Điều trị bệnh lý lõm ngực bẩm sinh bằng phẫu thuật nội soi lồng ngực: “Được đứng trên vai những người khổng lồ”

22-06-2019 09:23 | Tin nóng y tế

SKĐS - Lõm ngực bẩm sinh là bệnh lý hay gặp nhất (chiếm khoảng gần 90%) trong nhóm các bệnh biến dạng lồng ngực bẩm sinh ở trẻ em (lõm ngực, ngực dô kiểu ức gà, gù vẹo cột sống, khe hở xương ức…). Với phương pháp phẫu thuật nội soi sử dụng thanh kim loại uốn cong đặt trong lồng ngực nâng bản xương lõm, hàng nghìn ca lõm ngực đã được thực hiện ở nước ta chỉ với đường rạch nhỏ 2-3 cm phía sau hai bên thành ngực người bệnh, thời gian nằm viện ngắn.

 Phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với TS. BS. Nguyễn Công Hựu, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm tim mạch bệnh viện E về bệnh lý lõm ngực bẩm sinh ở trẻ em và phương pháp phẫu thuật mang lại những ích lợi vượt trội cho người bệnh.

TS. BS. Nguyễn Công Hựu.

TS. BS. Nguyễn Công Hựu.

Lõm ngực bẩm sinh – bệnh không chỉ ảnh hưởng đến phát triển thể chất mà còn gây tâm lý nặng nề

PV: Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh gây lõm ngực bẩm sinh?

TS. BS. Nguyễn Công Hựu: Về nguyên nhân thực sự cũng như cơ chế gây bệnh đến nay vẫn còn chưa được làm sáng tỏ, mặc dù có nhiều giả thuyết được đưa ra. Giải phẫu khung xương thành ngực trước được tạo bởi các xương sườn bám vào xương ức bằng các sụn  sườn. Vị trí các sụn sườn bám xương ức là khớp ức sườn. Bình thường có 7 xương sườn khớp vào xương ức qua khớp ức sườn; từ xương sườn thứ 8 đến 10 nối với xương ức gián tiếp qua sụn sườn thứ 7. Giả thuyết được nhiều nhà khoa học chấp nhận nhiều nhất về cơ chế bệnh sinh là sự quá phát cong ra trước của các sụn sườn gây ra tình trạng lõm ngực.

PV: Bệnh xuất hiện từ thời điểm nào và làm thế nào để nhận biết một bệnh nhân bị lõm ngực bẩm sinh?

TS. BS. Nguyễn Công Hựu: Tình trạng lõm ngực thường xuất hiện ngay sau sinh, diễn biến lõm nặng dần theo tuổi, biểu hiện rõ khi trẻ đến tuổi dậy thì.

Nhận biết bệnh chỉ cần khám lâm sàng quan sát thấy lồng ngực lõm hơn bình thường. Có nhiều loại hình lõm ngực từ đơn giản đến phức tạp tuỳ theo vị trí, độ sâu và hình thái hố lõm. Một cách đơn giản nhất chia 2 loại: lõm đồng tâm (hỗ lõm nằm trên xương ức), lõm lệch tâm (hỗ lõm nằm cạnh xương ức, bên phải hoặc trái). Trong chuyên khoa sâu, các nhà khoa học đã xây dựng nhiều cách phân loại phục vụ cho mục đích đánh giá, tiên lượng và can thiệp phẫu thuật. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp các nhà chuyên môn đánh giá mức độ nặng của tình trạng lõm.

Hình ảnh bệnh nhân trước và sau mổ.

Hình ảnh bệnh nhân trước và sau mổ.

PV: Lồng ngực bị biến dạng như vậy sẽ gây những biến chứng đáng ngại gì, thưa BS?

TS. BS. Nguyễn Công Hựu: Khung lồng ngực bị biến dạng sẽ tác động đến các tạng bên trong. Những trưởng hợp lõm nhẹ thường ít bị ảnh hưởng. Khi trẻ bị lõm ngực nặng, tình trạng chèn ép gây ảnh hưởng đến chức năng 2 cơ quan quan trọng bậc nhất của cơ thể là tim mạch và hô hấp. Bệnh nhi lõm ngực bẩm sinh kém phát triển thể chất, trẻ khó có thể phát triển để có một cơ thể cường tráng. Các biểu hiện lâm sàng khác có thể gặp trong những trường hợp bị lõm nặng: trẻ nhanh mệt khi chơi các môn thể thao hay các hoạt động có tính chất gắng sức; hay mệt mỏi, hồi hộp. Nhịp tim nhanh, tim lệch hẳn về bên trái khi bị chèn ép nhiều.

Đặc biệt, biến dạng lồng ngực ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý. Trẻ em thường sống khép mình, hạn chế các hoạt động xã hội, hạn chế trong giao tiếp, không dám tham gia các hoạt động thể thao có tính chất tập thể.

PV: Phẫu thuật có phải là phương pháp điều trị duy nhất? Chỉ định phẫu thuật dựa trên yếu tố nào và độ tuổi để phẫu thuật mang lại hiệu quả nhất, thưa BS?

