Điều trị co thắt đại tràng

31-01-2015 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Co thắt đại tràng hay đại tràng kích thích là bệnh không rõ nguyên nhân, nhưng người ta thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng căng thẳng và hội chứng đại tràng kích thích.

Em bị co thắt đại tràng đã dùng nhiều thuốc mà bệnh không có tiến triển. Mong bác sĩ tư vấn giúp em cách điều trị.

Nguyễn Huy Tâm (Vĩnh Phúc)

Co thắt đại tràng hay đại tràng kích thích là bệnh không rõ nguyên nhân, nhưng người ta thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng căng thẳng và hội chứng đại tràng kích thích. Biểu hiện của bệnh là đau quặn, đầy hơi, mắc đi tiêu. Đau trước khi đi tiêu, khi trướng hơi, giảm sau khi đi tiêu, đau lan nhiều nơi trong ổ bụng. Tăng lên bởi xúc động, chế độ ăn (ít chất xơ, quá nhiều cà phê, trà đặc...). Phân có khi táo có khi tiêu chảy. Người bệnh có cảm giác tiêu không hết phân, đôi khi có nhày nhớt. Điều trị bằng thuốc chỉ là phần ngọn tức để giải quyết triệu chứng như thuốc tạo khối phân, chống co thắt cơ trơn, thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc trầm cảm,... Tuy nhiên, chế độ ăn, tập luyện tinh thần để giải quyết yếu tố làm tăng bệnh là quan trọng. Bạn nên ăn thức ăn nhiều chất xơ (20 - 60g/ngày) như ăn ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau tươi, trái chín; giảm và bỏ chất béo (chiên xào, nước xốt, dầu trộn...); tránh ăn thức ăn làm đầy hơi (đậu Hà Lan, hột mít...); ăn nhiều bữa, mỗi bữa ít một, tránh chất kích thích cà phê, rượu, thuốc lá, thức ăn cay nóng (gia vị), chua (chanh, cà chua, dầu giấm...), uống nhiều nước 1,5 - 2 lít/ngày... Ngoài ra, cần tập luyện thể dục đều đặn vừa sức, tập thở sâu, thư giãn, sống điều độ, ghi nhật ký những thức ăn đồ uống gây rắc rối cho ruột để tránh,... Tóm lại, cơ thể khỏe mạnh thì ruột khỏe mạnh. Nếu bạn đã thực hiện như trên mà bệnh không tiến triển cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp. Chúc bạn nhanh khỏi bệnh.

BS. Kim Oanh

 

 

 


Ý kiến của bạn