Mắt phải bị bong võng mạc không điều trị được, mắt trái được điều trị tiêm avastin nội nhãn tại BV Nhi Đồng 1 và kết hợp phẫu thuật bong võng mạc cùng BS. J. D. Ferwerda (một BS. Hà Lan chuyên về ROP). Hiện tại, bé 16 tháng, mắt trái đã có thể quan sát được xung quanh, mắt phải mất thị lực, teo nhãn.
Tỷ lệ sinh non được cứu sống ngày một tăng tại Việt Nam. Bệnh lý võng mạc trẻ sinh non (Retinopathy of Prematurity - ROP) là bệnh tăng sinh mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non, một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ non tháng, là vấn đề sức khỏe quan trọng ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ ROP ở trẻ sinh non nằm trong khoảng 26 - 32%.
Sinh lý bệnh có thể diễn giải như sau do sinh non, hệ mạch máu võng mạc ngưng phát triển. Thiếu oxy kích thích tiết VEGF, yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu được sản sinh từ các tế bào, có vai trò kích thích hình thành các mạch máu mới để cung cấp oxy cho sự hoạt động của các mô. Do đó tạo mạch máu mới vào pha lê thể, khiến các nguyên bào sợi fibroblast sinh mô sẹo sợi dẫn đến bong võng mạc và mù lòa.
Hội chẩn với bác sĩ nước ngoài trên những bệnh nhi sinh non mắc ROP
Tầm soát và điều trị bằng laser quang đông
ROP có thể dẫn đến giảm thị lực, mù lòa nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời.Tỷ lệ ROP ngày càng có xu hướng gia tăng khi các phương tiện và kỹ thuật hồi sức sơ sinh ngày càng tiến bộ cứu sống rất nhiều trẻ non tháng, nhẹ cân. Tỷ lệ bệnh cao nhất và tỷ lệ di chứng khiếm thị cao nhất ở trẻ đẻ non < 28 tuần tuổi thai và trẻ có cân nặng lúc sinh <1500g. Tuy nhiên, ROP có thể phòng và điều trị nếu được phát hiện sớm.
Chương trình tầm soát và điều trị bằng phương pháp laser quang đông cho bệnh lý này ở trẻ sinh non dưới 33 - 34 tuần tuổi thai và trẻ nhẹ cân dưới 1.800 hoặc 2.000g (nếu kèm tình trạng bệnh lý như: suy hô hấp, viêm phổi, thiếu máu...). Thời điểm tiến hành tầm soát cho trẻ tốt nhất trong 3 - 4 tuần sau sinh, trẻ sẽ được chỉ định điều trị, theo dõi hoặc ngưng theo dõi tùy vào mức độ bệnh hiện tại.
Việc điều trị đã đạt một số thành tựu nhất định.Tuy nhiên có một tỷ lệ khoảng 20% ROP giai đoạn nặng không đáp ứng với phương pháp laser truyền thống, các bé bị bong võng mạc và mù lòa hoàn toàn, không điều trị được. Điều này đã thôi thúc các bác sĩ tìm ra giải pháp cứu lấy đôi mắt các bệnh nhi, giữ lại cơ hội nhận lấy món quà - nhìn thấy ánh sáng và các màu sắc tươi đẹp mà cuộc sống xung quanh ban tặng cho các bé.
Sau nhiều lần tự tìm hiểu tài liệu, tham khảo ý kiến đồng nghiệp, chuyên gia ở mọi nơi, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ của TS.BS. Nguyễn Xuân Tịnh - Trưởng Khoa Mắt Nhi BV. Mắt Trung ương về kỹ thuật tiêm Avastin nội nhãn để điều trị thể ROP nặng với kết quả vô cùng khả quan năm 2016, tại hội nghị Nhãn khoa ở Cần Thơ. BV. Nhi Đồng 1 đã cập nhật kiến thức, học hỏi những kinh nghiệm thực tế của các nước về việc phòng ngừa, tầm soát và điều trị, từ đó giúp tìm ra được lời giải cho tình hình hiện tại.Việc thực hiện có phần thuận lợi hơn khi ngoài sự mở đường từ BS.Tịnh còn có sự cố vấn của BS. Hà Lan Jan Dirk Ferwerda và sự nhiệt tình hỗ trợ về các thủ tục pháp lý, tạo mọi điều kiện từ phía ban lãnh đạo của bệnh viện.
