Điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường như thế nào cho hiệu quả?

31-01-2023 10:39 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Bệnh thần kinh đái tháo đường là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Có tới 9% bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã có biến chứng này ở ngay thời phát hiện bệnh. Việc kiểm soát đường huyết tốt là cách dự phòng biến chứng…

1. Các ảnh hưởng của bệnh thần kinh đái tháo đường

Bệnh lý thần kinh đái tháo đường ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ quan trong cơ thể:

- Biến chứng thần kinh ngoại biên sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động cảm giác. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng dị cảm ở đầu chi, cảm giác kiến bò, tê rần châm chích hoặc có cảm giác rát bỏng; giảm hoặc mất cảm giác tiếp xúc ở da và cảm giác nhiệt...

- Viêm dây thần kinh đái tháo đường thường xảy ra cấp tính. Bệnh nhân có thể bị thay đổi thị lực; yếu các cơ liên quan các dây thần kinh sọ não gây liệt nhãn cầu, sụp mi mắt và nhìn đôi kèm rối loạn về đồng tử; đau ở lưng, hoặc mông - đùi 1 bên, hay đau chân ở một bên, nặng lên về đêm.

Điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường - Ảnh 1.

Các ảnh hưởng lên thần kinh chi ở bệnh nhân đái tháo đường.

- Bệnh teo cơ đái tháo đường hay là bệnh thần kinh đùi hoặc bệnh thần kinh vận động vùng gốc gây yếu cơ đùi, đau và mất phản xạ chi dưới.

- Bệnh thần kinh vận mạch dẫn đến hạ huyết áp tư thế, làm bệnh nhân khó chịu mệt mỏi, cảm giác yếu như ngất hoặc tai biến mạch máu não thoáng qua hoặc tai biến mạch máu não xảy ra khi thay đổi tư thế.

- Bệnh thần kinh tự động ống tiêu hoá có thể gây tổn thương bất cứ vị trí nào của ống tiêu hóa. Tùy vị trí tổn thương, bệnh nhân có thể thấy nuốt nghẹn, liệt nhẹ dạ dày gây cảm giác chán ăn, đầy bụng, ăn chậm tiêu, ợ chua, nóng bỏng hoặc đau thượng vị, buồn nôn, nôn; rối loạn tiêu hóa…

- Bệnh thần kinh hệ sinh dục ở nam giới dẫn đến rối loạn cương dương; ở nữ giới dẫn đến rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh. Khô âm đạo, giảm cảm giác vùng bẹn, mất cảm giác kích thích tình dục

- Bệnh thần kinh bàng quang dẫn đến rối loạn tiểu tiện.

- Bệnh thần kinh vận mạch mồ hôi gây tăng tiết hoặc giảm tiết mồ hôi. Tăng cảm giác ngứa, da bị mỏng, rụng lông, khô da, bong vảy, rạn nứt, gia tăng sự chai chân và loạn dưỡng các móng, làm gia tăng nguy cơ loét bàn chân.

- Bệnh lý bàn chân đái tháo đường do rối loạn về thần kinh và mạch máu, thường bị làm nặng thêm do nhiễm khuẩn.

2. Điều trị bệnh như thế nào?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh thần kinh đái tháo đường.

Các liệu pháp điều trị nhằm mục đích:

  • Làm chậm diễn tiến bệnh.
  • Giảm đau.
  • Điều trị các tổn thương do biến chứng và phục hồi chức năng.

2.1 Điều trị làm chậm tiến triển bệnh thần kinh đái tháo đường

Do bệnh lý thần kinh đái tháo đường liên quan chủ yếu đến cân bằng đường huyết. Vì vậy, việc kiểm soát đường huyết tích cực có thể làm giảm nguy cơ diễn tiến của bệnh thần kinh đái tháo đường khoảng 60%.

Mục tiêu glucose huyết cần đạt:

  • Đường huyết khi đói hoặc trước ăn: 3.9-7.2mmol/L.
  • Đường huyết 2 giờ sau ăn: dưới 10mmol/L.
  • HbA1c dưới 7%.

Điều trị cân bằng đường huyết có nhiều lựa chọn về thuốc. Tùy theo bệnh nhân với mức độ bệnh và các bệnh lý kèm theo sẽ có lựa chọn phù hợp. Hiện nay phác đồ điều trị thường phối hợp thuốc, để tăng tác dụng hạ đường huyết về mức an toàn và hạn chế tác dụng phụ. Cụ thể:

  • Thuốc sitagliptin + metformin.
  • Thuốc metformin + sulfonylurea.
  • Thuốc metformin + insulin.
  • Thuốc glitazone + metformin.
  • Thuốc acarbose + metformin...

