Bệnh thần kinh đái tháo đường là tổn thương dây thần kinh xảy ra do glucose huyết tăng cao trong máu. Glucose huyết tăng cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên toàn cơ thể, trong đó có ống tiêu hóa. Điều trị bằng kiểm soát tốt đường huyết và các thuốc điều trị triệu chứng trên đường tiêu hóa.
1. Bệnh thần kinh ống tiêu hoá trên do đái tháo đường
- Triệu chứng: Khi người bệnh đái tháo đường có biến chứng thần kinh ống tiêu hóa trên sẽ xuất hiện các triệu chứng:
- Tại thực quản có cảm giác nuốt nghẹn, do giảm biên độ co thắt của thực quản.
- Tại dạ dày, do giảm nhu động sẽ gây liệt dạ dày. Có thể no hơi, cảm giác đầy bụng, ăn chậm tiêu, ợ chua, nóng bỏng hoặc đau thượng vị, buồn nôn, nôn.
Trước khi điều trị, cần chẩn đoán phát hiện bệnh bằng cách khảo sát sự di động dạ dày bằng scintigraphy sau khi uống cản quang, nhằm đánh giá về các triệu chứng buồn nôn, nôn và chậm vơi dạ dày.
- Điều trị chứng liệt dạ dày: Liệt dạ dày là biến chứng nguy hiểm và thường gặp, có thể lên đến 65% ở các bệnh nhân đái tháo đường sau 10 năm. Khi bị liệt dạ dày, thức ăn vào trong dạ dày sẽ lưu lại ở đây lâu và không được tiêu hóa như bình thường. Tình trạng chậm tiêu hóa làm cho việc điều trị bệnh đái tháo đường trở nên khó khăn hơn. Liệt dạ dày khó chẩn đoán, dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm là bệnh của đường tiêu hóa.
Để điều trị, trước hết cần kiểm soát đường huyết bằng thuốc uống hoặc thuốc tiêm insulin như bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường kê toa. Đối với người bệnh đái tháo đường có biến chứng liệt dạ dày, ưu tiên dùng insulin để kiểm soát đường huyết.
Với biến chứng thần kinh ảnh hưởng đến ống tiêu hóa trên, ngoài dùng thuốc kiểm soát đường huyết, cần dùng một số thuốc để làm vơi dạ dày:
- Thuốc ức chế thụ thể 5 hydroxytryptamine (prepulssid) là thuốc chọn đầu tiên. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh chức năng vận động và cảm giác tiêu hóa; kích thích thụ thể serotonin type 4 (5-HT4), giúp tăng phản xạ nhu động ruột và tăng tốc quá trình vận chuyển tiêu hóa.
- Các thuốc domperidone và metoclopramide có tác dụng ức chế thụ thể dopaminergique dùng xen kẽ với thuốc trên. Domperidone hiệu quả hơn so với metoclopramide và không có tác dung phụ trên hệ thần kinh trung ương.
- Erythromycine do tác dụng đồng vận motiline, cũng giúp làm vơi dạ dày nhiều hơn.
Các thuốc trên sẽ được bác sĩ kê đơn, liều dùng và thời gian dùng dựa trên tình trạng và mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân, theo chỉ định của bác sĩ.
2. Bệnh thần kinh ống tiêu hoá thấp do đái tháo đường
- Triệu chứng:
Bệnh thần kinh ống tiêu hóa thấp do đái tháo đường có các triệu chứng:
+ Rối loạn tiêu hóa: Bao gồm các triệu chứng rối loạn nhu động ruột, thường bị táo bón. Tình trạng táo bón hoặc phân táo do giảm thời gian vận chuyển thức ăn ở ruột già.
+ Tiêu chảy do gia tăng hoặc thời gian vận chuyển không đồng bộ của ruột non, do vi khuẩn phát triển hoặc do tăng tiết dịch ruột.
- Bệnh rối loạn về phân cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường với bệnh lý thần kinh tự động dạ dày ruột. Giảm ngưỡng cảm giác nhận biết ở trực tràng do giảm áp lực cơ vòng hậu môn khi nghĩ.
Trước khi chẩn đoán, điều trị, cần cấy phân hoặc nội soi giúp loại trừ các nguyên nhân tiêu chảy khác như nhiễm ký sinh trùng, ung thư hoặc polyp đại tràng, celiac sprue (bệnh không dung nạp gluten) hoặc do viêm ruột.
Chụp X.quang hoặc CT bụng có thể phát hiện đại tràng lớn hoặc phân táo.
- Để điều trị táo bón: Bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, ăn thực phẩm được chế biến mềm, lỏng. Uống thuốc tăng cường nhu động ruột, thuốc nhuận tràng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị chứng tiêu chảy: Nếu tiêu chảy có kèm theo nguyên nhân nhiễm khuẩn, sử dụng tetracycline. Điều trị tiêu chảy bằng loperamide hoặc diphenoxylate.
Có thể dùng cholestyramine, diphenyl hydantoine ức chế một vài hormone tiêu hoá, hoặc dùng clonidine tác dụng đồng vận alpha 2 ngoại biên… sẽ giúp giảm tình trạng tiêu chảy.
Lưu ý, đối với các biến chứng do đái tháo đường nói chung và biến chứng tiêu hóa nói riêng, không có thuốc điều trị khỏi hẳn bệnh, các điều trị chủ yếu tập trung vào các vấn đề:
- Làm chậm diễn tiến bệnh (kiểm soát tốt đường huyết có thể làm giảm nguy cơ diễn tiến của bệnh thần kinh lên tới 60%). Mục tiêu đường huyết cần đạt:
- Đường huyết lúc đói: 70-130mg/dL (3.9-7.2mmol/L).
- Đường huyết 2 giờ sau khi ăn: Dưới 180mg/dL (10mmol/dL).
- HbA1c dưới 7% trong vòng 8-12 tuần trước khi đo (trị số ở người bình thường vào khoảng 4-6%).
- Dùng thuốc điều trị rối loạn nhu động dạ dày - ruột.
- Giảm đau (nếu có đau).
- Ăn uống điều độ, chia nhỏ bữa ăn.
- Luyện tập thể lực phù hợp với sức khỏe.
- Duy trì cân nặng thích hợp.
- Ngưng hút thuốc, ngừng uống rượu...
Mời độc giả xem thêm video:
10 loại thực thẩm tốt nhất cho làn da sáng khỏe, chống lão hóa