Hà Nội

Điều trị cảm cúm bằng y học cổ truyền

22-10-2019 14:09 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh đột ngột và thường kéo dài 7 - 10 ngày.

Hầu hết mọi người bình phục hoàn toàn.Tuy nhiên, đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong do các biến chứng. Ngoài ra, hiện nay các loại virus cúm nguy hiểm có khả năng lây lan rộng, đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn như: H5N1,H1N1,H7N9...

Bệnh là do virus cúm(Influenza virus)thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 type A, B và C.

Nguyên nhân gây bệnh theo YHCT là do phong hàn gây ra cảm mạo, phong nhiệt gây ra cúm. Phong hàn và phong nhiệt xâm phạm vào phần da, phế làm mất công năng tuyên giáng của phế, kèm thêm vệ khí bị trở ngại phát sinh các chứng: ho, sợ lạnh, sợ gió, nhức đầu ngạt mũi, mạch phù khẩn (phong hàn); ho sốt, sợ gió, không sợ lạnh, mũi khô, mạch phù sác (phong nhiệt)...

- Cảm mạo phong hàn: Cảm mạo (còn có tên gọi là “thương phong”).

- Cảm mạo phong nhiệt: Cúm (còn có tên gọi là “thời hành cảm mạo”).

Nguyên tắc điều trị:

Bệnh nhân cúm thể thông thường:

- Cách ly nghỉ ngơi tại giường cho tới khi hết sốt, đề phòng các biến chứng. Ăn lỏng đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, tăng cường các loại sinh tố.

- Cho bệnh nhân thuốc an thần: Seduxen, rotunda… thuốc giảm ho long đờm, sirocodein, tecpincodein…

- Kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn.

Điều trị cảm cúm bằng y học cổ truyềnẢnh minh họa

Bệnh nhân cúm thể nặng (ác tính), nhiều virus cúm H5N1:

- Bệnh nhân nghi ngờ phải cách ly.

- Dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt, ngay từ những ngày đầu của bệnh.

- Hồi sức chống suy hô hấp là cơ bản.

- Điều trị bội nhiễm, biến chứng suy đa phủ tạng.

Các thể bệnh và điều trị theo YHCT:

Lưu ý nếu người bệnh bị cúm ác tính cần được điều trị bằng y học hiện đại.

Y học cổ truyền chia thành 2 thể.

Thể cảm mạo phong hàn:

Triệu chứng: Mũi ngạt, nói khàn, hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc ngứa họng, ho, đờm nhiều trắng loãng, thậm chí đau đầu, đau mình mẩy, sợ gió, sợ lạnh, phát sốt, không đổ mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

- Chẩn đoán nguyên nhân: Phong hàn.

- Pháp trị: Phát tán phong hàn (Tân ôn giải biểu).

Điều trị bằng thuốc:

Thuốc xông: Là phương pháp rất phổ biến và được cộng đồng ưa chuộng. Dược liệu sử dụng rẻ tiền, dễ kiếm, sẵn có ở địa phương, kết quả lại cao.Có những trường hợp cảm mạo chỉ cần xông một lần là khỏi.

Bài thuốc xông: Nấu nồi xông với 3 loại lá:

- Lá có tác dụng kháng sinh: lá hành, lá tỏi.

- Lá có tác dụng hạ sốt: lá tre, lá duối.

- Lá có tinh dầu, có tác dụng sát trùng đường hô hấp: lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới, lá bạc hà, lá sả, lá hương nhu,...

Mỗi thứ một nắm, tổng cộng khoảng 200 - 300g, rửa sạch lá, cho vào nồi khoảng 2 - 3 lít nước, đun sôi. Đặc biệt những lá có tinh dầu cho vào sau khi nước đã sôi, đậy kín vung, đun sôi lại, bắc xuống.Khi xông trùm chăn kín cả người bệnh và nồi xông, mở nồi nước xông từ từ cho hơi nóng mùi tinh dầu bốc lên bệnh nhân.Xông từ 10 - 20 phút.Xông xong, lau sạch mồ hôi, thay quần áo, tránh gió lạnh.Sau khi xông, ăn bát cháo hành với tía tô (ăn nóng).

Bát cháo giải cảm: Gạo tẻ 30g; lá tía tô thái nhỏ 8g; muối 1g; gừng sống 3 lát; hành sống giã nhỏ 3 củ. Gạo nấu thật nhừ rồi cho hành, gừng, lá tía tô và muối vào.Nếu có trứng gà, đánh vào cháo 1 quả, khuấy đều, đem ra ăn khi còn nóng.Ăn xong đắp chăn độ 30 phút cho ra mồ hôi, sau đó lau khô và thay áo quần.

Thuốc xông là phương pháp rất phổ biến và được cộng đồng ưa chuộng

Bài thuốc: Kinh giới 12g; tía tô 12g; sinh khương 3 lát; bạch chỉ 12g; trần bì 6g; quế chi 6g; bạc hà 10g; sắc uống ngày 1 thang, uống 1 - 3 thang.

Thể cảm mạo phong nhiệt:

Triệu chứng lâm sàng: Phát sốt, hơi sợ gió, sợ lạnh, có ra mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi nặng, hầu họng sưng đỏ đau, ho ra đờm đặc, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.

Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.

Chẩn đoán nguyên nhân: Phong nhiệt.

Pháp trị: Phát tán phong nhiệt (Tân lương giải biểu).

Điều trị cụ thể: Bài thuốc: Bạc hà 10g; ké đầu ngựa 12g; cát căn 10g; cam thảo đất 10g; địa liền 10g; lá dâu 10g; lá tre 10g; bạch chỉ 10g; cúc tần 10g; cối xay 10g; sắc uống ngày 1 thang. Uống 3 thang.

Cảm cúm là bệnh thường gặp, đặc biệt ở nơi mật độ dân đông và mang tính truyền nhiễm. Do đó công tác dự phòng đóng vai trò quan trọng nên cần phải tăng cường tuyên truyền vệ sinh, rèn luyện thân thể, tăng cường thể lực. Trong thời gian bệnh phát tán phải tiêm phòng dịch, vệ sinh môi trường.

Lưu ý: Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng như sốt cao liên tục không hạ sốt được, tức ngực, khó thở, mệt lả hoặc những người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh khi mắc cúm nên đến bệnh viện khám để được xử trí kịp thời những diễn biến nặng có thể xảy ra.


BS. TRƯƠNG MINH HỮU HẠNH
Ý kiến của bạn