Trong hơn 2 năm COVID-19 lan tràn, gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe, ảnh hưởng sâu rộng về kinh tế xã hội, chúng ta đã không chần chừ trong việc tìm kiếm những phương pháp điều trị hiệu quả, thuốc men và vaccine. Thế nhưng, chính những phương pháp điều trị này lại có những tác dụng phụ không nhỏ cho mắt. Từ chiếc mask oxy, máy thở, thuốc sát trùng hàng ngày đến những "vũ khí tối thượng" như kháng thể đơn dòng, huyết thanh điều trị rồi sau cùng là vaccine, tất cả đều có thể gây hệ lụy cho mắt sau khi đã đóng vai trò "hiệp sĩ" của mình.
1. Những hệ lụy từ các phương pháp điều trị COVID-19, thuốc men
Trong thời gian qua, chúng ta có phân tầng điều trị từ nhẹ đến nặng. Chiến lược điều trị khác nhau tùy thuộc vào độ nặng nhẹ, lượng vật chất thuốc men cũng tăng lên tương xứng.
Tại tuyến cao nhất có đủ các "vũ khí hạng nặng" như: Oxy, trợ thở, kháng virus, cortisol, kháng thể đơn dòng, thuốc chống đông, các thuốc điều hòa miễn dịch: Ivimab, sotrovimab, imdevimab…Mỗi phương pháp điều trị đều có tác dụng phụ tới mắt, thế nhưng ít người quan tâm đến nó hoặc cũng có thể do thiếu bác sĩ mắt tại đó. Thiết nghĩ với chuyên khoa mắt cũng nên phân tầng chứ không nên vắng bóng ở khu điều trị tích cực.
Với các kháng thể đơn dòng, thuốc kháng virus còn mới mẻ và quá ít báo cáo nên chưa thể nói gì nhiều về tác dụng phụ trên mắt. Ngược lại với nhóm steroid, vũ khí đầu tay điều trị COVID là dexamethasone thì tác dụng phụ lại quá nhiều và kinh điển. Tăng nhãn áp, gây giảm thị lực, thu hẹp thị trường là chuyện có thật. Nhiều bệnh nhân COVID còn bị bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch (CSCR) do dùng cortisol liều cao, dài ngày. Tiêm tĩnh mạch corticosteroids khá phổ biến để điều trị COVID còn gây viêm nội nhãn nội sinh, viêm mũi xoang- hốc mắt do nấm, nhiễm nấm toàn thân.
Trong khi việc nên hay không nên dùng Chloroquin hay Hydrochloroquin trong điều trị COVID còn đang tranh cãi thì chúng ta không thể quên bệnh lý hoàng điểm do hai thuốc trên gây lên hiện tượng mắt bò khi soi đáy mắt. Liều an toàn với 2 thuốc trên được khuyên vẫn là < 5mg/kg cân nặng.
2.Lưu ý với máy móc và chăm sóc hàng ngày
Với bệnh nhân thở máy lâu dài, nên chú ý tình trạng khí thũng của hốc mắt do áp lực cao từ máy trợ thở áp lực dương tác động lên vùng ngực- mặt- hốc mắt. Khí thũng hốc mắt cộng thêm với tác dụng của thuốc an thần, giãn cơ, tư thế đầu thấp của bệnh nhân rất dễ phát sinh tình trạng hở giác mạc- có báo cáo nêu con số >50% bệnh nhân sẽ bị bệnh lý hở giác mạc. Công tác chăm sóc mắt cần đặc biệt lưu ý vấn đề này.
Tình trạng dùng mask oxy có gây vài hệ lụy cho mi, hốc mắt đặc biệt là mask không tương thích. Có thể kể ra là : Xuất huyết mi, hốc mắt, xuất huyết dưới kết mạc tự phát. Thở mask cùng với dòng thở ra quá lớn còn có thể gây khô mắt.
Ở giai đoạn đầu của dịch do hiểu biết sai lầm có người đã uống cồn để phòng COVID, có trường hợp đã mù vì uống nhầm cồn methanol. Hiện nay các sản phẩm vệ sinh y tế có cồn đều chứa ethanol, isopropyl alcohol, n-propyl alcohol và tổ hợp của chúng. Do vậy khi sử dụng hàng ngày chúng ta không còn lo bị lẫn methanol trong các dụng dịch rửa tay, sát khuẩn, sát trùng dẫn đến gây hại cho thần kinh và mắt.
3.Kết luận
Bệnh dịch vẫn còn và có thể lại xuất hiện thêm biến chủng mới. Chúng ta đã biết ít nhiều về chúng nhưng chưa thể đủ, với chuyên khoa mắt cũng vậy. Nắm được các biểu hiện tại mắt, cách điều trị, biến chứng do bệnh và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị là điều cần thiết với các bác sĩ mắt để đối phó với danh sách nhiễm COVID ngày một dài thêm.
Chuyện chăm sóc mắt cho bệnh nhân hậu COVID chúng tôi sẽ cập nhật trong các bài viết sau.
Mời xem video có thể bạn quan tâm:
Khô mũi - Triệu chứng của COVID-19 hay bệnh nhiễm trùng đường hô hấp