Điều trị bệnh Hodgkin

19-10-2024 08:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh Hodgkin là một trong hai bệnh thuộc nhóm u lympho ác tính. Bệnh phát sinh từ các tế bào lympho trong cơ thể. Có thể chữa khỏi bệnh Hodgkin nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.

Ung thư hạch bạch huyết Hodgkin: Câu chuyện hy vọng – Không còn sợ hãiUng thư hạch bạch huyết Hodgkin: Câu chuyện hy vọng – Không còn sợ hãi

Câu chuyện về một bệnh nhân mắc u lympho hodgkin đã dũng cảm vượt qua bệnh nhờ vào việc tuân thủ phác đồ điều trị và đã không sợ hãi tiến lên phía trước – Chia sẻ từ bác sĩ Mya Dawn – Chuyên gia Huyết học Trung tâm Ung thư Parkway Singapore.

1. Mối nguy khi mắc bệnh Hodgkin

Bệnh Hodgkin là một bệnh tương đối hiếm gặp ở các nước phương Tây, bệnh chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số các loại bệnh ung thư. Tại Mỹ, ước tính bệnh chiếm 10% các bệnh lý u lympho và chỉ chiếm 0,6% bệnh ung thư nói chung. Tỷ lệ mắc tại các nước châu Âu là 2,4/100.000 dân. Ở nước ta, tỷ lệ mắc bệnh Hodgkin ở nam là 1,2/100.000 dân và ở nữ là 0,6/100.000 dân, đứng hàng 23 trong các bệnh ung thư.

Bệnh Hodgkin là một dạng ung thư hạch bạch huyết gây nên suy giảm miễn dịch ở người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nhưng người ta thấy có một số yếu tố liên quan đến bệnh như: Nhiễm virus EBV, CMV, tình trạng suy giảm hoặc rối loạn của hệ miễn dịch như nhiễm HIV, sau ghép tạng, bệnh tự miễn, yếu tố gia đình.

Dấu hiệu lâm sàng đặc trưng nhất thường là có hạch sưng to bất thường ở vùng cổ, thượng đòn, nách và hiếm gặp hơn ở hạch bẹn. Hạch này thường mềm, di động, da vùng hạch ít khi bị thay đổi.

Nếu phát hiện muộn, ngoài các hạch ngoại vi, người bệnh còn có các triệu chứng do hạch chèn ép như đau bụng, hội chứng bít tắc đường niệu, chèn ép tĩnh mạch thận, hoặc có dịch cổ trướng, vàng da, hội chứng chèn ép trung thất.

Các triệu chứng toàn thân cũng hay gặp trên những bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn như: Sút cân >10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng, sốt > 38 độ C không có nguyên nhân nhiễm trùng và ra mồ hôi về đêm, ngứa.

Điều trị bệnh Hodgkin- Ảnh 2.

Bệnh Hodgkin thường gây hạch sưng to bất thường ở vùng cổ, thượng đòn.

2. Các phương pháp điều trị

Mục tiêu của điều trị là tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt và giảm các triệu chứng của bệnh. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà có các phương pháp điều trị khác nhau.

- Bệnh Hodgkin giai đoạn sớm: Có thể xạ trị đơn thuần với trường hợp bệnh nhân có yếu tố tiên lượng tốt, hóa chất phối hợp xạ trị hoặc hóa chất đơn thuần.

- Bệnh Hodgkin giai đoạn lan tràn: Thường điều trị hóa chất đơn thuần.

- Xạ trị củng cố có thể được áp dụng với tổn thương đơn độc còn lại sau điều trị hết liệu trình hóa chất mà trên PET (+), thường áp dụng với tổn thương ban đầu >10 cm hoặc >1/3 đường kính lồng ngực trên X quang thông thường, tuy nhiên nếu PET sau điều trị (-) không nên xạ củng cố.

2.1. Hóa trị

Tác dụng: Hóa trị là phương pháp điều trị chính trong bệnh Hodgkin. Hóa trị là một loại thuốc sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư hạch. Trong điều trị bệnh Hodgkin, thường kết hợp hóa trị với xạ trị ở giai đoạn đầu.

Một số phác đồ hóa trị hay sử dụng: ABVD, MOPP, BEACOPP, COPP-ABVD, Stanford V.

Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn và rụng tóc. Các biến chứng nghiêm trọng nếu sử dụng lâu dài có thể xảy ra như tổn thương tim, tổn thương phổi, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư khác như bệnh bạch cầu.

Mục tiêu của điều trị là tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt và giảm các triệu chứng của bệnh. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà có các phương pháp điều trị khác nhau.

2.2. Xạ trị

Tác dụng: Xạ trị được chỉ định trong vòng 4 tuần sau kết thúc hóa chất. Phương pháp này sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Có thể xạ trị đơn thuần hoặc phối hợp hóa chất.

Tác dụng phụ: Xạ trị có thể gây đỏ da và rụng tóc tại vùng được chiếu xạ. Ngoài ra, một số tác dụng phụ nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình xạ trị như: Đột quỵ, bệnh tim mạch, các vấn đề về tuyến giáp, vô sinh và phát triển các bệnh ung thư khác (như ung thư vú hoặc ung thư phổi).

2.3. Hóa trị liều cao kết hợp ghép tế bào gốc

Tác dụng: Phương pháp điều trị bằng hóa trị liều cao kết hợp ghép tế bào gốc áp dụng trong các trường hợp sau:

- Tái phát sớm (dưới 12 tháng sau điều trị lần đầu) chứng tỏ bệnh kháng thuốc.

- Tái phát lại sau khi đã được hóa trị lần thứ hai.

- Có triệu chứng toàn thân rõ ở lần tái phát sau.

Điều trị bệnh Hodgkin- Ảnh 3.

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh Hodgkin.

Lưu ý: 

- Hầu hết những bệnh nhân có dấu hiệu kháng thuốc với hóa trị liều thông thường của lần điều trị đầu tiên sẽ đáp ứng với hóa trị liều cao, có kết hợp hoặc không kết hợp với xạ trị, sau đó được ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc ngoại vi. 

Hiện nay, chưa có phác đồ chuẩn của hóa trị liều cao vì trước đó bệnh nhân đã được hóa trị với rất nhiều phác đồ, đôi khi cả xạ trị. Mặc dù vậy, hóa trị liều cao kết hợp với truyền tế bào gốc có tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn 50 - 80%. Khoảng 40% - 80% bệnh nhân có đáp ứng, bệnh ổn định trong một thời gian đáng kể.

- Không chỉ định ghép tủy cho những bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát sau lần điều trị đầu tiên. Bởi vì có khoảng 5 - 10% trong số này sẽ có hội chứng rối loạn sinh tủy hoặc bệnh bạch cầu cấp thể tủy khi được điều trị bằng hóa trị liều cao và truyền tế bào gốc.

- Ghép tủy dị gen không có lợi ích về mặt sống thêm so với ghép tự thân. Sử dụng các yếu tố tăng sinh dòng bạch cầu sau ghép tủy làm giảm tỷ lệ tử vong, rút ngắn ngày điều trị, giảm chi phí nằm viện. Tuy nhiên, phương pháp này không làm tăng thời gian sống cho người bệnh.

3. Lưu ý khi điều trị

Để phát hiện tái phát và những biến chứng muộn liên quan đến điều trị, người bệnh Hodgkin cần lưu ý:

- Xét nghiệm công thức máu, máu lắng, sinh hóa mỗi 3 tháng/2 năm đầu, sau đó mỗi 6 tháng/5 năm tiếp theo.

- Chụp cắt lớp vi tính ngực, bụng, tiểu khung mỗi 3 - 6 tháng trong 3 năm đầu, sau đó hàng năm cho đến 5 năm. Theo dõi bằng PET đang còn tranh cãi vì dương tính giả cao.

- Tiêm phòng cúm định kỳ hàng năm cân nhắc với những bệnh nhân đã điều trị với bleomycin hoặc xạ trị vùng ngực.

- Kiểm tra TSH (xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp) hàng năm nếu xạ vùng cổ.

- Chụp X quang vú sàng lọc nên bắt đầu sau điều trị 8 năm hoặc từ 40 tuổi với những bệnh nhân có xạ trị trên cơ hoành. Bệnh nhân nên tự khám vú.

- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

- Trong thời gian điều trị có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Căn bệnh có 1 tỷ người mắc phải, dễ dẫn đến nhiều loại ung thư.


BS. Trần Cảnh
Ý kiến của bạn