Thời gian vừa qua, hoạt động của tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia đều giảm để ưu tiên cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Với chương trình phòng chống bệnh phong, BS. Đinh Hữu Nghị - Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Da liễu TW cho biết: Các kế hoạch công tác giám sát hoạt động phòng chống bệnh phong, tập huấn cho nhân viên y tế, công tác tuyên truyền, việc triển khai khám, phát hiện bệnh nhân phong mới, khám điều tra dịch tễ bệnh nhân phong tại một số địa phương vẫn còn bệnh phong lưu hành hiện tạm dừng triển khai. Tuy nhiên, các hoạt động của Chương trình phòng chống bệnh phong vẫn đảm bảo duy trì các công việc cần thiết.
Tại tuyến Trung ương: Ban Chỉ đạo hoạt động phòng chống bệnh phong xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết cho năm 2020 về giám sát các tỉnh trọng điểm, điều tra dịch tễ tại các tỉnh mới xuất hiện bệnh nhân phong mới và tỉnh có tỷ lệ dịch tễ cao. Bệnh viện da liễu tuyến trên hỗ trợ các tỉnh, các chuyên nghành khác khi có yêu cầu của tuyến dưới hoặc của Bộ Y tế về chuyên môn trong chuyên nghành phong, da liễu qua các phần mềm họp trực tuyến của Bộ Y tế hoặc các ứng dụng như skype, zoom...
Ban Chỉ đạo hoạt động phòng chống bệnh phong họp để xây dựng kế hoạch, mục tiêu cho các nhiệm vụ của chương trình phong giai đoạn 2021-2025. Đây là 1 việc hết sức quan trọng nhằm đảm bảo cho hoạt động phòng chống phong quốc gia được tiếp tục triển khai trong những năm tới, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân phong, đặc biệt là hàng nghìn người có tàn tật và di chứng do bệnh phong - những người đã và đang rất cần sự quan tâm của ngành y tế và toàn xã hội.
Tại tuyến tỉnh, huyện, xã: Lồng ghép các hoạt động phòng chống phong cùng các chương trình khác và công tác chống dịch. Bệnh nhân phong đang điều trị vẫn được phát thuốc đầy đủ và đúng thời gian, bệnh nhân phong tàn tật vẫn được hướng dẫn chăm sóc và kiểm soát về tàn tật qua điện thoại.
Lãnh đạo BV Da liễu TW thăm hỏi bệnh nhân phong tại Hà Nam.
Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động phát hiện bệnh
Cũng theo BS. Đinh Hữu Nghị, năm 2020, BV Da liễu TW và các tuyến cơ sở sẽ phối hợp để tiến hành điều tra dịch tễ dự kiến ở 4 tỉnh Sơn La, Hà Giang, Đắk Nông và Bình Thuận. Đây là các tỉnh trong 3 năm vừa qua đều phát hiện có bệnh nhân phong mới, đồng thời đây là các tỉnh chưa đạt tiêu chuẩn loại trừ phong tuyến huyện và đang có kế hoạch tiến hành công tác này trong năm 2021.
Ngoài ra công tác giám sát hoạt động phòng chống phong tại các địa phương cũng phải được tiến hành song song với những nơi vẫn còn tỉ lệ dịch tễ bệnh phong cao. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng về bệnh phong để người dân có thể chủ động tự phát hiện và đến khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu.
Bên cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu của chương trình được thực hiện có hiệu quả, Ban chỉ đạo hoạt động phòng chống bệnh phong gửi công văn cho các địa phương yêu cầu đẩy mạnh việc loại trừ phong tuyến huyện theo mục tiêu trong Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng kêu gọi nguồn lực đối ứng của các địa phương cho hoạt động phòng chống phong, đặc biệt là công tác loại trừ phong tuyến huyện theo các Quy định tiêu chí và hướng dẫn kiểm tra, công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh và cấp huyện của Thông tư số 17/2013/TT-BYT của Bộ Y tế.
Dự kiến, tháng 7/2020 sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 2016-2020. Tại Hội nghị, Bệnh viện Da liễu TW và các Bệnh viện Da liễu TW khu vực sẽ báo cáo kết quả hoạt động phòng chống phong của Việt Nam trong giai đoạn qua, đồng thời nêu ra những thách thức và chiến lược của công tác này. Phương hướng, kế hoạch và nhiệm vụ của giai đoạn 5 năm tiếp theo sẽ được BV Da liễu TW trình bày và đưa ra thảo luận tại Hội nghị.
Giai đoạn 2021-2025, Ban Chủ nhiệm chương trình hoạt động phòng chống bệnh phong sẽ đưa ra kế hoạch tập trung chủ yếu vào các hoạt động chăm sóc, phòng chống tàn tật và tuyên truyền giáo dục nhằm giảm kỳ thị đối với bệnh nhân phong, ngoài ra vẫn duy trì các hoạt động khám phát hiện bệnh nhân phong mới, tăng số lượng các huyện loại trừ bệnh phong và duy trì các kết quả hoạt động phòng chống phong đã đạt được trong giai đoạn trước.
“Đây là mấu chốt vô cùng quan trọng để tiến tới thanh toán bệnh phong trong cả nước – dù công tác này còn cần rất nhiều năm nữa vì bệnh phong ủ bệnh rất dài, có thể từ 10–20 năm, thậm chí 30-40 năm”- BS. Nghị nói.