Ngoài thuốc, các biện pháp sau đây cũng giúp giảm tổn thương thần kinh:

  • Chăm sóc bàn chân kỹ để tránh các vết loét, không làm nặng thêm các biến dạng bàn chân đã có.
  • Kiểm soát tốt huyết áp.
  • Thực hiện chế độ ăn và luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ, phù hợp với tình trạng sức khỏe.
  • Duy trì cân nặng thích hợp.
  • Ngừng uống rượu, bỏ thuốc.

2.2 Dùng thuốc giảm đau

Giảm đau trong bệnh thần kinh đái tháo đường không giống như giảm đau thông thường. Hơn nữa, không phải tất cả các bệnh nhân đều đáp ứng tốt với thuốc. Ngoài ra, các thuốc giảm đau cũng có tác dụng phụ đáng kể, do đó cần thận trọng khi dùng.

Điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường - Ảnh 3.

Loét bàn chân - một biến chứng nghiêm trọng của bệnh lý thần kinh đái tháo đường.

Các thuốc thường được sử dụng bao gồm:

- Các thuốc gabapentin, pregabalin và carbamazepine mặc dù là thuốc dùng để chữa động kinh, nhưng lại có tác dụng giảm đau do thần kinh ở một số bệnh nhân đái tháo đường. Tác dụng phụ bao gồm: Buồn ngủ, chóng mặt, sưng phù. Riêng carbamazepine có thể gây dị ứng da kiểu hội chứng Stevens Johnson.

- Các thuốc amitriptyline, nortriptyline, desipramine và imipramine là thuốc chống trầm cảm 3 vòng, nhưng có thể giảm triệu chứng đau nhẹ và vừa đối với bệnh thần kinh đái tháo đường. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này có thể gặp là: Khô miệng, đổ mồ hôi, buồn ngủ, chóng mặt.

- Thuốc duloxetine thuộc nhóm thuốc ngăn tái thu nhập serotonin và norepinephrine có hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn các thuốc trên. Tác dụng phụ của duloxetine gồm buồn nôn, buồn ngủ, chóng mặt, ăn mất ngon, táo bón.

- Miếng dán lidocaine dùng dán tại chỗ đau nặng nhất. Thuốc có thể gây kích ứng đỏ da.

- Các thuốc giảm đau opioid như tramadol hoặc oxycodone có tác dụng giảm đau tốt, nhưng không được dùng lâu dài vì có thể gây nghiện. Ngoài ra, thuốc còn có các tác dụng phụ như buồn ngủ, nhức đầu, táo bón. Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ cũng đã cảnh báo tramadol có thể làm tăng nguy cơ động kinh và khuynh hướng tự sát ở người rối loạn cảm xúc.

- Capsaicin là kem thoa được bào chế từ ớt, khi thoa trên da có thể giảm đau. Tác dụng phụ có thể gặp là cảm giác bỏng rát và da bị kích ứng.

- Alpha-lipoic acid là thuốc chống oxy hóa, có thể giảm đau hiệu quả ở bệnh thần kinh đái tháo đường, nhưng cần dùng sớm và lâu dài.

Ngoài các thuốc, có thể sử dụng các liệu pháp sau đây cũng giúp giảm đau trong bệnh lý thần kinh đái tháo đường:

- Kích hoạt thần kinh bằng điện xuyên da: Phương pháp này giúp ngăn cản tín hiệu đau truyền từ da lên não. Mặc dù khá an toàn, nhưng phương pháp này không có hiệu quả trên tất cả bệnh nhân và tất cả các kiểu đau.

- Châm cứu giúp giảm đau, nhưng để phát huy tác dụng, cần châm cứu vài lần.

2.3 Điều trị biến chứng và phục hồi chức năng

Các biến chứng của bệnh lý thần kinh đái tháo đường làm giảm chất lượng sống, có thể dẫn đến tàn tật. Do đó bệnh nhân cần được theo dõi điều trị ở các cơ sở chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường. Trong điều trị biến chứng, điều quan trọng vẫn là giữ mức đường huyết trong vùng an toàn. Đồng thời cần kiểm tra và điều trị sớm các triệu chứng:

  • Ứ đọng nước tiểu bàng quang dẫn đến nhiễm trùng tiểu.
  • Điều trị rối loạn nhu động dạ dày.
  • Điều trị tình trạng hạ áp tư thế.
  • Kiểm soát loét chân do đái tháo đường.

Khi phát hiện sớm các biến chứng, việc điều trị sẽ có hiệu quả cao hơn.

Việc phòng ngừa bệnh thần kinh đái tháo đường là phương pháp cần áp dụng sớm để làm chậm diễn tiến bệnh. Quan trọng nhất là kiểm soát tích cực đường huyết cùng lối sống tích cực, ăn uống điều độ và luyện tập thể lực đều đặn cũng như ngưng hút thuốc và uống rượu...

Mời độc giả xem thêm video:

Hé lộ nguyên nhân người phụ nữ dùng xăng tưới vào người rồi tự châm lửa ở Hà Nội - SKĐS

TS.Nguyễn Vinh Quang
Ý kiến của bạn