Điều trị bệnh mạn tính: Có nên thay thế thuốc cũ bằng thuốc thế hệ mới?

16-11-2019 07:57 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ ngày nay đã khuyến khích sự ra đời các loại thuốc thế hệ mới để chữa bệnh an toàn và hiệu quả hơn.

Đối với người bệnh mạn tính, phải uống cùng một loại thuốc trong nhiều năm nhằm mục đích khống chế bệnh thì một câu hỏi rất lớn đang đặt ra là có nên thay thế các loại thuốc cũ bằng thuốc thế hệ mới?

Lợi ích của thay thế bằng thuốc mới là gì?

Để cho ra đời một loại thuốc mới, nhà sản xuất phải tuân thủ nhiều quy trình nghiêm ngặt của từng quốc gia trong quá trình bào chế, thử nghiệm nên với việc thay thế thuốc cũ bằng thuốc mới có thể đem lại những lợi ích như:

Đảm bảo hoặc tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân

Statin là nhóm thuốc làm giảm nồng độ LDL cholesterol, một cholesterol “xấu” trong máu. Nhiều bệnh nhân hiện đang dùng chúng thường xuyên để chống lại cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Cho đến nay đã có rất nhiều statin được phê duyệt và lưu hành trên thị trường. Từ các statin thế hệ đầu như lovastatin, fluvastatin đến các statin thế hệ mới như atorvastatin, rosuvastatin...

Tuy có cùng một cơ chế tác dụng nhưng do khác nhau ở cấu trúc hóa học nên hiệu lực điều trị giữa các statin là khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác dụng làm giảm LDL cholesterol của atorvastatin, rosuvastatin là mạnh nhất. Thêm vào đó, các statin thế hệ cũ do có tác dụng ngắn và chỉ có hiệu quả trong vài giờ nên được sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ, khi quá trình tổng hợp cholesterol nội sinh xảy ra. Các statin mới hơn có hiệu quả lâu hơn và có thể uống bất cứ lúc nào. Vì vậy việc thay đổi sang nhóm statin thế hệ mới là cần thiết nhằm tăng hiệu quả điều trị đồng thời tạo sự thuận tiện trong sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Khi dùng thuốc cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Khi dùng thuốc cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Hạn chế hoặc khắc phục tác dụng phụ bất lợi

Cách đây không lâu, hầu hết bệnh nhân có nguy cơ tạo cục máu đông đều được chỉ định warfarin để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và ngăn tạo cục máu đông trong tĩnh mạch. Tuy nhiên, bệnh nhân sử dụng warfarin đòi hỏi phải có sự tuân thủ điều trị cao: Phải uống thuốc đúng giờ, không được quên thuốc và phải định kì kiểm tra các thông số về đông máu để đánh giá hiệu quả của thuốc. Bên cạnh đó, warfarin còn có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như rung nhĩ, loạn nhịp tim. Bệnh nhân cần hết sức lưu ý khi sử dụng loại thuốc này, gây ra nhiều bất tiện và nguy cơ tiềm ẩn. Các nhà khoa học đã tạo ra các loại thuốc chống đông máu đường uống mới (gọi tắt là NOAC: dabigatran, rivaroxaban, apixaban...) hiệu quả hơn, an toàn hơn và nồng độ trong máu ổn định hơn, bệnh nhân sẽ không cần phải thường xuyên xét nghiệm máu. Các thuốc mới này do đó giải quyết được các rắc rối khi sử dụng do warfatrin gây ra và nên được cân nhắc thay thế warfarin khi cần thiết.

Thay thế thuốc có phải là giải pháp tối ưu?

Tuy nhiên, không phải mọi thay thế thuốc đều đem lại lợi ích cho bệnh nhân. Đơn cử như metformin. Mặc dù đã ra đời gần 100 năm song đây vẫn luôn là lựa chọn phổ biến cho bệnh nhân đái tháo đường týp2. Thuốc hoạt động bằng cách giảm sản xuất glucose ở gan, cải thiện việc sử dụng glucose ở ngoại biên, làm chậm hấp thu glucose ở ruột. Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng metformin là buồn nôn và tiêu chảy. Điều này ảnh hưởng đến khoảng 15% bệnh nhân. Mặc dù ngày càng có nhiều loại thuốc điều trị đái tháo đường type 2 ra đời với những hứa hẹn là đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Chúng bao gồm thuốc làm tăng nồng độ insullin tự nhiên như chất đồng vận GLP-1 và chất ức chế DPP-4 (còn gọi là gliptins) hay thuốc làm tăng đào thải glucose qua đường tiểu - chất ức chế SGLT-2 (còn gọi là gliflozins). Tuy nhiên, trong các khuyến cáo mới nhất hiện nay, metformin vẫn là lựa chọn đầu tay đối với nhiều bệnh nhân. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn thuốc, trong đó giá thành thuốc là một trong những yếu tố quyết định. Metformin có giá thành thấp, trong khi các loại thuốc mới trên đều có giá khá cao. Khi so sánh tính hiệu quả - chi phí, metformin vẫn chiếm ưu thế so với các thuốc mới, đặc biệt là các bệnh mạn tính phải điều trị trong thời gian dài. Metformin chỉ được xem xét thay thế khi dung nạp kém hay có chống chỉ định.

Lời khuyên của chuyên gia

Hiện nay, internet là trợ thủ đắc lực cho mọi người, kể cả người bệnh trong việc tìm hiểu các loại thuốc chữa trị mới nhất, hiệu quả nhất cho bệnh tình của mình hay người thân. Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin tham khảo còn việc quyết định có cần thay thế thuốc hay không thì phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân do một loại thuốc đắt tiền mới hơn có thể không mang lại hiệu quả hơn cho bệnh nhân hay một loại thuốc mới có hiệu quả hơn nhưng lại gây khó khăn cho bệnh nhân trong tuân thủ điều trị, trong những trường hợp này việc thay đổi là không cần thiết.


DS. Nguyễn Thị Thanh Hòa
Ý kiến của bạn