Hà Nội

Điều trị bệnh polyp ống tiêu hóa hiệu quả

18-10-2024 10:41 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Polyp ống tiêu hóa là một căn bệnh khó phát hiện vì không có triệu chứng đặc trưng nhưng có nguy cơ phát triển thành ung thư. Vì vậy, việc hiểu rõ về căn bệnh này là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Polyp ống tiêu hóa là những khối u nhỏ hình thành trên lớp niêm mạc lót trong ống tiêu hóa. Các polyp có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành từng cụm. Đa số các polyp là lành tính, không gây ung thư. Tuy nhiên một số loại có khả năng chuyển hóa thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Tìm nguyên nhân gây polyp ống tiêu hóa để điều trị hiệu quả

Nguyên nhân gây ra polyp ống tiêu hóa là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân di truyền đóng vai trò quan trọng.

Hội chứng Peutz-Jeghers (PJS) là một hội chứng di truyền hiếm gặp, gây ra bởi đột biến gen STK11. Gen này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự tăng sinh tế bào. Khi gen STK11 bị đột biến, tế bào sẽ tăng sinh mất kiểm soát, dẫn đến hình thành polyp.

Điều trị bệnh polyp ống tiêu hóa hiệu quả - Ảnh 1.

Nội soi là phương pháp để phát hiện vị trí các polyp ở ống tiêu hóa.

Đột biến gen APC gây ra hội chứng đa polyp có tính chất gia đình, đặc trưng bởi sự xuất hiện của hàng trăm đến hàng ngàn polyp tuyến ở đại tràng và trực tràng. Những polyp này có khả năng cao tiến triển thành ung thư đại trực tràng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Các đột biến gen BMPR1A và SMAD4 gây hội chứng polyp tuổi thiếu niên. Bệnh gây ra bởi đột biến gen trội và biểu hiện ở độ tuổi từ 4 - 14 tuổi. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như chế độ ăn uống không lành mạnh, viêm nhiễm mãn tính, hút thuốc lá cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ hình thành polyp. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

2. Các biện pháp điều trị polyp ống tiêu hóa

Cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến nhất, giúp loại bỏ polyp và phòng tránh biến chứng ung thư hóa polyp. Điều trị bệnh lý polyp ống nội soi chủ yếu là điều trị phẫu thuật. Bệnh nhân thường được tiến hành phẫu thuật nhiều lần, có thể là mổ mở hoặc nội soi cắt polyp.

Điều trị bệnh polyp ống tiêu hóa hiệu quả - Ảnh 2.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị polyp ống tiêu hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, số lượng, vị trí của polyp.

Cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi

Đây là kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhất trong điều trị polyp ống tiêu hóa mà nhiều cơ sở y tế trên cả nước có cơ hội thực hiện. Khi tiến hành, bác sĩ luồn một ống nội soi mềm qua đường mũi và đường miệng vào ống tiêu hóa nếu là cắt polyp dạ dày, hoặc luồn ống nội soi qua hậu môn nếu là cắt polyp đại tràng. Polyp được cắt rời hoàn toàn khỏi niêm mạc ống tiêu hóa bằng điện nên giảm thiểu được biến chứng chảy máu. Không được bỏ sót các tổ chức polyp, đặc biệt là polyp đại tràng vì có khả năng ung thư hóa cao nhất. Nội soi tiêu hóa có thể cắt được cả polyp có cuống và polyp không cuống.

Cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi có nhiều ưu điểm hơn phương pháp mổ mở cổ điển:

  • Thời gian phẫu thuật nhanh, trung bình khoảng 50-90 phút/bệnh nhân.
  • Nằm viện ngắn hơn, hồi phục nhanh hơn. Đôi khi bệnh nhân không cần phải nhập viện, cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi có thể thực hiện ở những cơ sở y tế ngoại trú. Bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống thường nhật ngay ngày hôm sau.
  • Tránh được một phẫu thuật lớn ở những bệnh nhân chỉ có 1 polyp ống tiêu hóa.
  • Phát hiện sớm các tổn thương nghi ngờ để điều trị dứt điểm. Ung thư đại tràng được dự phòng hiệu quả khi tiến hành nội soi định kỳ.

Tuy nhiên không phải tất cả các bệnh nhân bị polyp ống tiêu hóa đều được chỉ định điều trị nội soi. Các chống chỉ định bao gồm:

  • Viêm phúc mạc cho thủng ruột.
  • Nhiễm trùng máu.
  • Các rối loạn về đông cầm máu.
  • Bệnh lý mạn tính liên quan đến hô hấp, tim mạch.

Biến chứng của cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi:

  • Chảy máu: xử trí bằng đốt điện cầm máu, hồi sức đảm bảo tổng trạng cho bệnh nhân. Nếu không thành công phải tiến hành mổ mở cầm máu.
  • Thủng: nếu thủng lỗ lớn phải tiến hành mổ mở cầm máu.

Mổ mở điều trị polyp ống tiêu hóa

  • Mổ mở được áp dụng để cắt các polyp lớn, hoặc trong các trường hợp cần cắt bỏ một đoạn ruột. Phẫu thuật cắt một đoạn ruột thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh có biến chứng như lồng ruột hoại tử gây viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa không đáp ứng với can thiệp qua nội soi, hay khi polyp ung thư hóa.
  • Phẫu thuật còn được áp dụng để điều trị các ung thư ngoài đường tiêu hóa đi kèm như ung thư vú ở nữ giới và ung thư tinh hoàn ở nam giới. Các biến chứng thường gặp sau phẫu thuật bao gồm dính ruột, ngắn ruột, gây ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống và sức khỏe của người bệnh.

3. Các biện pháp phòng ngừa polyp ống tiêu hóa

Sàng lọc định kỳ: Nội soi đường tiêu hóa là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm các polyp. Người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình mắc polyp, hội chứng Lynch nên thực hiện nội soi định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ. Việc sàng lọc sớm giúp cho việc cắt bỏ polyp kịp thời trước khi phát triển thành ung thư. Thậm chí nếu đã phát triển thành ung thư thì phát hiện sớm cũng tăng khả năng điều trị thành công, giảm được chi phí điều trị.

Điều trị bệnh polyp ống tiêu hóa hiệu quả - Ảnh 3.

Polyp nếu không được can thiệp kịp thời sẽ tiến triển thành ung thư.

Chế độ ăn uống lành mạnh: Nên duy trì chế độ ăn với nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn, đồ uống có ga.

Lối sống lành mạnh: Thực hiện lối sống lành mạnh bao gồm việc tập thể dục đều đặn, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, giảm căng thẳng.

Nếu có tiền sử gia đình mắc polyp, nên gặp bác sĩ để được tư vấn di truyền, đánh giá nguy cơ và lên kế hoạch sàng lọc phù hợp. Đồng thời khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý khác có thể liên quan đến polyp ống tiêu hóa.

Polyp ống tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhPolyp ống tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Polyp ống tiêu hóa thường là một phát hiện tình cờ khi bệnh nhân có những rối loạn về đường tiêu hóa và được chỉ định nội soi. Polyp gồm nhiều loại nhưng đều có một điểm chung là không biểu hiện rõ ràng, khiến người bệnh hoang mang, lo lắng, không biết mình mắc bệnh gì.


BSCKI Phạm Lam
Phó Giám đốc TTYT Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Ý kiến của bạn