Cách điều trị cúm theo y học cổ truyền giúp nhanh hồi phục

SKĐS - Thời tiết khô lạnh là điều kiện lý tưởng để virus cúm phát triển, lây lan. Nếu không phòng và điều trị cúm đúng, kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, hô hấp, viêm phổi…

Chuyển mùa là giai đoạn thời tiết thay đổi với nhiệt độ lúc nóng, lúc lạnh, nắng mưa thất thường nên hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, rất dễ mắc bệnh, trong đó có cúm. Cúm rất dễ mắc khi thời tiết khô, lạnh… vì đây là điều kiện thuận lợi khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh, trong đó có virus cúm. Những đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai… Những người có sức miễn dịch kém cũng rất dễ bị cảm cúm.

Triệu chứng đầu tiên của cảm cúm là sốt, ngứa - đau rát họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ho, xung huyết mắt, cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, có thể sốt đến 39 độ C. Ho thường xuất hiện sau khi có triệu chứng ở mũi và các biểu hiện lâm sàng của cảm cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên. Thông thường bệnh cảm cúm kéo dài trong khoảng 1 tuần.

Cách điều trị cúm theo y học cổ truyền giúp nhanh hồi phục- Ảnh 1.

Cúm rất dễ mắc khi thời tiết khô, lạnh, chuyển mùa…

Dưới đây là một số phương pháp điều trị cúm theo y học cổ truyền:

1. Xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ trị cúm

Xoa bóp bấm huyệt giúp giảm các triệu chứng khó chịu như nhức đầu, sổ mũi, ho... do cúm gây ra. Xoa bóp – bấm huyệt vùng đầu cổ gáy để cải thiện các chứng nhức đầu, đau lưng, đau mình… Đối với cảm phong hàn, thủ thuật nên mềm mại, chậm, thấm xuống da, để gây ấm, phát tán phong hàn. Xoa đầu cổ gáy kết hợp xoa vuốt sống lưng từ trên xuống và từ dưới lên.

Ngoài ra để giảm các triệu chứng của cúm:

- Nếu ngạt mũi, sổ mũi: Day huyệt Ấn đường, Nghinh hương để thông mũi.

- Nhức đầu: ấn Bách hội, Thái dương, Phong trì.

- Ho: Day ấn huyệt Thiên đột.

Lưu ý, các động tác kể trên làm từ 15-20 lần mỗi động tác. Các huyệt bấm và day từ 1-2 phút.

2. Điều trị cúm dùng thuốc (dùng các loại thảo dược có kháng sinh tự nhiên)

2.1 Bài thuốc trị cúm

- Cửu vị khương hoạt thang trị cúm: Khương hoạt 6g, phòng phong 6g, thương truật 6g, tế tân 4g, xuyên khung 8g, bạch chỉ 8g, sinh địa 8g, hoàng cầm 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chữa cảm phong hàn kèm theo đau nhức người và các khớp xương (có thấp).

- Ma hoàng thang: Ma hoàng 6g, hạnh nhân 8g, quế chi 4g, cam thảo 4g; sắc uống ngày 1 thang, dùng cho người nhức đầu, phát sốt, sợ gió, xương khớp đau mỏi, không có mồ hôi, thở khó (suyễn thở).

- Quế chi thang: Quế chi 12g, thược dược 12g, cam thảo 6g, sinh khương 12g, đại táo (xé nát) 12 quả; sắc uống ngày 1 thang, dùng cho người sợ gió, sợ lạnh, người hâm hấp sốt, mồ hôi tự ra, thở mạnh, nôn khan.

- Hương tô tán: Hương phụ 80g, tử tô 80g, trần bì 40g, cam thảo 20g; tán bột, ngày uống 12g, uống với nước ấm hoặc nước hãm với 3 - 5 lát gừng tươi; trị cảm mạo, đau đầu, sốt, ngực bụng đầy trướng, ợ hơi, không muốn ăn.

- Lá tía tô khô, cà gai leo khô, hương phụ khô đều 80g; trần bì 40g; tán bột. Mỗi ngày uống 20g, hãm với nước sôi.

2.2 Thảo dược trị cúm

Sử dụng các vị thảo dược nóng ấm có tác dụng phát tán phong hàn, đơn giản và dễ kiếm trong gia đình hỗ trợ trị cúm:

- Hạ sốt:

+ Cỏ nhọ nồi: Rửa sạch, sao khô hoặc phơi khô, sắc lấy nước uống.

