệp khoảng 7 ca, nhưng đến năm 2018, số bệnh nhân can thiệp lấy huyết khối đã lên đến 200 trường hợp, trung bình mỗi tuần, các bác sĩ thực hiện từ 2-3 ca.

Theo PGS Lưu, hiện nay với những bệnh nhân đến sớm trước 6 tiếng kể từ khi đột quỵ xảy ra, việc chụp cắt lớp vi tính và chụp mạch cắt lớp vi tính mạch máu cần thiết hơn, sau đó bác sĩ sẽ quyết định lấy huyết khổi hoặc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, hoặc phối hợp cả hai. Còn đối với những bệnh nhân đến muộn từ 6-24 tiếng, lõi hoại tử chưa quá lớn  bác sĩ  vẫn có chỉ định lấy huyết khối, sẽ giúp phục hồi những phần não chưa bị  hoại tử, hạn chế tối đa các tổn thương của não.

 

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn