Điều trị các bệnh dị ứng: Quan trọng là tránh tái phát

BS.CKI. Vũ Thu Trang

BS.CKI. Vũ Thu Trang

10-04-2019 14:03 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Để điều trị dị ứng không khó, nhưng để trị dứt điểm và tránh tái phát bệnh thì không hề đơn giản. Vậy hiện nay chúng ta đã có những tiến bộ gì trong điều trị các bệnh này?

Hãy cùng chúng tôi trao đổi với BS.CKI. Vũ Thu Trang (Khoa Da liễu-Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) về vấn đề này. Phóng viên: Dường như càng ngày bệnh nhân mắc các bệnh về dị ứng-miễn dịch lâm sàng càng nhiều! Theo BS., nguyên nhân do đâu?

Điều trị các bệnh dị ứng: Quan trọng là tránh tái phát

BS.CKI. Vũ Thu Trang,  Khoa Da liễu-Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

BS.CKI. Vũ Thu Trang: Xã hội càng phát triển càng có không ít những ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe con người, trong đó phải kể đến việc gia tăng các bệnh dị ứng trong những năm gần đây.

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho các bệnh dị ứng ngày càng tăng:

Hóa chất được sử dụng ngày càng nhiều cho mọi ngành khoa học, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, giải trí... thậm chí có trong cả thức ăn cho vật nuôi, cây trồng, chế biến, bảo quản...

Dịch bệnh ngày càng nhiều và phức tạp nên việc sử dụng thuốc điều trị tăng.

Mức độ tiêu thụ các loại hàng hóa ngày càng gia tăng (kể cả thực phẩm cũng như các hóa chất sử sụng trong sinh hoạt, làm đẹp...); Môi trường ngày càng ô nhiễm (khói, bụi...); Khi xã hội càng phát triển các hóa mỹ phẩm ngày càng nhiều, kéo theo đấy là vô số mặt hàng không rõ nguồn gốc; thực phẩm “bẩn” ngày càng nhiều trên thị trường, thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng nhiều, không có sự kiểm soát của bác sĩ; Các chất tẩy khử trùng, các thiết bị sinh hoạt (điều hòa, máy sưởi...) có thể làm cho những người nhạy cảm bị dị ứng...

Phóng viên: Hiện nay, chúng ta  đã có những tiến bộ nào trong điều trị các bệnh về dị ứng?

BS.CKI. Vũ Thu Trang: Trong điều trị các bệnh dị ứng, trước hết, bệnh nhân cần phải loại bỏ được nguyên nhân (phải tránh xa hoặc thu hẹp tiếp xúc với những chất gây ra dị ứng). Tuy vậy đối với việc xác định chính xác các dị ứng trong môi trường sống là việc hết sức khó khăn và những dị nguyên được dẫn truyền trong không khí (như phấn hoa, bụi..) thì xem ra việc tránh tiếp xúc này cực kì khó thực hiện. Bên cạnh đó có điều trị bằng thuốc và các phương pháp miễn dịch.

Mỗi bệnh dị ứng có phác đồ điều trị riêng, tuy nhiên có một số điểm chung sau đây:

Điều trị kinh điển các bệnh dị ứng: Thuốc kháng histamine, sử dụng corticoid với liều thông thường nhằm mục đích ức chế phản ứng viêm, Sử dụng các biện pháp hỗ trợ để nâng cao thể trạng.

Các phương pháp mới điều trị các bệnh dị ứng chủ yếu phối hợp các thuốc kinh điển và những thuốc mới. Bao gồm:

Thuốc kháng histamine cũ : Có thể dùng thuốc kháng histamin thế hệ cũ như clorpheramin, promethazin, pheniramin, hoặc dùng kháng histamin thế hệ mới (như levocetirizine, desloratadine) có tính chọn lọc và hiệu quả cao, ít tác dụng phụ.

Thuốc kháng các mediator khác: Kháng leukotriene (montelukast).

Corticoid liều cao: Methylprednisolone truyền tĩnh mạch.

Kháng thể đơn dòng: Anti IgE (Omalizumab), anti CD 20 (rituximab)…

Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy), hay còn gọi là phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu, là phương pháp tạo ra tình trạng dung nạp tạm thời với cá dị nguyên mà trước đó gây ra phản ứng quá mẫn. Đặc trưng bằng việc nhắc lại từng liều nhỏ và tăng dần các chất gây ra dị ứng và sau mỗi khoảng thời gian cố định. Sau khi tìm được dị nguyên gây dị ứng, người ta dùng chính dị nguyên đó theo đường dưới da hoặc dưới lưỡi nhằm mục đích tạo ra kháng thể bao vây làm giảm khả năng gặp gỡ giữa kháng thể IGE và dị nguyên.