Tiêm thuốc nội nhãn, điều trị thành công 95% ca nặng
Tháng 1/2019, BV. Nhi Đồng 1 là đơn vị đầu tiên ở phía Nam chính thức triển khai phương pháp tiêm thuốc Anti - VEGF nội nhãn (chất chống tăng sinh tân mạch VEGF) điều trị cho các hình thái ROP nặng sau khi được Sở Y Tế TP.HCM cùng với các chuyên gia thẩm định kỹ thuật.
BS. J.D.Ferwerda hướng dẫn kỹ thuật điều trị ROP cho trẻ sinh non tại BV Nhi Đồng 1
Do khả năng ức chế yếu tố bệnh sinh quan trọng nhất trong ROP, kỹ thuật tiêm không phức tạp, tốn ít thời gian hơn... phương pháp này đã được lựa chọn để phối hợp với laser quang đông trong điều trị bệnh lý ROP nhằm mang lại kết quả tối ưu. Đây là phương pháp được kỳ vọng giúp nâng tỷ lệ điều trị ROP nặng thành công lên hơn 95%, mang lại ánh sáng cho hàng trăm trẻ sinh non mắc ROP mỗi năm.
Ngoài ra, từ 12/2016, Nhi Đồng 1 được sự hỗ trợ của nhóm ROPVN - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ về vấn đề công tác xã hội, do bà Grace Mishler phụ trách. Từ đó đến nay, các cán bộ dự án luôn duy trì nhiệt huyết hỗ trợ cả về kiến thức, tinh thần và đôi khi tìm kiếm sự trợ giúp về mặt tài chính cho các gia đình có trẻ sinh non. Chương trình ROP tại BV.Nhi Đồng 1 ngày càng được hoàn thiện và nâng cao chất lượng.
Có thể nói, mô hình nhân viên công tác xã hội liên kết với nhân viên y tế và gia đình bệnh nhân đã mang lại sự hài lòng, giảm thiểu những lo lắng cho gia đình các bệnh nhi. Bác sĩ cũng yên tâm trong công tác, bớt lo ngại về vấn đề bỏ theo dõi - một trong những nguyên nhân gây bong võng mạc thường gặp do quá thời gian có thể can thiệp điều trị.
BV. Nhi Đồng 1 đã và luôn tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, huấn luyện lực lượng kế thừa, sẵn sàng chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật cho các đơn vị muốn phát triển chuyên môn trong lĩnh vực này để chương trình được liên tục và nhân rộng ra các tỉnh thành phía Nam và Nam Trung bộ.
Trải qua 15 năm kiên trì thực hiện từ 2004, BV.Nhi Đồng 1 luôn khao khát trao tặng món quà ánh sáng cho các trẻ sinh non mắc ROP. Chúng ta có quyền hy vọng một tương lai nhiều ánh sáng và màu sắc lấp lánh trong mắt các trẻ sinh non.
Tất cả các trẻ sinh non dưới 33 - 34 tuần tuổi thai và trẻ nhẹ cân dưới 1.800 hoặc 2.000g (nếu kèm tình trạng bệnh lý như: suy hô hấp, viêm phổi, thiếu máu...) đều cần phải được khám mắt sàng lọc bệnh ROP trong 3 - 4 tuần sau sinh.
Gia đình cho trẻ tái khám đúng hẹn và không được ngưng theo dõi khi chưa có ý kiến của bác sĩ khám ROP.
Dự phòng sinh non bằng cách chăm sóc tiền sản tốt đóng một vai trò quan trọng trong phòng chống ROP:
- Cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như ngưng hút thuốc, điều trị viêm nhiễm như viêm nha chu, viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo… trước khi mang thai
- Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - Dinh dưỡng đầy đủ. Chế độ làm việc, sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý
- Khám thai định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, báo hiệu chuyển dạ sinh non như đau lưng, thoát dịch âm đạo bất thường hoặc tiêu chảy.
- Viêm âm đạo và cổ tử cung - nhiễm trùng tại chỗ có thể là nguyên nhân của sinh non và vỡ ối non, vì thế thai phụ cần xét nghiệm khí hư và điều trị thích hợp.
- Nhiễm trùng đường tiểu như viêm bể thận thường kết hợp với gia tăng tần số sinh non.
- Sốt cao cấp tính do bất kỳ bệnh lý nào cũng có thể gây sinh non nên phải được điều trị nhanh chóng và tích cực.
- Kéo dài thai kỳ trong những trường hợp có nguy cơ sinh non.
Các thông tin tư vấn của các chuyên gia sản khoa trong những trường hợp này rất quan trọng, liên quan nhiều đến tình trạng của trẻ sau sinh.