+ Diếp cá: Là loại thảo dược khá hiệu nghiệm trong việc hạ sốt, đặc biệt là ở trẻ em. Dấp cá kết hợp với hương nhu, giã nát, hòa nước uống có tác dụng hạ sốt là bài thuốc dân gian được khá nhiều nơi áp dụng.

+ Rau má: Từ xưa rau má tươi đã được dùng sắc lấy nước để giảm cơn sốt.

Lưu ý khi hạ sốt: Nếu bị sốt kèm theo các triệu chứng khác như đau họng, nôn mửa… cần tăng liều lượng hoặc bổ sung thêm các loại thảo dược khác.

Cụ thể:

  • Sốt kèm đau họng: Bổ sung thêm 10g mướp đắng khô
  • Sốt, có nôn mửa: Tăng lượng tía tô và gừng lên
  • Sốt kèm theo đau đầu: Thêm 4-8g bạch chỉ
  • Sốt và ho nhiều: Thêm 4-6g củ mạch môn (củ hoa tóc tiên)
  • Sốt kèm đi ngoài phân lỏng: Thêm 4-8g lá ổi.

- Tăng cường sức đề kháng hỗ trợ trị cúm

+ Chanh: Có tính kháng virus, chống viêm, chống nấm và chống vi khuẩn. Nên uống nước chanh khi đang bị cúm sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại virus cúm, hỗ trợ trị cúm hiệu quả.

+ Gừng: Là một trong những thực phẩm tốt nhất để điều trị cúm và cảm lạnh. Gừng tiêu diệt virus, vi khuẩn gây bệnh cúm và chống viêm. Cách dùng là pha trà uống để giảm các triệu chứng cảm cúm.

+ Tỏi: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong tỏi có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất trong các loại gia vị. Theo Đông y tỏi vị cay, tính ấm, có thể tăng cường sự lưu thông khí huyết, sát trùng, sát khuẩn, tăng cường sức đề kháng để phòng chống nhiều loại bệnh khác nhau bao gồm các chứng cảm cúm.

Cách điều trị cúm theo y học cổ truyền giúp nhanh hồi phục- Ảnh 2.

Tỏi vị thuốc tốt trong phòng và trị cúm

Hàng ngày có thể dùng tỏi để pha nước chấm hoặc trộn rau giúp phòng ngừa cảm cúm. Trong những đợt dịch cúm có thể sử dụng dung dịch tỏi pha loãng nhỏ mũi giúp ngừa cúm và ngăn chặn một số nhiễm trùng lây lan qua đường hô hấp.

Giã nát 3 tép tỏi, hãm trong 50g nước sôi khoảng nửa giờ, chắt lấy nước, nhỏ vào mũi mỗi bên khoảng 2 hay 3 giọt, ngày 2 hoặc 3 lần. Hoặc cũng có thể hít hơi tỏi qua mũi sau khi đun sôi khoảng 200g tỏi giã nát trong 300ml nước khoảng 10 phút. Hít thở sâu khi nước tỏi còn nóng thông qua 1 cái phễu úp trên miệng ấm khi vừa bắc xuống. Độ nóng và hít sâu vừa với khả năng chịu đựng của cơ thể để tránh bị phỏng.

+ Mật ong: Mật ong có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm mạnh. Mật ong rất tốt cho người bị đau họng, khản tiếng, ho có đờm… Nếu mắc các triệu chứng này, uống một cốc mật ong pha ấm hay ăn chanh ngâm mật ong bệnh sẽ khỏi nhanh

2.3 Xông

Để có một nồi lá xông, cần chọn các loại lá thơm có tinh dầu mang tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong thông khiếu, kháng sinh khử trùng... Trong đó, thông dụng nhất là lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá gừng, lá nghệ, hương nhu, ngải cứu...

- Cách xông: Người bệnh cởi bỏ quần áo ngoài, ngồi trên một mặt phẳng, tư thế xếp bằng hoặc xếp chân sang một bên, ngẩng cao đầu, nghiêng sang một bên để tránh hơi nước nóng phả mạnh vào mặt. Đặt nồi nước xông trước mặt, trùm chăn kín rồi từ từ mở hé vung nồi cho hơi nước thoát ra, sao cho độ nóng vừa ở mức chịu đựng được. Hít thở mạnh và sâu để hương tinh dầu vào sâu trong phế nang.

- Thời gian xông hơi: Khoảng 10-15 phút. Xông xong, mở chăn ra, lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch. Pha thêm nước ấm vào nồi nước xông sao cho đạt 37-38 độ C rồi tắm trong phòng kín gió, sau đó lau khô cơ thể, mặc quần áo sạch. Bệnh nhân già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể… khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh cho người bệnh khỏi ngã.

