Điều trị chứng lồi mắt trong bệnh Basedow

17-07-2013 09:39 | Y học 360
google news

Chứng lồi mắt ảnh hưởng đến vẻ đẹp của khuôn mặt người bệnh, khiến họ mất ăn, mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân đã yêu cầu các bác sĩ tìm mọi cách điều trị cho mình hết chứng bệnh này.

Chứng lồi mắt ảnh hưởng đến vẻ đẹp của khuôn mặt người bệnh, khiến họ mất ăn, mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân đã yêu cầu các bác sĩ tìm mọi cách điều trị cho mình hết chứng bệnh này.

Trong bệnh Basedow lồi mắt là dấu hiệu hay gặp nhất. Theo những công trình nghiên cứu mới nhất, dấu hiệu này gặp được trong 40 - 45% các trường hợp. Chính vì vậy người ta còn gọi bệnh Basedow với một cái tên khác là bệnh bướu cổ lồi mắt.

Phân loại mức độ lồi mắt

Lồi mắt thường xảy ra ở cả hai mắt, đôi khi rõ rệt ở một bên hơn là bên kia. Cũng có những bệnh nhân chỉ bị lồi một bên mắt nhưng rất hiếm gặp.

Đi kèm với chứng lồi mắt bệnh nhân thường cảm thấy chói mắt, chảy nước mắt sống, cảm giác như có bụi bay vào mắt hoặc rất nóng rát. Nặng hơn bệnh nhân có thể bị khô và loét giác mạc là nguyên nhân gây lên mù lòa vĩnh viễn.

Trong thực hành bệnh viện, các bác sĩ hay áp dụng bảng phân loại Werner của Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ với 6 mức độ: độ 1 và 2  là nhẹ, độ 3 là vừa, độ 4 - 6 là nặng.

Điều trị chứng lồi mắt trong bệnh Basedow 1
Bệnh nhân thường bị lồi hai bên mắt nhưng cũng có bệnh nhân chỉ lồi một bên mắt
Với những trường hợp khó khăn trong chẩn đoán và phân loại, người ta sử dụng thước đo độ lồi mắt Hertel. Độ lồi mắt khác nhau tùy theo chủng tộc và dân tộc, ở người Việt Nam bình thường độ lồi mắt vào khoảng 12mm, độ lồi tăng lên trong bệnh nhân Basedow.

Điều trị như thế nào?

Một số trường hợp chứng lồi mắt có thể thay đổi cùng với tiến triển của bệnh sau khi điều trị. Khoảng 30% số bệnh nhân sẽ hết lồi mắt sau khi phẫu thuật, thường là những bệnh nhân lồi mắt ở mức độ nhẹ và vừa.

Có 3 phương pháp điều trị chứng lồi mắt gồm: sử dụng thuốc corticoides liều cao, xạ trị và phẫu thuật.

Với những bệnh nhân lồi mắt độ 1, thường không cần phải điều trị.

Những bệnh nhân lồi mắt độ 2, việc điều trị bao gồm:

- Đeo kính sẫm màu.

- Nhỏ hoặc tra các loại pomade nước mắt nhân tạo để tránh biến chứng khô giác mạc.

Nhỏ một loại thuốc nước đặc biệt để làm giảm mức độ cường cơ vận nhãn. Thuốc này được cho theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.

Những bệnh nhân lồi mắt từ độ 3 trở lên, việc điều trị phức tạp hơn nhiều và không phải lúc nào cũng có hiệu quả:

- Thuốc corticoides liều cao như Prednisone 100mg một ngày (20 viên) từ 5 - 7 tuần. Tuy nhiên, cần chú ý khả năng dung nạp kém với corticoides ở người Việt Nam so với bệnh nhân phương Tây. Biến chứng  hay gặp nhất của việc sử dụng thuốc là viêm loét dạ dày có thể gây xuất huyết tiêu hóa và phù do giữ nước.

- Xạ trị: dùng máy tạo chất phóng xạ chiếu vào vùng hốc mắt: tuy nhiên phương pháp này chỉ có hiệu quả điều trị lồi mắt trong giai đoạn sớm và không có tác dụng trong giai đoạn sẹo đã hình thành phía sau hốc mắt.

- Điều trị bằng phẫu thuật: được sử dụng cho những trường hợp thất bại với điều trị bằng corticoides và xạ trị, bao gồm:

Khâu cò mí mắt: nhằm làm giảm độ hở của mi mắt.

Phẫu thuật chỉnh hình làm giảm độ co rút của cơ vận nhãn.

Phẫu thuật làm giải áp hốc mắt trong những trường hợp lồi mắt ác tính có tổn thương thần kinh thị gây giảm và mất thị lực hoặc do yêu cầu thẩm mỹ của bệnh nhân.

Phẫu thuật tạo hình sau giải áp hốc mắt.

Tất cả những phẫu thuật này được thực hiện bởi các bác sĩ nhãn khoa và tạo hình.

 

PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM


Ý kiến của bạn