Điều tra làm rõ nguồn lây ca nhiễm cúm A/H5 ở Khánh Hòa

22-03-2024 12:42 | Y tế
google news

SKĐS - Ngày 22/3, BS. Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, các đơn vị đang khẩn trương điều tra dịch tễ, tìm nguồn lây của bệnh nhân bị cúm A/H5 vừa được phát hiện.

Hiện nay, một số người tiếp xúc gần với bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính với cúm A/H5.

Trước đó, chiều ngày 20/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa nhận được thông tin bệnh nhân B.T.Đ. (nam, 21 tuổi, là sinh viện Trường Đại học Nha Trang) có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5.

Khai thác tiền sử được biết, ngày 11/3, bệnh nhân Đ. có triệu chứng sốt, ho, tự mua thuốc điều trị nhưng các triệu chứng không giảm. Thời điểm này bệnh nhân ở tại Ký túc xá Trường Đại học Nha Trang.

Ngày 15/3, bệnh nhân tới Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa khám, được chẩn đoán viêm họng, theo dõi sốt xuất huyết, được điều trị ngoại trú.

Đến ngày 16/3, bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu, BVĐK khu vực Ninh Hòa trong tình trạng sốt cao, đau bụng quanh rốn, đi ngoài được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết.

Ngày 17/3, bệnh diễn biến nặng chuyển vào BVĐK tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, bệnh nhân Đ. được chẩn đoán viêm phổi, nhiễm trùng tiểu.

Điều tra làm rõ nguồn lây ca nhiễm cúm A/H5 ở Khánh Hòa- Ảnh 1.

Bệnh nhân Đ. đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa đều điều trị tích cực.

Chiều 18/3, bệnh nhân khó thở, thở nhanh, SpO2 80%, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Khánh Hòa điều trị. Tại đây, bệnh nhân thở máy qua nội khí quản, huyết áp phụ thuộc vận mạch. Bệnh nhân được lấy dịch trong nội khí quản gửi đi xét nghiệm.

Đến chiều 20/3, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, bệnh nhân Đ. bị viêm phổi nặng do bị cúm A/H5. Hiện bệnh nhân Đ. đang được theo dõi đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa.

Kết quả điều tra dịch tễ đến thời điểm hiện nay cho thấy, bệnh nhân Đ. hàng ngày đi học tại Trường Đại học Nha Trang, sống và sinh hoạt tại ký túc xá Đại học Nha Trang. Ngày 9/3, bệnh nhân có về thăm nhà tại Ninh Hòa và không tiếp xúc với gia cầm chết hay bị bệnh, chưa ghi nhận tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh tương tự, xung quanh nơi bệnh nhân ở cũng chưa ghi nhận ca bệnh tương tự.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã cử nhân viên y tế đến tận nhà bệnh nhân hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh. Đồng thời, lập danh sách cán bộ y tế có tiếp xúc gần với bệnh nhân để theo dõi sức khỏe, thực hiện khử khuẩn các khu vực khám, điều trị, xe vận chuyển bệnh nhân.

Đến hết ngày 21/3, ngành y tế địa phương đã phối hợp với Trường Đại học Nha Trang lập danh sách 6 bạn cùng phòng, 60 sinh viên học cùng lớp với bệnh nhân để tiến hành theo dõi sức khỏe. Đồng thời, lấy 6 mẫu bệnh phẩm là bạn cùng phòng, có tiếp xúc gần liên tục với bệnh nhân tại Trường Đại học Nha Trang để xét nghiệm, kết quả đều âm tính với cúm A/H5.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cũng đã lấy nhiều mẫu bệnh phẩm trên đàn gia cầm (gà, vịt) tại hộ gia đình bệnh nhân và đàn vịt cách nhà bệnh nhân 50 m đưa đi xét nghiệm, hiện chưa có kết quả.

Điều tra làm rõ nguồn lây ca nhiễm cúm A/H5 ở Khánh Hòa- Ảnh 2.

Ngành y tế địa phương khuyến cáo người dân không ăn hay tiếp xúc với gia cầm chết, bị bệnh. (Ảnh minh họa).

"Đến trưa 22/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa vẫn đang tích cực phối hợp Trung tâm Y tế Ninh Hòa, Trung Tâm Y tế Nha Trang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa để tiến hành điều tra tìm nguồn lây bệnh cúm A/H5 cho bệnh nhân Đ. Bệnh cúm gia A/H5 thường lây ở động vật nhưng cũng có thể lây truyền đến con người. Người nhiễm cúm A/H5 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị bệnh.

Hiện, chúng tôi đã khuyến cáo sâu rộng đến người dân phải sử dụng thực phẩm sạch, tươi. Chăn nuôi thì phải tuân thủ tiêm phòng cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại. Khi vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh thì báo cho cơ quan chức năng, không nên giết thịt hay tiếp xúc" - BS. Tôn Thất Toàn nói.

Cần cảnh giác viêm phổi, suy hô hấp do cúm ACần cảnh giác viêm phổi, suy hô hấp do cúm A

SKĐS - Thông thường, người bị cúm A sẽ hồi phục sau vài ngày và khỏi bệnh sau một tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số người có thể gặp biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như viêm phổi, suy hô hấp.



Hà Đạo
Ý kiến của bạn