Điều trị bệnh "khó nói" của phụ nữ - bằng mảnh ghép 6 nhánh

30-12-2021 08:00 | Y học 360
google news

Nữ bệnh nhân (63 tuổi) vừa được các bác sĩ chuyên khoa Ngoại – Sản – Liên Chuyên Khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai điều trị sa bàng quang, sa tử cung độ II bằng phương pháp đặt mảnh ghép tổng hợp 6 nhánh xuyên qua lỗ bịt và dây chằng cùng gai.

Đây là phương pháp mới mang lại kết quả tốt hơn hẳn so với kỹ thuật đặt mảnh ghép 4 nhánh như trước đây. Kỹ thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm và tay nghề cao. Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai là một trong rất ít cơ sở ở tỉnh Đồng Nai đã triển khai thành công kỹ thuật phức tạp này.

Điều trị bệnh "khó nói" của phụ nữ - bằng mảnh ghép 6 nhánh - Ảnh 1.

Hình ảnh thực hiện phương pháp đặt mảnh ghép 6 nhánh trong điều trị sa bàng quang cho nữ bệnh nhân 63 tuổi

Ngày 16/12/2021 vừa qua, bệnh nhân Đ.T.Đ (63 tuổi – ngụ tại Dĩ An, Bình Dương) nhập viện trong tình trạng khó chịu vì có khối phồng ở vùng âm đạo, sờ vào thấy vướng, cảm giác nặng vùng chậu và vùng tầng sinh môn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Thầy thuốc ưu tú – BS.CKII Nguyễn Văn Truyện – chuyên khoa Ngoại Niệu, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết: "Bệnh nhân bị sa bàng quang, sa tử cung mức độ II. Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật sớm để đưa bàng quang và tử cung sa trở lại vị trí bình thường ở vùng tiểu khung, làm chắc lại vùng tầng sinh môn, giải quyết rối loạn đi tiểu, giải quyết sự khó chịu do bàng quang và tử cung sa vào âm đạo".

Ekip phẫu thuật thực hiện bởi các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn cao, gồm BS.CKII Nguyễn Văn Truyện (chuyên khoa Ngoại Niệu), BS.CKI Phan Thị Mộng Trang (chuyên khoa Sản).

Điều trị bệnh "khó nói" của phụ nữ - bằng mảnh ghép 6 nhánh - Ảnh 2.

Trước ngày xuất viện – Bác sĩ Truyện đến thăm hỏi và theo dõi sức khỏe bệnh nhân.

BS Truyện chia sẻ thêm: "Sa bàng quang, sa tạng chậu thường xuất hiện ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, sinh con nhiều lần, làm việc nặng sớm sau sinh. Đây được xem là "bệnh khó nói" của phụ nữ và rất nhiều người mắc phải. Hầu hết các trường hợp đều mặc cảm, ngại đi kiểm tra dẫn đến bị rối loạn đường tiểu mất đi cơ hội điều trị sớm. Trường hợp bệnh nhân Đ. rất may mắn khi đến thăm khám sớm, kết quả sau phẫu thuật rất khả quan".

Một số dấu hiệu bất thường hay gặp ở phụ nữ tuổi trung niên

Theo BS.CKI Phan Thị Mộng Trang – Chuyên khoa Sản, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai: Sa sinh dục thường được gọi là sa dạ con hay sa tử cung. Nhưng trên thực tế, không chỉ dạ con mà thường cả bàng quang và trực tràng sa vào trong âm đạo. Trường hợp nặng, các tạng trên có thể sa ra ngoài âm đạo. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Các chị em thường cam chịu, giấu vì căn "bệnh khó nói" này, từ đó phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là rắc rối trong quan hệ vợ chồng và các rối loạn tiểu tiện như tiểu không hết nước tiểu hoặc khó tiểu.

Điều trị bệnh "khó nói" của phụ nữ - bằng mảnh ghép 6 nhánh - Ảnh 3.

Tùy theo từng người, mức độ sa sinh dục ít hay nhiều, mới sa hay sa từ lâu, sa đơn thuần hay còn có tổn thương phối hợp, có kèm theo sa bàng quang hay trực tràng sẽ xuất hiện những dấu hiệu thường gặp sau: tức nặng vùng cửa mình gây khó chịu ở bụng dưới, nhất là khi đứng, nhưng khi nằm thì cảm giác khó chịu đó lại không còn. Đôi khi có cảm giác như muốn rặn đẻ vì các tĩnh mạch ở vùng đáy chậu bị sa sung huyết, đồng thời do áp lực trong thành bụng dồn xuống vùng đáy chậu đã bị suy yếu, hay bị đau vùng thắt lưng.

Điều trị bệnh "khó nói" của phụ nữ - bằng mảnh ghép 6 nhánh - Ảnh 4.

Sa tạng vùng chậu – nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ

Nếu kèm theo sa bàng quang thì có dấu hiệu đi tiểu khó, tiểu rắt, són tiểu khi cười to, khi ho mạnh hay khi bị rùng mình, thường tiểu không hết nước tiểu nên bàng quang dễ bị viêm gây ra tiểu buốt, đi tiểu khó khăn. Trường hợp này người bệnh nên đến Bệnh viện khám sớm để tránh bị bí tiểu cấp.

Nếu kèm theo sa trực tràng thì đại tiện thường bị táo bón, kinh nguyệt vẫn bình thường vẫn có khả năng có thai, tuy nhiên thường dễ sẩy thai và sinh non. Vì vậy, khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường như trên, người bệnh không nên ngại ngùng mà hãy đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và được đánh giá mức độ, hạn chế điều trị trễ gây ảnh hưởng lớn đến lao động và sinh hoạt hàng ngày – Bác sĩ Trang khuyến cáo.


PV
Ý kiến của bạn