TS. BS. Nguyễn Công Hựu: Chụp cắt lớp lồng ngực là phương tiện chẩn đoán hình ảnh rất có giá trị, được sử dụng để đánh giá mức độ nặng của bệnh. Chỉ số Haller (HI): Tỉ số giữa đường kính ngang lồng ngực (vị trí rộng nhất) / đường kính trước sau ức – cột sống ( vị trí ngắn nhất) trên phim chụp là một trong những yếu tố giúp đưa ra chỉ định phẫu thuật. Khi HI > 3,25 là lõm mức độ nặng cần được phẫu thuật. Ngoài ra còn giúp phẫu thuật viên đánh giá được hình thái lõm, mức độ cân xứng của lồng ngực, hình ảnh tim phổi, các thương tổn đi kèm, từ đó giúp phẫu thuật viên đưa ra các quyết định phẫu thuật hợp lý.

Bệnh nên được phẫu thuật ở trẻ em, trước tuổi trưởng thành khi lồng ngực đang còn phát triển sẽ cho kết quả tốt. Bác sỹ Donald Nuss (bệnh viện trẻ em “Children's Hospital of The King's Daughters”, bang Virginia Hoa Kỳ ) – người đã tìm ra phương pháp mổ ít xâm lấn ưu việt nhất cho đến nay để chữa bệnh này chủ trương phẫu thuật cho trẻ từ 6 tuổi, một số tác giả khác lựa chọn sớm hơn khi trẻ từ 3 tuổi. Các nhà phẫu thuật đều thống nhất thời điểm phẫu thuật tốt nhất ở lứa tuổi trước dậy thì. Đối với tuổi trưởng thành, người lớn độ tuổi trung niên kết quả phẫu thuật cũng rất khả quan. Tuy nhiên đối với người lớn do khung xương đã phát triển nên tỷ lệ bị lõm lại sau phẫu thuật cao hơn so với ở trẻ. Mùa hè khi trẻ được nghỉ học là thời điểm thuận lợi cho việc phẫu thuật nâng khung lồng ngực.

Phương pháp mổ nội soi Nuss.

Phương pháp mổ nội soi Nuss.

Phẫu thuật Nuss - cuộc cách mạng trong điều trị lõm ngực bẩm sinh

PV: Phương pháp phẫu thuật nội soi ứng dụng trong điều trị lõm ngực bẩm sinh hiện nay đã mang lại hiệu quả và lợi ích vượt trội cho người bệnh. Là một trong những người đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật nội soi tim cũng như lồng ngực, BS có thể chia sẻ về tính ưu việt của phương pháp điều trị này?

TS. BS. Nguyễn Công Hựu: Để có được một phương thức chữa bệnh chuẩn mực, đem lại lợi ích to lớn cho người bệnh như ngày hôm nay là sự miệt mài sáng tạo và dày công nghiên cứu của các nhà khoa học, chúng ta đang được đứng trên vai những người khổng lồ đi trước.

Phương pháp điều trị lõm ngực bẩm sinh đã được các nhà phẫu thuật nghiên cứu và thực hiện hàng trăm năm nay. Các biện pháp phẫu thuật trước kia như cắt bỏ phần xương lõm chèn ép, tạo khung kéo bên ngoài, phẫu thuật Ravitch cắt sụn sườn 2 bên … đều có nhiều hạn chế về kết quả, phẫu thuật nặng nề kém thẩm mỹ.

Phim chụp X quang của bệnh nhân sau phẫu thuật

Năm 1998, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, Donal Nuss và cộng sự đã công bố công trình 10 năm kinh nghiệm phẫu thuật điều trị lõm ngực bẩm sinh bằng phương pháp ít xâm lấn sử dụng thanh kim loại uốn cong, luồn vào trong lồng ngực nâng toàn bộ bản xương lõm lên cao dưới sự trợ giúp của nội soi và các dụng cụ chuyên dụng. Phương pháp đạt mục tiêu nâng lồng ngực giải phóng chèn ép tim phổi, không phải cắt bỏ tổ chức, kỹ thuật dễ thực hiện và đặc biệt đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhất do chỉ sử dụng đường rạch da nhỏ khoảng 2cm phía sau không để lại di chứng vết sẹo dài, xấu trước ngực của các phương pháp mổ trước đây. Công trình công bố đã tạo ra cuộc cách mạng trong phẫu thuật loại bệnh lý này, hàng trăm nhà khoa học đến học tập và phổ biến ra khắp thế giới. Phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, sử dụng thanh kim loại uốn cong đặt trong lồng ngực nâng bản xương lõm điều trị bệnh lõm ngực bẩm sinh  được đặt tên “Phẫu thuật Nuss”, ghi nhận công lao của người đã khai sinh ra nó.

Qua hơn 20 năm kể từ công trình đầu tiên được công bố, đến nay phẫu thuật Nuss trở thành phương pháp mổ tiêu chuẩn, trả lại cuộc sống bình thường cho các bệnh nhân không may có lồng ngực bị lõm bẩm sinh. Các công trình công bố sau này cho thấy phương pháp an toàn, hiệu quả hơn hẳn so với các phương pháp trước đây.

PV: Chân thành cảm ơn BS đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!


Linh San (thực hiện)
Ý kiến của bạn