Hà Nội

Điều kỳ diệu từ một cuộc gặp định mệnh

06-01-2018 08:31 | Xã hội
google news

SKĐS - Cuộc gặp ấy thế rồi thành định mệnh đã kéo chàng trai mới ngoài hai mươi giã từ những câu vọng cổ miền Tiền Giang sông nước về là rể xứ Nghệ.

Cũng từ đó anh lao vào một cuộc chiến dai dẳng với bệnh ung thư tủy sống để giành sự sống cho vợ.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

“Em tưởng em đi từ năm ngoái rồi đó anh ạ. Nhưng rồi có lẽ bề trên chưa muốn em đi. Bệnh viện người ta tống em lên xe cứu thương cho thở bình ôxy trả về rồi. Vậy mà em vẫn sống. Có lẽ là vì anh ấy nữa. Anh ấy luôn khiến em muốn sống”.

Giọng của Nguyễn Thị Phương vẫn lanh lảnh. Trong căn nhà nhỏ ở xóm 9 xã Nghĩa Dũng, huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An), cô gái nằm đó trong tư thế ngửa mặt, phủ lên mình tấm chăn dày, đầu kê cao gối. Cô bảo đã nằm vậy suốt từ đầu năm 2016 đến nay. Cô không thể ngồi dậy, thậm chí là nằm nghiêng sang một bên. Cô chỉ có thể nằm ngửa tiếp chuyện khách đến thăm. Chiếc máy tính nhỏ luôn đặt trên người giúp cô tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Chị Phương trong dịp nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” của Hội Liên hiệp TNVN năm 2012.

Chị Phương trong dịp nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” của Hội Liên hiệp TNVN năm 2012.

Người đàn ông khiến Phương giữ được niềm lạc quan và “luôn muốn sống” là Trương Văn Chín. Anh chàng miền Tây về Nghệ An chăm sóc người yêu sau này là vợ. Suốt những năm qua anh đã cùng Phương đi hết từ bệnh viện này đến bệnh viện khác với hàng chục cuộc phẫu thuật. Đối với cô đó là một sự hy sinh. Còn dân làng thì gọi người đàn ông ấy là “thế gian chỉ có một”, là chuyện “cổ tích”.

Sinh ra khỏe mạnh, nhưng vào năm 1995, một ngày mùa hè khi vừa học xong lớp 9, cô bé 16 tuổi cảm thấy mệt mỏi rồi “không thể đứng vững trên đôi chân của mình nữa”. Bệnh viện địa phương khám ra bệnh thần kinh tọa. Năm sau, cha mẹ bán con bò nghé đưa Phương ra Bệnh viện Quân y 103 ở Hà Đông (Hà Nội) thăm khám. Các y bác sĩ phát hiện bệnh không chỉ là u tủy sống. Trong mạch máu từ đốt thứ 8 đến đốt thứ 10 tủy sống xuất hiện khối u chèn ép dây thần kinh khiến cơ thể tê liệt. Làm phẫu thuật rồi Phương được cho ra viện. Mấy năm sau cô vào miền Nam làm công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương.

Năm 2000 khi cô phải nhập viện điều trị chứng “giời leo” ở bệnh viện của Quân đoàn 4 thuộc tỉnh Bình Dương thì tình cờ gặp Trương Văn Chín. Cũng như Phương, anh phải nhập viện điều trị chứng “giời leo”. “Khi Phương khỏe được đôi chút ghé qua phòng bệnh hỏi các anh cần gì em mua giúp cho. Khi khỏe mình lại đi căng tin mua đồ ăn giúp. Thế rồi tình yêu nảy nở”. Anh Chín giờ đã là người đàn ông ngót 40 tuổi nhớ lại.

Mối tình đẹp của Phương và Chín nảy nở cũng khởi đầu cho những trái ngang. 6 tháng quen nhau, Phương bắt đầu đổ bệnh. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) chẩn đoán khối u tái phát. Trong lúc thất vọng nhất thì vận may chợt mỉm cười với đôi trẻ, khi xuất hiện một đoàn y bác sĩ người Pháp trong đó có một vị giáo sư tên là Rounot, chuyên gia về mạch máu tủy sống. Ông Rounot bảo có thể chọn cách bơm hóa chất làm tắc các động mạch từ đó giải phóng khối u và có thể đi lại được. Phương án này có tỷ lệ thành công thấp. Nếu bệnh nhân đồng ý thì ông ta sẽ thử. Trong tình cảnh như chiếc thuyền sắp chìm, Phương quyết định thử. Sau một số xét nguyện, một tháng sau, Phương bắt đầu điều trị bằng phương pháp của ông Rounot. 5 ngày sau ca mổ, cô có thể nhấc chân lên. Hai tuần sau thì ra viện và trở lại với công việc tại một xí nghiệp giày da.

