Ngày 13/11, Ủy ban Tình báo thuộc Hạ viện Mỹ đã tiến hành buổi điều trần công khai đầu tiên liên quan tới việc luận tội Tổng thống Donald Trump. Trước đó, đã có 16 cuộc điều trần kín với các quan chức hiện nay và trước đây trong chính quyền Tổng thống Trump. Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine sẽ ra điều trần vào ngày 15/11, sang tuần có 3 phiên điều trần công khai vào các ngày 19, 20 và 21/11 sẽ có sự có mặt của 8 nhân chứng.
Xuất hiện những tình tiết mới
Lần đầu tiên một phiên điều trần như vậy được phát trên truyền hình, đánh dấu một bước chuyển mới có thể ảnh hướng tới danh tiếng cũng như quá trình vận động tranh cử cho cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống của ông Trump vào năm 2020, đồng thời đây cũng là “câu trả lời” cho “nước cờ” mạo hiểm của phe Dân chủ khi đánh cược với việc luận tội Người đứng đầu nước Mỹ.
Trong phiên điều trần công khai đầu tiên, các quan chức Mỹ sẽ công khai trình bày trên truyền hình những lo ngại của họ liên quan đến quá trình lãnh đạo của Tổng thống. Cụ thể ở đây là việc lấy viện trợ quân sự cho Ukraine làm điều kiện mặc cả để nước này ra lệnh điều tra đối thủ chính trị nặng ký nhất của Tổng thống Mỹ là ông Joe Biden.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Ukraine William Taylor đưa ra một chi tiết trong lời khai về cuộc điện thoại giữa Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland và Tổng thống Trump vào ngày 26/7, ngay sau ngày diễn ra cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong cuộc điện thoại đó, Tổng thống Trump đề cập tới các cuộc điều tra về can thiệp bầu cử năm 2016 và gia đình Biden.
Tổng thống Mỹ đối diện với tuần điều trần các quan chức Mỹ đầy khó khăn
Ông Taylor khẳng định, Đại sứ Sondland đã nói rằng: "Tổng thống Trump quan tâm nhiều hơn đến các cuộc điều tra của Biden, điều mà luật sư riêng của Tổng thống Trump là Giuliani đang gia tăng sức ép”. Theo bản ghi trong phiên điều trần kín, ông Taylor khẳng định ông hoàn toàn hiểu rõ rằng khoản tiền viện trợ trị giá 400 triệu USD của Mỹ cho Ukraine được sử dụng là điều kiện ép buộc Kiev tiến hành điều tra đối thủ chính trị của Tổng thống Trump là ông Joe Biden. Theo các nghị sĩ của đảng Dân chủ, nhà ngoại giao Taylor là một nhân chứng hết sức quan trọng trong cuộc điều tra này.
Tham gia điều trần cùng ông Taylor có phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu - Á George Kent. Ông George Kent cho rằng, những nỗ lực từ phía luật riêng của Tổng thống Trump là Rudy Giuliani cùng các đồng sự với việc phát động chiến dịch bôi nhọ mà cu thể là nhằm hạ bệ Đại sứ Mỹ tại Ukraine khi đó là bà Marie Yovanovitch. Qua sự việc này đã giúp ông làm sáng tỏ nhiều điều. Chính việc luật sư riêng của Tổng thống có thể can dự vào hoạt động đối ngoại của chính quyền khiến dư luận Mỹ dậy sóng.
Tới thời điểm này, Hạ viện đã công bố 8 bản lời khai của các nhân chứng trên tổng số 16 cuộc điều trần kín mà họ đã tiến hành.
Chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, nước Mỹ sẽ đi về đâu
Qua phiên điều trần này, có thể thấy, nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc bởi cuộc đấu đá chính trị giữa các đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong khi đảng Dân chủ quyết đấu tranh hướng tới mục tiêu chứng minh Tổng thống lạm dụng quyền lực thì đảng Cộng hòa đang gặp nhiều khó khăn. Bởi dường như Tổng thống đang một mình sử dụng các thông điệp chống lại luận tội, nhiều lập luận lại đi ngược truyền thông của Nhà Trắng và đảng Cộng hòa. Ví dụ như “kế sách” của Nhà Trắng là tăng thêm cố vấn tham gia bảo vệ Tổng thống trong quá trình luận tội nhưng đã ngay lập tức bị Tổng thống lên tiếng phản đối, hay như các chính sách đối ngoại của Mỹ với Ukraine cũng không nhận được sự đồng thuận giữa cố vẫn an ninh Mỹ trước đây, ông John Bolton với Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney… .
Như vậy, trong nội bộ Nhà Trắng cũng xuất hiện những bất đồng và rạn nứt. Điều này tăng thêm phần khó khăn cho đảng Cộng hòa trong việc bảo vệ Tổng thống.
Không biết kết cục của quá trình điều tra luận tội Tổng thống còn dẫn tới đâu, nhưng những đấu tranh giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục cho tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 ngã ngũ.