Hiện nay có nhiều thuyết giải thích bệnh giãn tĩnh mạch dưới da chi dưới nhưng chưa có thuyết nào hoàn hảo. Giãn tĩnh mạch dưới da chi dưới phát sinh do thành tĩnh mạch bị căng mạnh do tư thế đứng lâu, thường liên quan đến nghề nghiệp như: thợ cắt tóc, thợ rèn… hoặc tĩnh mạch bị đè ép bởi các khối u như: thai sản, viêm nghẽn tĩnh mạch, nhiễm trùng tĩnh mạch, chấn thương…
Biểu hiện của bệnh thế nào?
Nhìn chung, bệnh cảnh lâm sàng rất nghèo nàn, bệnh tiến triển mang tính chất liên tục, triệu chứng xuất hiện một vài ngày sau khi thấy tĩnh mạch giãn, rất ít khi xuất hiện đồng thời. Thường gặp giãn tĩnh mạch chi dưới trái nhiều hơn bên phải, khoảng 35-43% gặp ở cả hai bên. Thường chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn còn bù
Bệnh nhân cảm thấy tức nặng và mỏi ở chi dưới trong tư thế đứng lâu. Đôi khi xuất hiện nề ở cẳng chân, bàn chân sau một ngày làm việc, mất đi khi nằm nghỉ. Tĩnh mạch nông giãn chưa nhiều và còn biến đổi.
Giai đoạn gần mất bù
Các triệu chứng của giai đoạn trước phát triển mạnh hơn, đau xuất hiện khi đi, cẳng chân to hơn, tím nề mu bàn chân tăng lên, ngứa da. Nề không mất đi khi nằm nghỉ. Nhiễm sắc tố da xuất hiện, tĩnh mạch giãn rõ. Đôi khi có những đợt viêm đau, nóng, sưng, đỏ dọc đường đi của tĩnh mạch, đau có khi rất dữ dội.
Giai đoạn mất bù
Bệnh nhân đau rất nhiều khi đi bộ, cảm giác tê chân, ngứa da trong vùng tổn thương. Chân to, tím, nề rõ và không hồi phục, không mất đi khi nằm nghỉ. Rối loạn dinh dưỡng và xuất hiện biến chứng như viêm da, xơ cứng da, loét viêm nghẽn tĩnh mạch.
Biến chứng có thể gặp
Các biến chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do bị ứ đọng máu trong tĩnh mạch, do bị viêm, bị rối loạn dinh dưỡng và bị nhiễm khuẩn. Trong các biến chứng có thể xảy ra cần chú ý các biến chứng: viêm nghẽn tĩnh mạch, cục nghẽn có thể di chuyển gây tắc tĩnh mạch phổi dẫn đến tử vong, loét do rối loạn dinh dưỡng, chảy máu tại ổ loét, loạn dưỡng kéo dài ở chi có thể phải cắt cụt.
Ðiều trị tùy trường hợp
Giãn tĩnh mạch không có biến chứng
Điều trị bảo tồn: Băng các chi dưới bằng băng cao su hay băng chun hoặc đi tất chật để phòng ngừa phù và tăng cường sự lưu thông huyết trong tĩnh mạch; Dùng dung dịch tiêm tĩnh mạch để làm xơ cứng tĩnh mạch; Dùng dòng điện làm đông máu trong lòng tĩnh mạch.
Vật lý trị liệu: Các phương pháp chống viêm là chủ yếu (sóng ngắn dọc chi chế độ xung liều không nóng), chống phù nề (nâng cao chân, co cơ tĩnh hoặc vận động khớp các ngón chân, bàn chân, cổ chân). Khi bớt viêm và phù nề thì đau cũng giảm. Không dùng các phương pháp nhiệt. Không xoa bóp và vận động mạnh ở giai đoạn đang viêm và đau vì có thể làm bong cục máu đông đi vào tuần hoàn toàn thân gây biến chứng nguy hiểm. Sau khi hết triệu chứng viêm có thể xoa bóp nhẹ nhàng nhưng tránh vùng tổn thương.
Điều trị phẫu thuật: Mục đích của phẫu thuật là thắt và cắt bỏ các tĩnh mạch bị giãn, chống chỉ định phẫu thuật khi có giãn tĩnh mạch sâu vì các tĩnh mạch dưới da dễ bù trừ, các tĩnh mạch này là con đường duy nhất để dẫn máu về tim. Thắt và cắt các tĩnh mạch nông chỉ có thể dẫn tới tăng rối loạn tuần hoàn của tĩnh mạch và phát triển phù.
Giãn tĩnh mạch có biến chứng loét: Điều trị các vết loét phải theo hướng: làm tăng huyết áp tĩnh mạch và làm mất hiện tượng ứ máu trong tĩnh mạch. Các biện pháp là: đặt chân cao, tăng vận động chi dưới, băng chân chặt bằng băng cao su khi đi lại, cắt các tĩnh mạch có van yếu, điều trị tại chỗ vết loét bằng vật lý trị liệu (hồng ngoại, tử ngoại…).
BS. Trung Dũng