Điều tra, làm rõ thông tin cô gái Hàn Quốc nhiễm Zika từ Việt Nam

08-05-2016 15:07 | Tin nóng y tế

SKĐS - Ngày 8/5, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông tin cô gái Hàn quốc nhiễm vi rút Zika từ Việt Nam và đang yêu cầu các cơ quan liên quan tiến hành điều tra dịch tễ, làm rõ xem người này đã lưu trú tại những địa điểm nào trong thời gian ở Việt Nam...

Tờ Koreatimes của Hàn Quốc đưa tin, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) vừa xác nhận trường hợp nhiễm virus zika thứ 4 ở nước này. Bệnh nhân là một phụ nữ Hàn Quốc 25 tuổi vừa trở về Hàn Quốc từ Tp Hồ Chí Minh của Việt Nam. Cô gái này đã làm việc tại TP HCM từ ngày 10 đến 30/4 và về nước vào ngày 1/5. Ngày 4/5, cô gái này đến một bệnh viện tại Incheon để điều trị bệnh tuyến giáp sau khi có biểu hiện sốt và đau khớp. Tại các bác sĩ phát hiện cô gái nhiễm virus Zika.

KCDC nghi ngờ cô gái có thể đã bị muỗi đốt trong khoảng thời gian tại Việt Nam. Họ cũng đang tiến hành kiểm tra một người từng tiếp xúc với bệnh nhân trong khoảng thời gian từ ngày 13-17/4 tại Việt Nam. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Ngày 8/5, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân có tiền sử làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam từ ngày 10/4- 30/4/2016; trong thời gian này có bị muỗi đốt và đến ngày 28/4/2016 có biểu hiện phát ban. Như vậy có thể  bệnh nhân bị nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam trong bối cảnh Tp. Hồ Chí Minh đã ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 vào đầu tháng 4/2016.

Ngày 8/5, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Việt Nam đã liên hệ với Cơ quan đầu mối của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương để đề nghị Cơ quan đầu mối Hàn Quốc cung cấp thêm thông tin chi tiết về nơi làm việc, nơi ở của bệnh nhân trong thời gian ở Việt Nam cũng như nơi bệnh nhân hay tới thăm để khoanh vùng điều tra, giám sát tại Việt Nam. Đồng thời Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường việc giám sát lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Zika tại các tỉnh, thành phố để phát hiện sớm ổ dịch, xử lý kịp thời.

Trước đó, đầu tháng 4/2016, Việt Nam cũng thông báo 2 ca nhiễm vi rút Zika đầu tiên gồm một người phụ nữ 64 tuổi tại Nha Trang, Khánh Hòa và một thai phụ 33 tuổi ở quận 2, TP HCM. Tuy nhiên, đến ngày 22/4/2016, cả TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa đều công bố đã hết dịch bệnh do vi rút Zika gây ra ở quy mô cấp xã/phường.

Cũng liên quan đến dịch bệnh do vi rút Zika, hồi cuối tháng 3/2016, Tổ chức Y tế Thế giới cũng thông báo Australia xác nhận một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam

Khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyêt

Tại Việt Nam, theo báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur, các địa phương, kết quả giám sát trọng điểm và tại cộng đồng chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes, một loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do vi rút Zika, các chuyên gia nhận định có thể do đặc điểm vi rút Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ vi rút Zika khu vực châu Mỹ la tinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh song trong thời gian tới hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần.

Việt Nam hiện đang áp dụng mức độ cảnh báo ở mức độ hai theo Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do virus Zika.

Bộ Y tế cũng cho biết tiếp tục đặt ở mức cảnh giác cao với dịch bệnh do vi rút Zika, tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định vi rút Zika để phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động truyền thông cho cộng đồng, thực hiện các chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) để phòng bệnh; đặc biệt đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai thực hiện các biện pháp tránh bị muỗi đốt chủ động theo dõi sức khỏe, khám thai định kỳ, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ở quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị kịp thời, không nên tự ý đi xét nghiệm xác định khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế

Virus Zika tồn tại từ lâu, gần đây bùng phát mạnh mẽ nhất là khu vực châu Mỹ. Virus Zika bị cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ. Virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy bệnh còn lây qua quan hệ tình dục và đàn ông cũng có thể mắc bệnh.

Thái Bình
Ý kiến của bạn