Điều trị bệnh nhân COVID-19 khỏi, có công lớn của hệ y tế dự phòng

26-02-2021 20:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tính đến cuối giờ chiều ngày 26/2/2021, tỉnh Hải Dương đã công bố 280 người khỏi COVID-19, chiếm 1/3 bệnh nhân trong toàn tỉnh. Nhiều ca bệnh đang tiến triển tốt và sẽ tiếp tục được công bố khỏi bệnh trong những ngày tới. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn Th.S.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, Phó trưởng Đoàn công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hải Dương trong 1 tháng qua.

PV: Thưa bác sĩ, đã 1 tháng kể từ ngày ông về Hải Dương “chiến đấu với giặc” COVID-19, nhìn lại chặng đường 1 tháng qua, ông có thể nói ngắn gọn điều gì?

Th.S.BS Nguyễn Trọng Khoa: Đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 này số lượng bệnh nhân của Hải Dương lớn.

Nhưng mỗi ngày, chúng ta được đón nhận tin vui bệnh nhân được công bố khỏi bệnh đó là kết quả và sự cố gắng lớn của đội ngũ thầy thuốc, đặc biệt là của các y bác sĩ, chuyên gia từ các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương... được Bộ Y tế cử về tăng cường hỗ trợ Hải Dương.

Th.S.BS Nguyễn Trọng Khoa (trái ảnh) đi kiểm tra BV Dã chiến số 2

Bên cạnh đó, là sự đồng lòng và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND và hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương đã luôn sát cánh cùng lực lượng y tế.

Trong đợt dịch này, rất may là đa số đối tượng mắc là công nhân ở Công ty TNHH Điện tử POYUN (TP Chí Linh). Họ đang trong độ tuổi lao động và có nền tảng sức khỏe tốt.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy có tới 25% số người mắc có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có diễn biến nặng khá nhanh như trường hợp bệnh nhân là lái xe ở Chí Linh, bệnh nhân là công nhân ở Kinh Môn (làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch) hay một bệnh nhân cao tuổi từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 2.

Để hỗ trợ Hải Dương, Bộ Y tế đã tăng cường đội ngũ thầy thuốc và những máy móc tốt nhất phục vụ điều trị cho bệnh nhân.

Là cán bộ được phân công tham gia chỉ đạo công tác điều trị, thay mặt thầy thuốc ở các bệnh viện, chúng tôi gửi lời tri ân đến các thầy thuốc làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng ở tất cả các tuyến đã hết sức vất vả ngày đêm, chịu nhiều hy sinh, gian khổ và cũng rất thầm lặng để kiểm soát dịch.


Dịch xảy ra ở Hải Dương lần này do virus biến chủng kiểu Anh có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh. Tỷ lệ người lành mang trùng rất cao, cao gấp đôi so với các vụ dịch trước đây (83%).

PV: Như ông nói, Bộ Y tế đã tăng cường đội ngũ chuyên gia và thầy thuốc mạnh nhất về Hải Dương. Trực tiếp là GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, ngoài những buổi giao ban trực tuyến liên tục với Hải Dương, chiều mùng 3 Tết đã về chỉ đạo chống dịch, điều đó cho thấy dịch ở Hải Dương “nóng bỏng”?

Dịch bệnh tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng vì tốc độ  lây lan nhanh.

Đánh giá đúng tình hình, Bộ Y tế đã chỉ đạo đội ngũ y, bác sĩ điều trị "nắn nót từng chút một, làm được điều gì tốt nhất có thể cho Hải Dương thì làm".

Khi cần, có thể tổ chức hội chẩn chuyên môn từ xa với những thầy thuốc giỏi nhất, đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Ví dụ như ca bệnh nặng ở Kinh Môn đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Ngay khi bệnh diễn biến xấu, các bác sĩ đã tính đến phương án can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân. Bộ Y tế đã điều ngay cán bộ và máy móc, thiết bị từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) ra để làm thêm xét nghiệm hoạt chất trong máu, đánh giá mức độ để có phương án điều trị phù hợp.

Một kíp bác sĩ hồi sức nữa từ Bệnh viện Bạch Mai cũng được điều về tăng cường hỗ trợ điều trị. Trước đó, một kíp khác cũng của bệnh viện này đã hỗ trợ cho Bệnh viện dã chiến số 2 ngay từ những ngày đầu chống dịch.

Tất cả các bác sĩ, máy móc thiết bị đều sẵn sàng để điều trị cho những ca bệnh nặng nhất. Sau khi được hội chẩn và điều trị tích cực, đến ngày 23.2, bệnh nhân ở Kinh Môn đã có tiến triển tốt, có thể tập đi lại được và hiện không phải thở máy. Trong số các bệnh nhân nặng đang điều trị, chỉ còn 1 bệnh nhân phải lọc máu và thở ô xy. Đây là điều rất đáng mừng.   

Th.S.BS Nguyễn Trọng Khoa: Chúng ta không được quên công lao của cán bộ YTDP và nhiều lực lượng tham gia chống dịch. 

