Hà Nội

Điều nên biết khi dùng viên thuốc dạng sủi

27-06-2019 17:30 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trên thị trường, viên sủi là một trong các dạng thuốc hay được người bệnh mua dùng, bởi nó chứa một số hoạt chất không phải kê đơn như paracetamol (hạ nhiệt, giảm đau), vitamin, khoáng chất...

Tuy nhiên, người dùng cần thận trọng bởi dạng thuốc này không phù hợp với tất cả mọi người.

Thuốc dùng chữa các chứng bệnh thông thường nên dễ bị lạm dụng

Đối với sản phẩm viên sủi chứa paracetamol (hay acetaminophen) dùng để hạ nhiệt trong các trường hợp sốt trên 38,5 độ C và giảm đau (từ nhẹ đến trung bình). Sốt và đau là những triệu chứng rất thường gặp trong các chứng bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm, viêm đường hô hấp... Một số sản phẩm còn chứa paracetamol kết hợp với codein để tăng hiệu quả giảm đau.

Sản phẩm viên sủi chứa các vitamin và khoáng chất cũng hay được người dân tự ý mua dùng để “bồi bổ” sức khỏe, bổ sung canxi phòng ngừa loãng xương...

Cần pha viên sủi tan hoàn toàn trong nước rồi mới uống.

Cần pha viên sủi tan hoàn toàn trong nước rồi mới uống.

Lợi thế của viên sủi

Đây là một dạng bào chế dùng đường uống, nhằm giúp cơ thể hấp thu thuốc nhanh hơn vào máu (so với các dạng viên nén, bao phim...), vì thuốc đã được hòa tan trước khi uống (các viên nén phải uống vào cơ thể rồi mới rã và tan ra). Vì thế, dạng thuốc viên sủi được xem là tăng nhanh độ hấp thu kể cả tác dụng của thuốc.

Thuốc viên sủi cũng giúp tăng sự hấp dẫn và dễ chịu khi uống (có những mùi vị khác nhau, đặc biệt hấp dẫn trẻ em).

Thích hợp cho những trường hợp khó nuốt như trẻ nhỏ, người cao tuổi (những đối tượng này có thể khó nuốt các loại thuốc dạng viên nên uống dung dịch tạo từ viên sủi sẽ dễ hơn là viên nén).

Dễ sử dụng, chỉ cần có nước đun sôi để nguội là hòa tan viên thuốc ra để uống.

Những lưu ý khi dùng

Về cách dùng: Nhiều người khi mua thuốc dạng viên sủi không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đã uống như viên thuốc thường, nuốt trực tiếp với nước. Đây là cách uống sai, đôi khi nguy hiểm. Cách dùng đúng là: Dùng cả viên thuốc (đã được chia liều thích hợp) hòa tan hoàn toàn trong một cốc nước đun sôi để nguội (chú ý, phải đợi cho viên thuốc tan hết) rồi mới uống. Không bao giờ được bẻ nhỏ viên sủi hoặc bỏ nguyên viên vào miệng uống trực tiếp như uống các thuốc thông thường khác. Tránh uống các sản phẩm chứa canxi, vitamin C vào cuối ngày (do thuốc có tác dụng kích thích nhẹ gây khó ngủ).

Bảo quản đúng cách: Trong quá trình uống thuốc, cần chú ý tới khâu bảo quản tránh viên thuốc tiếp xúc trực tiếp với không khí bằng cách: đậy nắp thật kín và tránh ẩm (vì nếu thuốc tiếp xúc với không khí lâu sẽ bị hút ẩm và làm mất tác dụng sủi bọt của viên thuốc - dạng thuốc). Chỉ sử dụng thuốc sủi khi còn nguyên vẹn viên sủi, thuốc bị ẩm cần phải vứt bỏ.

Chú ý đến bất lợi của thuốc: Một số bất lợi có thể xảy ra khi uống thuốc dạng viên sủi như cảm giác ậm ạch do có nhiều hơi trong bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.

Không lạm dụng thuốc: Các sản phẩm viên sủi chứa các vitamin (multivitamin, vitamin C) và khoáng chất (canxi) hay được lạm dụng nhất, vì người dùng coi đây là các sản phẩm “thuốc bổ” nên không gây hại. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây tình trạng thừa vitamin. Ví dụ, thừa vitamin C sẽ gây tiêu chảy, sỏi thận... Thừa canxi sẽ gây sỏi thận, tăng canxi máu, táo bón, buồn nôn, ăn không ngon, đau xương. Trẻ em có thể bị lùn do thừa canxi... Đối với thuốc viên sủi chứa chất hạ sốt, giảm đau paracetamol, cần dùng đúng liều chỉ định của bác sĩ hay khuyến cáo của nhà sản xuất, cách 4-6 giờ mới được dùng lại. Tránh sử dụng quá liều sẽ gây hại cho gan...

Một số đối tượng không nên dùng và/hoặc không được dùng: Bất cứ thuốc sủi nào cũng chứa tá dược rã sinh khí bao gồm chất kiềm (chứa muối natri) và acid hữu cơ. Khi bỏ viên sủi vào nước sẽ xảy ra phản ứng giữa chất kiềm và acid (phản ứng hoá học) tạo ra khí CO2 gây sủi bọt làm tan rã viên tạo thành dung dịch thuốc. Như vậy, bất cứ thuốc sủi nào cũng chứa natri (muối) nên một số người bắt buộc phải ăn kiêng muối, không được ăn mặn thì không được dùng dạng thuốc này. Đó là:

Bệnh tăng huyết áp: Đối với người bệnh tăng huyết áp đang uống thuốc thường xuyên không được uống thuốc viên sủi hạ sốt, giảm đau hay bổ sung vitamin. Nguyên nhân do dạng viên sủi sau khi cho vào nước sẽ tạo ra thành phần là muối ăn sẽ gây tăng huyết áp đối với người có sẵn bệnh lý này.

Người suy thận: Người bị suy thận thường phải ăn nhạt hơn bình thường, khi bị phù còn phải ăn nhạt hoàn toàn, nên lượng muối được tạo ra khi uống thuốc sủi sẽ khiến bệnh nặng thêm.

Những người bị sỏi thận, bị canxi cao trong máu, nước tiểu có nhiều cặn sỏi... không nên dùng viên sủi chứa canxi.


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn