(Lý Thanh Long - Đồng Tháp)
Một số yếu tố nguy cơ của bệnh lý động mạch ngoại biên và đau cách hồi: hút thuốc lá, đái tháo đường, cao huyết áp, tăng cholesterol, bệnh tim mạch… Để chẩn đoán bệnh này, bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử kết hợp với triệu chứng nêu trên. Bên cạnh đó bệnh nhân được chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng: siêu âm (thường được chỉ định để xác định vị trí và mức độ hẹp của mạch máu). Chỉ số mắt cá chân - cánh tay (đo huyết áp ở mắt cá chân so sánh với cánh tay để xác định có bất bình thường ở mạch máu ngoại vi). Đo huyết áp từng vùng của chân (bắp chân, đùi thấp, đùi cao) để phát hiện tình trạng tắt gây giảm lưu lượng máu. Chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner) hoặc cộng hưởng từ nhân (MRI) mạch máu để giúp vẽ được sơ đồ dòng chảy ở các vùng bị ảnh hưởng.
Hiện có hai phương pháp chính điều trị chứng đau cách hồi: nội khoa và phẫu thuật (còn gọi là tái lưu thông lại mạch máu). Điều trị bằng thuốc được lựa chọn đầu tiên vì không xâm lấn, thường dùng hai loại thuốc: Cilostazol (giảm đau cách hồi bằng việc giãn động mạch để cải thiện lưu lượng máu) và Pentoxifylline (giảm độ nhờn của máu nhằm làm dòng chảy tốt hơn nên tăng cung cấp oxy cho cơ). Tái lưu thông mạch máu ở bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa. Có hai cách can thiệp là can thiệp nội mạch và phẫu thuật nối tắt động mạch. Phương pháp can thiệp nội mạch có thể dùng bóng đưa vào vị trí hẹp để nong rộng ra và tăng lưu lượng máu hoặc đặt giá đỡ (stent) ở nơi động mạch bị hẹp. Can thiệp nội mạch được thực hiện ở các trung tâm lớn, người ta đưa dụng cụ can thiệp qua động mạch đùi đến nơi hẹp để thực hiện từ bên trong lòng mạch. Trong trường hợp phẫu thuật nối tắt, bệnh nhân sẽ được mổ hở để thay thế đoạn mạch hẹp bằng đoạn mạch nhân tạo hoặc dùng mạch máu khác nối qua điểm hẹp giúp cho lưu lượng máu trở lại bình thường.