PV: Trong 3 đợt dịch COVID-19, Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng, và Hải Dương hiện nay, ông đều là người có mặt và trực tiếp tham gia hội chẩn, cùng cùng bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân, ông có thể chia sẻ điều gì về lần này?

Qua mỗi lần dịch, đội ngũ bác sĩ Việt Nam chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm quý và trưởng thành hơn. Có những kinh quý trong điều trị, mà từ thực tiễn đã được đúc kết và áp dụng ngay.

Đó là tiếp cận bệnh nhân, theo dõi sát và phòng ngừa sớm diễn biến nặng của bệnh bằng cách bù dịch đầy đủ, dùng thuốc chống đông, thuốc chống phản ứng viêm đề phòng các tổn thương dẫn đến tổn thương nặng...

Cách làm này rất thành công vì từ đầu đợt dịch đến nay số bệnh nhân diễn biến nặng lên chiếm tỷ lệ rất ít và thấp hơn so với của thế giới, đặc biệt chưa có trường hợp nào tử vong. 

Bộ Y tế đánh giá cao kết quả này, đánh giá cao sự tích cực chủ động theo dõi bệnh nhân, chủ động phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hải Dương.

Chúng ta không sớm tự thỏa mãn và bằng lòng với chính mình. Tới đây cần tiếp tục theo sát các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị và  phát hiện sớm các ca mới mắc trong cộng đồng.

Việc phát hiện sớm ca bệnh có ý nghĩa lớn, vừa để phòng tránh bệnh lây lan ra diện rộng, vừa không để bệnh diễn biến nặng hơn. Nếu phát hiện muộn, để điều trị tại nhà lâu thì nguy cơ diễn biến nặng rất cao, việc điều trị khó khăn hơn, tốn kém hơn.

PV: Rút kinh nghiệm từ Đà Nẵng, đợt dịch này chúng ta đã “bảo vệ” bệnh viện – các cơ sở điều trị của Hải Dương hiện nay an toàn trước COVID-19?

Th.BS Nguyễn Trọng Khoa (bảo hộ màu xanh) đi kiểm tra khu cách ly tập trung

Ngay từ khi đặt chân đến Hải Dương, vào chiều 27/1/2021, chúng tôi đã chỉ đạo các bệnh viện, TTYT của 12 huyện, thị, thành phố của Hải Dương phải phân luồng, giám sát, sàng lọc bệnh nhân kỹ khi đến cơ sở y tế.

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở điều trị phải bảo vệ nghiêm ngặt người mắc các bệnh mạn tính, bệnh nhân suy thận, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp...

Đối với bệnh nhân phải lọc máu, yêu cầu cơ sở y tế xét nghiệm 4 ngày/lần vì nhóm đối tượng này thường ở cùng nhau, có thể sinh hoạt cùng nhau, nên nếu mắc thì nguy cơ lây lan và tử vong cao. Tuyệt đối không để lây bệnh vào các nhóm yếu thế này.

Cùng với việc bảo vệ bệnh viện an toàn trước COVID-19, cần tạo thuận lợi cho việc khám, điều trị cho các bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Không để đứt gãy, gián đoạn nhu cầu được khám, chữa bệnh cho người dân. 

Trong thời gian ngắn, tôi cùng các cán bộ của Phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hải Dương đã đi khảo sát và thiết lập xong Phòng khám đa khoa đặt tại Trạm y tế phường Thái Học, TP Chí Linh để tiếp nhận người dân có nhu cầu đến khám, chữa bệnh thông thường trong khi cơ sở y tế công lập duy nhất của TP Chí Linh là TTYT đã chuyển thành cơ sở điều trị COVID-19.

Nhờ vậy, 170.000 dân của TP Chí Linh dù buộc phải phong tỏa để chống dịch nhưng không bị gián đoạn khám chữa bệnh. Có những ngày, Phòng khám Thái Học, đã tiếp nhận và điều trị 100 người dân đến khám bệnh và sơ cấp cứu ban đầu.

PV: Đây là năm thứ 2, ông và các đồng nghiệp đón ngày lễ trọng của ngành ở một nơi rất đặc biệt – trong vùng dịch. Cảm xúc của ông như thế nào trong ngày này?

Bạn nhắc tôi mới nhớ. Đúng, đây là năm thứ 2 không chỉ tôi và cả ngành y tế tạm gác đi ngày vui của nghề để dồn sức cho chống dịch.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”  ngành y đang tập trung, nỗ lực hết mình với tinh thần cao nhất sớm dập dịch thành công.

Với riêng bản thân, tôi tự hào đã chọn ngành Y. Được đứng trong đội ngũ các thầy thuốc – những chiến sĩ áo blouse trắng.

Kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin được gửi lời tri ân đến các thế hệ thầy thuốc. Những chiến binh thầm lặng, âm thầm cống hiến trên mọi mặt trận để chúng ta cùng chiến thắng COVID-19.

PV: Trân trọng cảm ơn ông

  


Anh Văn
Ý kiến của bạn