Hà Nội

Điều trị đa u tuỷ xương tại Việt Nam: Liệu pháp đường uống đem lại nhiều hứa hẹn cho bệnh nhân

24-06-2024 14:10 | Y học 360
google news

Thống kê của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) năm 2022 chỉ ra, thế giới có 538.948 ca mắc bệnh đa u tuỷ xương với 187.952 ca mắc mới. Tại Việt Nam, số ca bệnh là 1.643 ca, trong đó 607 ca mắc mới và ghi nhận nhiều ca tử vong…

Bệnh nhân đa u tuỷ xương ở Việt Nam trẻ hoá hơn so với thế giới và thường đến viện ở giai đoạn muộn…

Các chuyên gia ung bướu và huyết học – truyền máu cho hay, đa u tuỷ xương là một bệnh máu ác tính, thường gặp ở người trên 65 tuổi. Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Tỷ lệ gặp ở nam nhiều hơn nữ. Bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh tích luỹ ác tính tế bào dòng plasmo trong tuỷ xương và một số cơ quan khác, gây phá huỷ xương, tạo thành nhiều ổ tiêu xương dẫn đến gãy xương bệnh lý, rối loạn chức năng nhiều cơ quan: suy thận, thiếu máu, suy giảm miễn dịch…

Bệnh nhân đa u tuỷ xương ở Việt Nam trẻ hoá và thường đến viện ở giai đoạn muộn

Theo TS.BS. Đỗ Huyền Nga, Trưởng Khoa Huyết học, Bệnh viện K cho hay, đa u tủy xương không nằm trong top 10 bệnh ung thư thường gặp. Tuy nhiên đây là bệnh mãn tính, điều trị kéo dài trong nhiều năm.

Điều trị đa u tuỷ xương tại Việt Nam: Liệu pháp đường uống đem lại nhiều hứa hẹn cho bệnh nhân- Ảnh 1.

TS.BS Đỗ Huyền Nga

Về dấu hiệu bệnh, TS.BS Nga cho biết, tại Viện huyết học – Truyền máu Trung ương, bệnh nhân thường đến thăm khám khi có dấu hiệu rối loạn công thức máu; tại Bệnh viện K đại đa số đến vì tổn thương xương như gẫy xương bệnh lý, chèn ép tủy sống. Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mặt bệnh đa dạng hơn, tại các cơ sở điều trị nội khoa thì bệnh nhân thường đến thăm khám vì suy thận...

"Trên thế giới bệnh đa u tuỷ xương ít khi gặp ở độ tuổi dưới 30, nhưng thực tế chúng tôi vẫn tiếp nhận bệnh nhân dưới 30 tuổi. Ở nước ta bệnh này chưa được phát hiện sớm, bệnh nhân đến viện thường đã ở giai đoạn có triệu chứng điển hình." - TS.BS Nga nêu thực trạng.

Là cơ sở y tế điều trị tuyến cuối, tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, mỗi năm có khoảng 150 ca mắc mới và khoảng 700 – 800 người bệnh được theo dõi ngoại trú.

"Thường các bệnh nhân đến viện do tái phát kháng trị chuyển từ tuyến dưới lên, khi tuyến dưới vượt quá khả năng điều trị. Bên cạnh đó, cũng có những bệnh nhân đến Viện ngay từ đầu như bệnh nhân suy thận, đau xương, đau khớp điều trị mãi không khỏi. Hoặc có những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật xử lý xương, khối u sau đó mới phát hiện u đa tủy xương" - TS.BS. Vũ Đức Bình – Phó Viện trưởng,Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết.

Điều trị đa u tuỷ xương tại Việt Nam: Liệu pháp đường uống đem lại nhiều hứa hẹn cho bệnh nhân- Ảnh 2.

TS.BS. Vũ Đức Bình (bên phải)

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong điều trị đa u tuỷ xương, nhưng vẫn còn những khó khăn hiện hữu

Nguyên nhân gây bệnh đa u tuỷ xương đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ở khía cạnh tiến bộ y học, TS.BS. Hoàng Thị Thuý Hà – Phó Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, những năm gần đây y tế nước ta đã tiếp cận được nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Bằng chứng là những loại thuốc trong phác đồ khuyến cáo ở giai đoạn mới chẩn đoán hay tái phát đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu điều trị.

Điều trị đa u tuỷ xương tại Việt Nam: Liệu pháp đường uống đem lại nhiều hứa hẹn cho bệnh nhân- Ảnh 3.

