Hà Nội

Điều trị bệnh tăng huyết áp như thế nào?

25-11-2014 07:17 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo nghiên cứu ở nước ta, người có độ tuổi từ 25 trở lên mắc bệnh tăng huyết áp có xu hướng gia tăng.

Theo nghiên cứu ở nước ta, người có độ tuổi từ 25 trở lên mắc bệnh tăng huyết áp có xu hướng gia tăng. Đa số bệnh nhân tăng huyết áp cảm thấy trong người hoàn toàn bình thường, nếu không được điều trị và theo dõi thường xuyên sẽ dẫn đến các biến chứng các cơ quan trong cơ thể như đột quỵ, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ… Các biến chứng của tăng huyết áp có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề cho người bệnh cũng như để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thay đổi lối sống

Ngoài những trường hợp bị tăng huyết áp do bệnh lý như bệnh thận từ nhỏ… thì đa số người bị mắc bệnh tăng huyết áp là do cách sống không phù hợp. Chính vì vậy, biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc hiệu quả nhất là thay đổi lối sống

Cần thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống một cách thích hợp trên tất cả bệnh nhân. Các biện pháp thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc lá, uống rượu vừa phải, thay đổi chế độ ăn, giảm cân và tập thể dục, tránh căng thẳng và làm việc quá sức.

Bỏ hút thuốc lá: Là biện pháp quan trọng để đề phòng các bệnh tim mạch và ngoài tim mạch. Thuốc lá làm giảm tác dụng của một số thuốc chống tăng huyết áp.

Uống rượu vừa phải: Uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ đột quỵ và làm giảm tác dụng của một số thuốc giảm áp. Hạn chế uống rượu, bia: số lượng khoảng 2 cốc bia/ngày, dưới 2 ly rượu vang (12 độ) hoặc 1 ly rượu mạnh (40 độ).

Chế độ ăn: Ăn mặn là một yếu tố góp phần làm tăng huyết áp. Ăn giảm muối sẽ góp phần làm giảm huyết áp (ăn giảm 4,7 - 5,8g muối trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ làm giảm huyết áp bình quân được 4 - 6mmHg) và làm tăng tác dụng hạ áp của thuốc. Người bệnh nên tránh ăn mặn, tránh dùng thực phẩm ướp muối đặc biệt là thức ăn chế biến sẵn. Nên ăn nhiều hoa quả, nhiều cá, giảm chất béo và giảm các thức ăn có nhiều cholesterol (mỡ động vật, phủ tạng động vật…).

Giảm cân và tập thể dục: Thừa mỡ trong cơ thể góp phần làm tăng huyết áp. Giảm cân sẽ làm giảm huyết áp trên bệnh nhân thừa cân và có lợi đối với các bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng mỡ máu. Người bệnh nên thường xuyên tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội trong 30 - 45 phút, 3 - 4 lần mỗi tuần. Mức độ tập luyện phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh của người bệnh. Cần lưu ý, tập vận động gây co cơ kéo dài (như nâng tạ) có thể làm tăng huyết áp. Nếu tăng huyết áp được kiểm soát kém và luôn ở tình trạng tăng huyết áp nặng thì không nên tập thể dục nặng hoặc nên hoãn lại cho đến khi đượ điều trị hiệu quả.

Tránh căng thẳng và làm việc quá sức: Căng thẳng (stress) cũng là yếu tố làm tăng huyết áp, đây là lý do hay gặp trong nhịp sống hiện đại hiện nay. Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần giảm hoặc tránh các căng thẳng, tránh làm việc quá sức.

Khi nào cần điều trị tăng huyết áp bằng thuốc?

Sau khi người bệnh thực hiện các biện pháp ăn kiêng, luyện tập và các biện pháp không cần thuốc mà huyết áp không giảm đến mục tiêu điều trị, lúc đó cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.

Cần có chế độ ăn hợp lý để tránh bị tăng huyết áp.

Nên bắt đầu từ từ và tăng liều dần, đặc biệt với người cao tuổi để có thể đạt trị số huyết áp đích sau vài tuần. Thầy thuốc sẽ lựa chọn các thuốc phù hợp cho từng bệnh nhân. Bác sĩ có thể phối hợp nhiều thuốc để điều trị huyết áp. Khi dùng thuốc phối hợp, các thuốc được dùng với liều thấp để giảm các tác dụng phụ.

Một số điều cần lưu ý khi dùng thuốc:

Bệnh tăng huyết áp cần điều trị liên tục, lâu dài nên cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình trong quá trình điều trị. Bệnh tăng huyết áp cần điều trị nhiều năm do đó người bệnh cần hiểu biết về bệnh, tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn.

Số loại thuốc, cách sử dụng cần theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc. Mỗi khi có dấu hiệu khác thường trong quá trình điều trị cần liên hệ với bác sĩ để được khám và tư vấn cụ thể.

Phải điều trị các yếu tố nguy cơ phối hợp như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…

Lợi ích khi điều trị tăng huyết áp đúng cách

Khi người bệnh được điều trị tăng huyết áp thỏa đáng sẽ tránh được các biến chứng tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim… Tránh được các biến chứng khác do bệnh tăng huyết áp gây ra như tai biến mạch máu não, suy thận, ảnh hưởng thị lực… Ngoài ra, điều trị tăng huyết áp còn góp phần làm giảm chi phí điều trị vì tránh phải chữa trị các tai biến khá tốn kém của tăng huyết áp và đặc biệt giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ. Vì thế, mỗi người dân cần ý thức được bệnh tăng huyết áp để luôn có mức huyết áp tối ưu và có một sức khỏe tốt nhất.

Bác sĩ Ngô Tuấn Anh

 

Mục tiêu điều trị bệnh tăng huyết áp

Theo nghiên cứu của hội Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở người trưởng thành của nước ta khoảng 25,1%, tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 trong số đó được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc. Mục đích của điều trị bệnh tăng huyết áp là giảm tối đa nguy cơ bị các biến chứng tim mạch và tử vong. Nên hạ huyết áp tích cực cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ít nhất là dưới 140/90mmHg và hạ thấp hơn nữa nếu người bệnh còn dung nạp được. Hạ huyết áp dưới 130/80 mmHg ở bệnh nhân có đái tháo đường, dưới 125/70 nếu có suy thận

Khi huyết áp trở về bình thường người bệnh cần tiếp tục điều trị, không được ngừng điều trị vì sẽ nguy hiểm. Bệnh nhân tự ngưng điều trị sẽ bị tái phát huyết áp ở mức như trước khi điều trị hay thậm chí còn cao hơn và thời điểm này dễ xảy ra các biến chứng tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

 

 


Ý kiến của bạn