Điều mẹ bầu nên làm khi phát hiện 'tràng hoa quấn cổ' em bé

29-06-2023 08:23 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Tình trạng tràng hoa quấn cổ (dây rốn quấn cổ) em bé trong bụng mẹ thường không gây ra biến chứng khi sinh. Tuy nhiên, có một số trường hợp dây rốn quấn cố có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

1. Thai nhi 40 tuần bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng được đỡ đẻ an toàn

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam vừa đỡ đẻ thành công cho sản phụ sinh em bé bị dây rốn quấn cổ 4 vòng bằng phương pháp sinh thường. Sản phụ P.T.T., (40 tuổi, trú tại Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) mang thai lần 3 vào viện trong tình trạng thai 40 tuần, chuyển dạ, ngôi đầu.

Khi vào viện, cả sản phụ và người nhà đều xin phẫu thuật vì trước đó qua khám thai và siêu âm 3 tháng cuối, phát hiện em bé bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng. Tuy nhiên, qua đánh giá một cách toàn diện và tiên lượng cuộc sinh, các bác sĩ trong phiên trực nhận thấy có thể theo dõi sinh thường nên đã tư vấn cho sản phụ và người nhà yên tâm cùng hợp tác.

Sau gần 3 giờ theo dõi chặt chẽ, kiểm soát kỹ lưỡng tiến trình chuyển dạ, sản phụ đã sinh thường 1 bé trai, nặng 2,9kg, dây rốn quấn cổ 4 vòng.

2. Dây rốn là gì?

Dây rốn quấn cổ có nguy hiểm không? - Ảnh 2.

Đa số trường hợp dây rốn quấn cổ không gây ra biến chứng cho thai nhi, nhưng vẫn có một số trường hợp nguy cơ biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Dây rốn là sợi dây liên kết giữa mẹ và thai nhi. Dây rốn dài từ 50-60cm, có hình ống mềm mại, chứa các mạch máu cần thiết để cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Dây kết nối từ nhau thai (một cơ quan hình thành trong tử cung khi mang thai) đến bụng của thai nhi.

Sau khi sinh, dây rốn bị cắt và mảnh mô còn lại trên người em bé sau một thời gian ngắn sẽ khô lại rồi rụng cuống rốn. Nếu dây rốn của thai nhi có bất thường là vấn đề đáng lo ngại, nguy hiểm cho cả mẹ và bé, đặc biệt thai nhi có khả năng bị thiếu oxy dẫn đến suy thai, tử vong.

3. Nguyên nhân dây rốn quấn cổ

Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cứ 4 ca sinh thì có 1 ca dây rốn quấn cổ. Nguyên nhân chính của dây rốn quấn cổ là do chuyển động quá mức của thai nhi ở những tháng đầu thai kỳ.

Dây rốn dài hơn bình thường, nhiều nước ối, đa thai (sinh đôi, sinh ba…) thì có thể làm tăng nguy cơ dây rốn quấn cổ.

Dây rốn có thể quấn quanh cổ một hoặc nhiều vòng. Nếu dây rốn quấn ba vòng trở lên thì nguy cơ thai lưu tăng lên. Tuy nhiên, có những trường hợp không bắt buộc phải mổ lấy thai mà mẹ bầu vẫn có thể sinh thường dưới sự thăm khám và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ sản khoa.

4. Các biến chứng của dây rốn quấn cổ

Mặc dù phần lớn dây rốn quấn cổ không gây ra biến chứng nào cho thai nhi, nhưng vẫn có một số trường hợp nguy cơ biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, cụ thể như:

  • Giảm lưu lượng máu đến thai nhi, điều này có thể dẫn đến lượng máu, nồng độ oxy của thai nhi thấp;
  • Hạn chế tăng trưởng trong tử cung (IUGR). Chất dinh dưỡng giảm làm thai nhi kém phát triển;
  • Ép dây rốn khi sinh ngả âm đạo. Chặn dòng máu và oxy đến thai nhi;
  • Dây rốn thắt nút: Điều này có thể chặn hoàn toàn bất kỳ lưu lượng máu nào đến thai nhi, làm tăng nguy cơ tử vong ở thai nhi;
  • Chậm phát triển: Chẳng hạn, bại não có thể do lượng máu và oxy thấp (thiếu oxy);
  • Thai chết lưu. Hạn chế kéo dài lượng máu và oxy có thể dẫn đến tử vong.

Thai nhi không hít thở không khí bên ngoài cho đến khi được sinh ra, vì vậy nguồn cung cấp oxy cho thai nhi đến từ máu của người mẹ chảy qua dây rốn đến thai nhi. Nếu dây bị thắt nút hoặc bị nén, lưu lượng máu sẽ bị hạn chế, làm giảm lượng máu, chất dinh dưỡng và oxy mà nó nhận được. Mức độ nén chặt của dây rốn sẽ xác định mức độ nguy hiểm gây ra cho thai nhi.

5. Chẩn đoán và điều trị dây rốn quấn cổ

Dây rốn quấn cổ có nguy hiểm không? - Ảnh 4.

Thai phụ cần đi khám thai định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để phát hiện những bất thường của sản phụ cũng như thai nhi.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, tình trạng của dây rốn có thể được chẩn đoán khi siêu âm tử cung, đây là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh cho thấy các mô và cấu trúc của thai nhi và tử cung. Tuy nhiên, dây rốn không phải lúc nào cũng được nhìn thấy trên hình ảnh siêu âm và có thể không rõ ràng cho đến khi sinh.

Không có phương pháp nào để ngăn ngừa hoặc điều trị dây rốn quấn cổ. Nếu nhìn thấy dây rốn quấn cổ qua siêu âm, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối hiện có và theo dõi chuyển động của thai nhi.

Dây rốn quấn cổ khá phổ biến, xảy ra ở khoảng 1 trong 4 ca sinh và không phải lúc nào cũng gây biến chứng cho thai nhi. Độ chặt của dây rốn sẽ quyết định lượng máu và lưu lượng oxy bị hạn chế đối với thai nhi. Nếu lưu lượng máu rốn bị tổn thương, có thể phải mổ lấy thai. Phần lớn các trường hợp dây rốn quấn cổ, mẹ bầu vẫn sinh thường mà không gặp biến chứng.

Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Thắng, việc theo dõi thai kỳ và quản lý thai ở các cơ sở y tế có chuyên khoa sản là rất cần thiết nhằm phát hiện những bất thường của sản phụ cũng như thai nhi, qua đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và có lời khuyên thích hợp.

Vì vậy, điều thai phụ nên làm là cần đi khám thai định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ và đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường. Trong quá trình chuyển dạ, nếu thai nhi bị dây rốn quấn cổ sẽ được bác sĩ tư vấn cũng như theo dõi cuộc sinh nhằm phát hiện sớm những bất thường để xử lý phù hợp. Vì vậy, sản phụ đừng quá lo lắng khi biết con mình bị dây rốn quấn cổ.

Những dấu hiệu mẹ bầu bị đa ối và cách xử trí giúp thai kỳ an toànNhững dấu hiệu mẹ bầu bị đa ối và cách xử trí giúp thai kỳ an toàn

SKĐS - Đa ối (nước ối nhiều) là một bất thường sản khoa gây khó chịu cho mẹ bầu và có khả năng đe dọa đến tính mạng của thai nhi. Mặc dù phần lớn các trường hợp đa ối thường nhẹ nhưng cũng có một số mẹ bầu có lượng nước ối quá nhiều, điều này gây nguy hiểm thế nào?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai.


Quang Nhân
Ý kiến của bạn