TS.BS. Hoàng Thị Thuý Hà

Còn TS.BS. Nga đánh giá, so với những nước Đông Nam Á, việc điều trị bệnh này ở nước ta thuận lợi hơn vì Bảo hiểm y tế đã chi trả một số thuốc.

Song, TS.BS. Hà cho hay, do là bệnh mạn tính nên cả cuộc đời bệnh nhân sẽ gắn với điều trị. Sau khi điều trị tấn công sẽ phải điều trị duy trì, hay trong quá trình điều trị duy trì mà chuyển nặng lại phải điều trị tấn công.

"Do vậy, khó khăn của bệnh nhân về chi phí, đặc biệt là những thuốc đang được sử dụng để duy trì hiện nay có loại được BHYT chi trả 100%, nhưng cũng có loại chi trả 50%. Do vậy, bệnh nhân phải bỏ ra ít nhất khoảng 4-5tr/ tháng khi điều trị duy trì"- TS.BS. Hà thông tin. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân phải đến bệnh viện 2 lần/tuần để tiêm thuốc. Việc này đặc biệt khó khăn với những bệnh nhân ở tỉnh hay vùng sâu, vùng xa. Nhiều bệnh nhân phải thuê trọ gần bệnh viện để điều trị.

Bổ sung thêm, TS.BS. Nga nhận định, không giống như những loại bệnh ung thư khác, đa u tủy xương là cuộc chiến không hồi kết. Đồng thời, khoảng 15% - 20% bệnh nhân bỏ điều trị sau khi điều trị tấn công trong 1 năm đầu tiên.

"Việc bỏ điều trị như vậy sẽ khiến hiệu quả điều trị giảm, bệnh sẽ tiến triển, khi bệnh nhân quay trở lại phải bắt đầu điều trị lại từ đầu. Vậy nên, bệnh nhân rất cần sự hỗ trợ từ việc tiếp cận thuốc mới để điều trị dễ dàng hơn"- TS.BS. Nga bày tỏ.

TS.BS. Bình cho rằng, một yếu tố khó khăn là từ bản thân bệnh gây nên. "Do đây là bệnh gây suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Bởi vậy, cần phải phối hợp với nhiều chuyên khoa, nhiều thuốc. Tuy nhiên, đây là khó khăn khách quan, không can thiệp được".

Thêm giải pháp mới có nhiều ưu điểm cho điều trị đa u tuỷ xương

Theo TS.BS. Bình, với đặc thù điều trị bệnh mạn tính như đa u tuỷ xương, các nhà nghiên cứu trên thế giới luôn luôn tìm ra những phương pháp tiếp cận mới. Các thuốc đó có thể dưới dạng đường uống, tiêm tĩnh mạch hay tiêm dưới da, mỗi cách thức có ưu nhược điểm khác nhau.

"Đường uống là một trong những ưu điểm cho bệnh nhân bởi có thể điều trị ngoại trú. Bệnh nhân có thể lấy thuốc về, định kỳ xét nghiệm theo dõi. Tuy nhiên, đường uống không thể sử dụng cho những bệnh nhân mắc bệnh lý về đường tiêu hóa, như dạ dày, trào ngược… mà phải dùng đường tiêm" - TS.BS. Bình nói thêm.

Bên cạnh đó, TS.BS. Nga thông tin, phác đồ đường uống được chỉ định cho bệnh nhân đa u tủy xương tái phát kháng trị và có thể dùng như liệu pháp điều trị duy trì, hoặc cho người cao tuổi không đến bệnh viện thường xuyên.

Về ưu điểm, TS.BS. Nga cho hay việc điều trị bằng đường uống giúp cho việc tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân tốt hơn, giảm tỉ lệ bỏ điều trị.

Nếu tính về kinh tế y tế, giá thành điều trị bằng đường tiêm hay thuốc uống gần như nhau. Riêng đường tiêm sẽ phát sinh những chi phí phụ như bệnh nhân phải vào viện, giường bệnh, nhân viên y tế.

"Hai phác đồ này cũng có hiệu quả tương đương nhau. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc điều trị sắp tới của người bệnh, chúng tôi rất kỳ vọng có thể kết hợp đường uống và BHYT sẽ chi trả để người dân tiếp cận được nhiều hơn" - TS.BS. Nga đề xuất.

Nội dung được bảo trợ truyền thông bởi Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam.

PV


Ý kiến của bạn