Trái với những giả định trước đây, các rối loạn tâm thần được xem là hậu quả của các cơn co giật. Thực tế, các rối loạn tâm thần còn có thể xuất hiện trước, sự xuất hiện của một rối loạn tâm thần tại thời điểm khởi phát động kinh làm cho tình trạng bệnh có tiên lượng xấu hơn. Một nghiên cứu trên 780 bệnh nhân mới chẩn đoán động kinh được theo dõi trong 20 năm, sự xuất hiện trầm cảm là một báo hiệu cho nguy cơ thất bại trong việc kiểm soát các cơn co giật bằng hóa dược. Một ghi nhận khác trên thế giới cho thấy bệnh nhân động kinh thái dương kèm theo rối loạn tâm thần sau khi được phẫu thuật có tỷ lệ thất bại cao hơn những bệnh nhân không kèm các rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, rối loạn tâm thần dường như có mối quan hệ hai chiều với động kinh. Không chỉ những người bị động kinh có nguy cơ cao bị trầm cảm mà ở những người bị trầm cảm cũng tăng nguy cơ bị động kinh đáng kể. Ba nghiên cứu mới công bố cho thấy mối quan hệ hai chiều này. Forsgren và Nystron công bố một nghiên cứu ở Thụy Điển cho thấy nguy cơ trầm cảm trên những bệnh nhân mới được chẩn đoán động kinh gấp 7 lần. Một nghiên cứu khác trên những đối tượng từ 55 tuổi trở lên mới được chẩn đoán động kinh, Hersdorffer và cộng sự nhận thấy nguy cơ mắc chứng trầm cảm trước khi xuất hiện cơn co giật đầu tiên gấp 3,7 lần so với nhóm chứng. Cuối cùng một nghiên cứu khác cũng được tiến hành bởi Hersdorffer và cộng sự tại Iceland cho thấy nguy cơ phát triển bệnh động kinh ở những người có tiền sử tự tử gấp 5 lần nhóm chứng, trong khi những người có tiền sử trầm cảm nguy cơ này gấp 2 lần.
Các rối loạn tâm thần trên bệnh nhân động kinh có thể cũng khó phân biệt với rối loạn tâm thần nguyên phát nhưng chúng thường biểu hiện các triệu chứng, tiến triển, đáp ứng với thuốc khác so với các rối loạn nguyên phát. Những triệu chứng này có liên quan đến các cơn co giật, có thẻ xảy ra trước cơn, trong cơn, sau cơn và giữa các cơn. Các triệu chứng tâm thần đặc biệt còn xuất hiện khi các cơn động kinh được kiểm soát và thuyên giảm khi các cơn động kinh xuất hiện trở lại và cuối cùng các triệu chứng rối loạn tâm thần còn liên quan đến việc sử dụng một số thuốc kháng động kinh.
Một nghiên cứu trên 100 bệnh nhân kháng trị, thời gian 3 tháng, trong số họ có 43 trường hợp biểu hiện trầm cảm kéo dài từ 1 - 4 ngày. Rối loạn trầm cảm giữa các cơn có triệu chứng không điển hình, thường có xu hướng kéo dài giống như loạn khí sắc hay trầm cảm mạn tính với những giai đoạn không biểu hiện triệu chứng trầm cảm trong vài ngày. Ngoài những biểu hiện trầm cảm còn kèm theo các biểu hiện cảm giác bực bội, kích thích, lo lắng. Một số chuyên gia đặt tên là “rối loạn phiền muộn giữa các cơn” và họ nhận thấy rằng 1/3 đến ½ những bệnh nhân động kinh kèm theo rối loạn trầm cảm giữa cơn cần thiết phải điều trị bằng thuốc.
Trầm cảm không được điều trị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người bệnh. Thậm chí, những rối loạn này đôi khi tác dụng tồi tệ đến chất lượng sống hơn cả tác động của các cơn động kinh. Trầm cảm kèm theo có nguy cơ làm gia tăng các tác dụng phụ của các thuốc chống động kinh làm người bệnh phải thăm khám nhiều hơn… Cuối cùng, trầm cảm liên quan đến sự gia tăng tỉ lệ tự tử, đặc biệt trên bệnh nhân kèm theo cả rối loạn lo âu.
Trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp can thiệp nào cần thiết xem xét đánh giá liệu giai đoạn trầm cảm có phải do quá trình điều trị gây ra không. Một số thuốc chống động kinh có tác dụng gây trầm cảm và một số ngược lại có tác dụng ổn định khí sắc, có tác dụng tích cực đối với trầm cảm. Khoảng 25% số bệnh nhân trầm cảm nặng kèm theo các rối loạn tâm thần cần xem xét cân nhắc điều chỉnh phù hợp trong từng trường hợp cụ thể, phối hợp sử dụng các thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm, điều chỉnh khí sắc và chống loạn thần.
Thực tế lâm sàng cho thấy, bệnh nhân động kinh mạn tính còn gia tăng một số biến đổi về nhân cách. Đặc biệt dựa trên công trình của Geschwind, động kinh thùy thái dương gắn liền với bộ ba triệu chứng: suy giảm tình dục, chứng ham viết lách, siêu sùng bái hoặc quan tâm quá mức đến các vấn đề tôn giáo. Biến đổi nhân cách còn biểu hiện bằng tình trạng cảm xúc không ổn định, dễ bùng nổ. Thuốc điều trị được khuyến cáo là những thuốc điều hòa khí sắc, các thuốc chống trầm cảm, đôi khi cần thiết phải cân nhắc sử dụng thuốc chống loạn thần.
Động kinh là một bệnh lý kèm theo các rối loạn tâm thần chiếm tỉ lệ rất cao. Trong thực hành, các bác sĩ cần thiết phải xem xét một cách toàn diện để có chiến lược điều trị phù hợp nhằm kiểm soát tốt hơn các cơn động kinh cũng như điều trị kịp thời những rối loạn tâm thần kèm theo nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.