Hiện nay, chúng ta đã sử dụng thành thạo phần lớn các phương pháp, thuốc mới và liệu pháp miễn dịch với dị nguyên tiêu chuẩn quốc tế stalergen, thuốc kháng mediator: kháng leukotriene (montelukast - Singulair)… trong điều viêm mũi và hen phế quản; corticoid liều cao (pulse therapy), thuốc kháng histamine liều cao và thế hệ mới (như levocetirizine, desloratadine)… trong điều trị dị ứng thuốc.

Phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu đã được sử dụng ở một số các cơ sở y tế lớn như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm miễn dịch học lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai.

Điều trị các bệnh dị ứng: Quan trọng là tránh tái phátMỗi bệnh dị ứng có phác đồ điều trị riêng.

Phóng viên: Việc điều trị cho các bệnh nhân dị ứng khi đến khám tại viện gặp khó khăn gì không, thưa BS? Theo BS. làm thế nào có thể quản lý được bệnh nhân dị ứng?

BS.CKI. Vũ Thu Trang: Nhiều người cho rằng dị ứng là bệnh ngoài da và là bệnh nhẹ. Chính vì thế đến khi bệnh đã nặng mới đi khám. Ngoài ra, còn có khá đông bệnh nhân tự điều trị, điều trị theo mách bảo của người khác, theo đơn của người khác, dùng sai thuốc, sai đường dùng, sai liều lượng. Bệnh nhân thường đến các nơi khám không có uy tín và không có chuyên môn dị ứng. Việc điều trị cho những bệnh nhân này gặp rất nhiều khó khăn. Vì khi điều trị muộn, bệnh nhân có tổn thương sâu ở nhiều cơ quan. Lúc này, các bác sĩ rất khó xác định được nguyên nhân gây dị ứng. Để điều trị, bệnh nhân phải làm nhiều xét nghiệm, phải điều trị nhiều bệnh phối hợp, phải dùng nhiều thuốc hoặc thuốc đắt tiền hơn, mất nhiều thời gian và nguy cơ tử vong sẽ nhiều hơn...

Hiện nay, ở nước ta nhiều thầy thuốc có trình độ chuyên khoa cao về dị ứng. Ngoài ra, còn có các kỹ thuật viên và điều dưỡng lành nghề có thể triển khai các thủ thuật, các kỹ thuật mới phục vụ dự phòng, chẩn đoán và điều trị các bệnh dị ứng. Bên cạnh đó, đời sống xã hội ngày càng tốt hơn nên hiểu biết người dân ngày càng cao, hiểu biết về bệnh dị ứng nhiều hơn. Vì thế việc quản lý bệnh dị ứng cũng có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, nguyên nhân và cơ chế của nhóm bệnh dị ứng rất phức tạp nên công tác quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc cần thiết hiện nay là tăng cường truyển thông giúp người dân hiểu biết về bệnh dị ứng, biết những kiến thức cơ bản của bệnh dị ứng để khám và được quản lý ở các địa phương, tránh để khi bệnh nặng mới đi khám.

Phóng viên: Theo BS., làm gì để tránh tái phát bệnh ở bệnh nhân dị ứng?

BS.CKI. Vũ Thu Trang: Dị ứng là một bệnh rất dễ tái phát. Khi tái phát bệnh có thể nặng hơn lên và việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, điều quan trọng là chủ động phòng tránh  tái phát bệnh. Trong đó, người bệnh cần tự ý thức phòng tránh các nguy cơ có thể gây tiến triển bệnh. Đồng thời tránh các dị nguyên gây bệnh - đó là các yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh. Khi đi ra ngoài, sử dụng các biện pháp bảo hộ cần thiết như mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang, đeo kính mắt. Bên cạnh đó tăng cường dinh dưỡng tốt, đủ chất, chú trọng bổ sung vitamin và các yếu tố vi lượng nhằm nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra cần tránh các kích thích về vật lý, hóa học…

Điều trị các bệnh có thể là nguyên nhân gây dị ứng (Bệnh nhiễm ký sinh trùng, nhiễm khuẩn…).

Cần phát hiện các biểu hiện dị ứng sớm và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế, không tự ý dùng thuốc.

Một biện pháp quản lý và phòng bệnh tái phát rất quan trọng nên được thực hiện ở người từng mắc bệnh dị ứng là phải lập sổ theo dõi dị ứng, trong đó có ghi tiền sử dị ứng của bản thân  (đặc biệt dị ứng thuốc) và gia đình, các thể dị ứng biểu hiện trên lâm sàng đã từng có.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn BS.!


Nguyễn Hạnh (thực hiện)
Ý kiến của bạn