“Cho anh ở lại chăm sóc em nha!”

Thế rồi một lần nữa, ông trời như trêu ngươi đôi trẻ. Tháng 10/2002, Phương một lần nữa đổ bệnh. Căn bệnh khiến cô gái 23 tuổi ngã quỵ. Lúc đó, anh Chín quyết định ra quân để dễ bề chăm sóc cho cô, dù trước đó từng có ý định gắn bó cuộc đời với binh nghiệp. Anh thường xuyên ở bên động viên tinh thần: “Anh không thể gánh nỗi đau cho em, nhưng anh muốn em có sức mạnh tinh thần. Niềm tin quan trọng lắm” - chàng trai thủ thỉ.

Cuối năm 2002, Giáo sư Rounot trở lại Việt Nam. Ông lại áp dụng phương pháp bơm hóa chất để điều trị khối u. Thế nhưng bấy giờ các mạch máu đã xuất hiện nhiều hơn và trở nên phức tạp. Biện pháp của Rounot không còn phát huy hiệu quả. Ông bảo sẽ cầm hồ sơ bệnh án về Pháp nghiên cứu tiếp. Nếu có phương pháp khác thì sẽ trở lại điều trị. Ông đi chỉ để lại một lời hẹn như thế. Không còn đủ chi phí chữa bệnh, Phương quyết định trở về quê nhà và sẵn sàng đón nhận cái chết. Cô lên xe về mà không cho người yêu biết.

“Phương đi rồi, mình nhận được lá thư. Cô viết:  Em không thể mang lại hạnh phúc cho anh. Anh ở lại hãy giữ gìn sức khỏe và tìm người con gái khác để chăm sóc ba mẹ. Lúc đó mình rất đau đớn. Gọi điện về phòng trọ thì nghe bảo em trai và mẹ đưa Phương về Nghệ An rồi”. Anh Chín tiếp tục dòng tự sự. Lúc đó chàng trai miền Tây thấy vô cùng hụt hẫng. Hai người đã có một quá trình yêu thương, cùng chiến đấu với bệnh tật. Anh không nỡ để Phương phải trở về quê chịu chết. Chín quyết định về Nghệ An tìm Phương. Anh lục lại những lá thư cũ và lần ra địa chỉ nhà Phương.

Sau một chuyến xe dài, cuối cùng anh cũng bước vào căn nhà Phương. Đứng bên cửa sổ nhìn ra là một người con gái. Chín chỉ còn nhận ra Phương qua nụ cười mà theo anh là không thể bóp méo được. Phương đã suy sụp hoàn toàn về sức khỏe. Cái chân đã teo tóp khẳng khiu. Một lần nữa Chín thấy sốc. “Không ngờ trong thời gian ngắn thôi mà em sa sút vậy” - Phương đáp: Không ngờ là anh ra tìm em. Vậy em chết cũng mãn nguyện rồi”. “Anh ở lại chăm sóc em luôn nha. Sức khỏe em vậy là không ổn rồi.” -  Chín đáp.

Sau 4 ngày Chín đến Nghệ An, một tin vui về một nguồn hy vọng mới bay đến. Từ Sài Gòn, người ta thông tin rằng, Giáo sư Rounot và phái đoàn của ông trở lại Việt Nam mang theo niềm kỳ vọng có thể chữa trị khối u cho Phương. Trong nhà còn một con trâu với con bò đực. Cha Phương đem bán đi cả hai để có lộ phí đưa con trở lại Sài Gòn.