- Cách xông đơn giản: Nếu không có điều kiện để xông theo kiểu truyền thống thì chỉ cần thực hiện cách xông đơn giản mà vẫn hiệu quả như sau: Chế nước sôi vào một cái tô lớn, lấy khăn trùm vùng đầu mặt, chỉ cần xông vùng đầu mặt, hít thật sâu cho hơi nước vào sâu. Có thể cho thêm tinh dầu tràm (hoặc cho vài giọt dầu gió), hoặc vài lát tỏi.... vào để tinh dầu bốc lên theo hơi nước.

2.4 Món ăn

- Cháo hành nóng: Cháo hành nóng, tía tô là món ăn dễ tiêu hóa, giải cảm tốt. Đây là món ăn đặc biệt tốt cho người bị cảm cúm.

- Cháo gà nóng, soup gà: Nước soup (súp) gà có thành phần của cysteine, một amino acid có thể phối hợp với những sinh tố C, E và chất selenium trong tác dụng chống oxy hoá. Cysteine còn có tác dụng kích thích tế bào bạch cầu trong hoạt động miễn dịch, đặc biệt là có khả năng làm loãng và đánh tan những chỗ ngăn nghẹt do đờm dịch đọng lại ở bộ máy hô hấp, làm kéo dài thêm tình trạng cảm cúm.

2.4 Chế độ ăn uống sinh hoạt

- Nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và đầy đủ dinh dưỡng như cháo, súp.

- Ăn nhiều hoa quả rau xanh giàu vitamin C như bơ, xoài, rau ngót, cải bắp....

- Bổ sung vitamin C, A, E để tăng sức đề kháng.

- Tránh các thức ăn cay, nóng có tính chất kích ứng họng.

- Không uống rượu, bia, cafe, thuốc lá, đồ uống lạnh, có ga...

- Khi cơ thể bị ốm, chức năng phòng chống bệnh của hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng. Vì thế việc rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn giúp ngăn ngừa các virus mới xâm nhập vào cơ thể. Rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi cầm nắm thức ăn, sau khi đi vệ sinh, kể cả khi không bị bệnh...

3. Cách phòng tránh bệnh cảm cúm

Bệnh cảm cúm là bệnh do virus cúm gây nên, dễ lây truyền do virus cúm từ người bệnh phát tán không khí và gia tăng mạnh khi thời tiết trở lạnh. Để cơ thể không mắc bệnh cảm cúm mọi người cần nâng cao ý thức phòng tránh bệnh:

- Nên chú ý ăn uống đủ chất, tăng cường các loại rau xanh, củ quả vào thực đơn hằng ngày. Bổ sung dinh dưỡng và cân đối các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả có chứa khoáng chất selenium, vitamin C… để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt trong chế độ ăn uống nên bổ sung tỏi và các chế phẩm từ tỏi vì chúng có tác dụng phòng ngừa cúm, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

- Uống nhiều nước là một trong những cách giúp cơ thể phòng chống bệnh cảm cúm. Khi bị cúm việc uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả...), đặc biệt là nước ấm, sẽ giúp giảm đáng kể triệu chứng nghẹt mũi khó chịu.

- Ngay cả khi không bị cảm cúm, việc súc miệng bằng nước muối vài lần mỗi ngày có thể giúp điều ngăn chặn viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh.

- Ngoài ra dụng cụ giữ độ ẩm cho không khí là công cụ tuyệt vời giúp bạn phòng chống bệnh cảm cúm, vì virus cúm không thể hoạt động trong môi trường ẩm.

- Vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối ấm hàng ngày.

- Giữ ấm vùng cổ ngực, tránh bị nhiễm lạnh, giữ cho mũi được thông thoáng (xịt nước muối),không nên thở bằng miệng khi ngủ.

- Hạn chế nói to, gào thét, nói nhiều khi bị bệnh

- Lấy tay che miệng khi ho, hắt hơi, bịt khẩu trang khi ra ngoài.

- Giữ môi trường sống sạch sẽ.

- Rèn luyện cơ thể thường xuyên nhằm nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng.

Mời độc giả xem thêm:

Dùng thuốc trị cúm A thế nào cho nhanh khỏi?Dùng thuốc trị cúm A thế nào cho nhanh khỏi?

SKĐS - Cúm A là một bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp tính, dễ lây lan. Bệnh ảnh hưởng nhiều nhất lên trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 65 tuổi. Nếu không được chăm sóc và điều trị tốt, bệnh tiến triển nặng và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Vậy dùng thuốc thế nào giúp mau khỏi bệnh và ngăn ngừa biến chứng?


BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ
BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
Ý kiến của bạn