Hà Nội

Điều tra lại nguồn gốc của virus gây bệnh COVID-19

28-05-2021 16:29 | Quốc tế
google news

SKĐS - Các quan chức tình báo Mỹ cho rằng có hai giả thuyết về nguồn gốc COVID-19, gồm tiếp xúc giữa người với động vật nhiễm bệnh và rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh xem xét thông tin tình báo chặt chẽ hơn trước 2 giả thiết  trên. Từ đầu năm nay, Người đứng đầu nước Mỹ đã yêu cầu lực lượng tình báo điều tra về nguồn gốc của đại dịch khiến hàng trăm triệu người mắc bệnh, hàng triệu người trên thế giới tử vong.

"Cộng đồng tình báo Mỹ không biết chính xác nơi nào, khi nào hoặc bằng cách nào virus gây bệnh COVID-19 lan truyền đầu tiên, nhưng đã tổng hợp thành hai kịch bản có thể xảy ra", Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) thông tin vào ngày  27/5, đồng thời  nói thêm rằng hiện chưa "đủ thông tin để đánh giá kịch bản nào có nhiều khả năng hơn".

Theo thông báo của ODNI, 2 trong số 17 cơ quan cấu thành cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng virus có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh, còn cơ quan thứ ba tin rằng đại dịch bắt nguồn từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, ODNI cho biết, trong cả hai giả thuyết, các cơ quan trên đã dựa vào cách giải thích này hay cách giải thích khác với "độ tin cậy thấp hoặc trung bình" .

Trong khi đó, nguồn tin quen thuộc với cộng đồng tình báo cho biết, cả Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng hiện đều không ủng hộ hai cách giải thích về nguồn gốc của virus. Theo nguồn tin, hai cơ quan tình báo này nằm trong số phần lớn các cơ quan Mỹ tin rằng thông tin hiện tại không đủ để xác định kịch bản nào có khả năng hơn.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/5, Phái bộ của Mỹ tại Liên Hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ) đã hối thúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai giai đoạn 2 của cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

“Chúng tôi kêu gọi tiến hành nghiên cứu giai đoạn 2 của cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 kịp thời, minh bạch, dựa trên bằng chứng và do chuyên gia hướng dẫn, bao gồm cả ở Trung Quốc. Điều quan trọng là Trung Quốc cung cấp cho các chuyên gia độc lập quyền tiếp cận toàn diện với dữ liệu và các mẫu bệnh phẩm đầy đủ, nguyên bản liên quan đến công tác tìm hiểu về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và những giai đoạn ban đầu của đại dịch COVID-19” - tuyên bố của phái bộ trên nêu rõ.

Viện nghiên cứu Vũ Hán - nơi được cho rằng virus đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm 

Mỹ đã nhiều lần yêu cầu tiến hành cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 lần thứ hai. Trước đó, ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận, cộng đồng tình báo Mỹ đang bị chia rẽ với 2 giả thuyết về nguồn gốc của đại dịch. Tổng thống Biden khẳng định:  "Hiện tôi đã yêu cầu cộng đồng tình báo tăng gấp đôi nỗ lực của họ để thu thập và phân tích thông tin có thể đưa chúng tôi đến gần hơn một kết luận cuối cùng và báo cáo lại cho tôi sau 90 ngày”.

Phó thư ký báo chí của Nhà Trắng, Karine Jean-Pierre cho biết, Mỹ sẽ không cam kết công bố công khai những phát hiện trong báo cáo tới đây.

Giả thuyết virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Trung Quốc được Mỹ khơi lại

Giả thuyết  về việc  virus có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc ngày càng nhận được nhiều sự chú ý trong vài tháng trở lại đây.  Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Tiến sĩ Rochelle Walensky từng nói rằng, rò rỉ trong phòng thí nghiệm “chắc chắn” là “một khả năng”.

Đáp lại những động thái trên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ  cho rằng “một số người đã chơi chiêu bài cũ là cường điệu chính trị về việc truy tìm nguồn gốc của COVID-19 trên thế giới”.

Tờ The Wall Street Journal đã trích dẫn một báo cáo tình báo chưa được tiết lộ rằng, 3 nhà nghiên cứu từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc đã bị bệnh với các triệu chứng giống COVID-19 hồi tháng 11/2019, ngay trước thời điểm trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 của Trung Quốc được báo cáo.

Hồi tháng 3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bác bỏ khả năng đại dịch COVID-19  bắt đầu từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm. WHO nói rằng khả năng này là  “cực kỳ khó xảy ra”.  Trong nghiên cứu chung của  WHO  và Trung Quốc về nguồn gốc của COVID-19 cho biết,  việc truyền virus từ dơi sang người thông qua một động vật trung gian là trường hợp có khả năng xảy ra cao nhất.

Thời điểm đó, việc công bố báo cáo của WHO về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19 đã  nhiều lần bị trì hoãn và làm dấy lên câu hỏi về việc liệu phía Trung Quốc có đang làm sai lệch kết luận, để tránh nhận cáo buộc Trung Quốc là nơi khởi nguồn của đại dịch.

Theo CNBC, những báo cáo đó đã bị chỉ trích nặng nề bởi các nhà khoa học. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng, các báo cáo của WHO  thiếu dữ liệu, thông tin và quyền truy cập quan trọng. “Nó thể hiện một phần của bức tranh và nó không hoàn chỉnh ”, bà Jen Psaki nói.

Trước cuộc điều tra trở lại lần này, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Andy Slavitt cho biết: “Chúng ta cần phải đi sâu vào vấn đề này, bất kể câu trả lời là gì. Chúng tôi cần một quy trình hoàn toàn minh bạch từ Trung Quốc, chúng tôi cần WHO hỗ trợ trong vấn đề đó.”


Trần Hải
Ý kiến của bạn