1. Dấu hiệu của bệnh hạ cam
Bệnh hạ cam là bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể gặp ở cả hai giới. Những người có quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều người... sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn.
Ngoài ra, sức khỏe kém, chế độ ăn không đủ dinh dưỡng, sinh sống ở nơi có nguồn nước không sạch... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh hạ cam là do trực khuẩn gram âm Haemophilus ducreyi gây ra và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục. Có một tỷ lệ nhất định bệnh nhân mắc bệnh hạ cam có mắc kèm giang mai, herpes và tăng nguy cơ lây truyền HIV. Do đó nếu có nguy cơ và dấu hiệu của bệnh cần đi khám ngay, đồng thời làm tất cả các xét nghiệm huyết thanh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Biểu hiện bệnh ở nam giới và nữ giới khác nhau:
- Nam giới xuất hiện vết loét thường đau hoặc viêm đau hạch bẹn. Vị trí bị vết loét ở bao quy đầu, rãnh qui đầu, thân dương vật.
- Nữ giới mắc bệnh hạ cam có thể xuất hiện triệu chứng loét ở âm hộ, môi lớn, môi nhỏ, âm đạo, âm vật, cổ tử cung, hậu môn... Ngoài ra, có thể xuất hiện tại các vị trí ngoài sinh dục như niêm mạc miệng, vú, ngón tay, đùi. Do các vết loét, nên bệnh nhân sẽ bị đau khi đi tiểu/đại tiện, chảy máu trực tràng, đau khi giao hợp, ra nhiều khí hư.
- Triệu chứng toàn thân với biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi.
2. Điều trị bệnh hạ cam có khó không?
Hiện nay, có nhiều loại thuốc điều trị vi khuẩn gây bệnh hạ cam. Việc điều trị hạ cam nên được tiến hành ngay sau khi có kết quả xét nghiệm. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị hạ cam bằng một trong những kháng sinh sau:
- Ceftriaxon 250mg đường tiêm bắp.
- Một liều azithromycin 1g đường uống.
- Erythromycin 500g đường uống x 7 ngày hoặc erythromycin đường tiêm, tùy theo trường hợp.
- Ciprofloxacin 500mg đường uống x 3 ngày.
- Trường hợp có hạch mủ, có thể phối hợp chọc hạch để hút mủ trong hạch giúp người bệnh mau khỏi.
- Trường hợp có mắc đồng thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như giang mai, HIV, cần dùng kháng sinh với liều cao hơn, đồng thời vẫn phải dùng thuốc điều trị các bệnh lý kèm theo.
- Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chưa có biến chứng, bệnh được điều trị có hiệu quả cao. Bệnh nhân cảm thấy đỡ sau 2-3 ngày điều trị và khỏi sau khoảng 1 tuần. Đối với hạch bẹn sưng, có mủ thường khỏi chậm hơn.
3. Lưu ý chung khi điều trị bệnh
- Bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Không quan hệ tình dục trong thời gian mang bệnh. Sau khi được điều trị ổn định, cần sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục.
- Ngoài điều trị cho người bệnh, cần kiểm tra và làm các xét nghiệm cho cả bạn tình, kể cả khi không có biểu hiện mắc bệnh, đặc biệt là bạn tình có quan hệ tình dục trong vòng 10 ngày trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của bệnh hạ cam.
- Người bệnh mắc hạ cam nên làm xét nghiệm huyết thanh bệnh giang mai và HIV sau khi được chẩn đoán mắc bệnh hạ cam 3 tháng.
- Đối với những trường hợp muốn có con, nên tư vấn với bác sĩ trước khi mang thai.
4. Cách phòng ngừa bệnh hạ cam
Là bệnh lây chủ yếu qua đường tình dục, nên để giảm nguy cơ mắc/tiến triển nặng bệnh hạ cam, nên sử dụng các biện pháp:
- Trường hợp đang mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh hạ cam cần kiêng quan hệ tình dục.
- Quan hệ tình dục an toàn, chỉ có một bạn tình và chắc chắn bạn tình không mắc bệnh.
- Đối với bạn tình không rõ ràng, cần sử dụng bao cao su từ đầu đến cuối mỗi lần quan hệ tình dục. Đeo bao cao su đúng kỹ thuật, phải bao phủ kín toàn bộ bộ phận sinh dục có tiếp xúc với bạn tình.
Mời độc giả xem thêm video:
Tổng hợp các bệnh tình dục nguy hiểm nhất hiện nay | SKĐS