Hơn một tuần sau, Phương lại lên bàn mổ. Ca mổ kéo dài 8 giờ đồng hồ. Khi kíp thực hiện ca mổ trở ra, Chín nhận thấy gương mặt ông Rounot thật buồn. Họ bắt tay với nhưng y bác sĩ mà không biểu hiện chút gì gọi là hy vọng. Các y bác sĩ an ủi: “Ca mổ thành công rồi, nhưng sức khỏe Phương yếu nên phải mất thời gian lâu mới hồi phục”. Thời gian trôi qua đúng là rất lâu. Nửa năm sau, những người thực hiện ca mổ lại xuất hiện và thăm khám. Họ khuyên gia đình nên đưa Phương về để sống những ngày yên vui còn lại của cuộc đời. Căn bệnh này không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới người ta cũng chưa tìm ra phương pháp hữu hiệu.

Một trời thác lũ đổ xuống đầu cô gái xứ Nghệ. Vậy là không còn một chút hy vọng le lói. Phương đã khóc rất nhiều. Phương bảo với Chín, giờ thì anh đừng theo em về quê nữa nhé. Chín lại đáp: Anh không nỡ lòng đâu. Sức khỏe em yếu lắm rồi. Chắc không còn trụ được lâu. Thôi thì cứ để anh chăm sóc em được ngày nào hay ngày đó. Một lần nữa, Chín lại về Nghệ An cùng Phương. Từ ngày có sự săn sóc của người yêu, tinh thần Phương luôn lạc quan và sức khỏe dần hồi phục. Dù không thể khỏe mạnh lại như xưa nhưng thần chết từ đó không mang cô đi được nữa. Đối với cô và gia đình, đó thực sự là cổ tích kỳ diệu. Từ đó, Phương bắt đầu tập viết lách. Những bài thơ mộc mạc, chân chất, những câu chuyện đôi khi chỉ là cảm nhận của cô về cuộc sống, về gia đình được viết ra đều đặn. Cô đã trải qua nhiều năm bình yên như thế.

Chị Nguyễn Thị Phương trong buổi ra mắt cuốn sách thứ 3 tại Tân Kỳ, Nghệ An.

Chị Nguyễn Thị Phương trong buổi ra mắt cuốn sách thứ 3 tại Tân Kỳ, Nghệ An.

“Hành trình kỳ diệu”

Trong thời gian đó, báo chí bắt đầu biết đến câu chuyện của Phương và Chín. Trong đó một bài trên báo Thanh Niên đã tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đời của đôi trẻ. Bài báo đến tay Lương y, tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai. Ông rất cảm động về câu chuyện tình cảm của hai người và quyết định đưa Phương ra Hà Nội để chữa trị miễn phí. Chín cũng được bố trí chân bảo vệ tại bệnh viện để tiện chăm sóc người yêu.

Chín nhớ rõ đó là vào tháng 9/2006, anh đưa Phương ra Hà Nội. Nhờ sự chữa trị của các phương thuốc Đông y, Phương đã tăng từ 26 lên 32kg. Cũng trong thời gian này, một điều được cho là kỳ lạ đã xảy ra. Phương có dấu hiệu mang thai. Sau một lần siêu âm, bác sĩ gọi Chín ra nói riêng: “Hình như có một phôi thai đang hình thành”. Chính vị bác sĩ cũng không dám tin vì trường hợp bệnh của Phương gần như không thể mang thai được và các cơ từ bụng trở xuống đã teo cả rồi. Tiểu tiện, đại tiện đều cần sự giúp đỡ của người thân. Để khẳng định chắc chắn hơn, Chín phải nhờ đến que thử thai. Sau đó, qua bắt mạch, tiến sĩ Đông y Nguyễn Hữu Khai - người đã cưu mang gia đình Phương cũng bảo rằng: Qua mạch tượng thì đó là một bé trai.

Một cuộc họp được lương y Khai tổ chức có sự tham gia của các chuyên gia về khoa sản. Họ đều đồng ý rằng một cô gái bệnh nặng như Phương mang thai được là một điều kỳ lạ. Nhưng giữ cái thai lại thì sự nguy hại đến tính mạng của mẹ và con. Sau khi hỏi ý kiến Phương, cô quyết định giữ bào thai lại: “Em có thể sinh cho anh một đứa con rồi chết cũng được”. Các bác sĩ kê toa thuốc an thai cho Phương. Đến tháng thứ 8 của thai kỳ, ông Khai thuê hẳn một phòng tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây. Cho đến một buổi sáng đầu năm 2008, Phương có dấu hiệu chuyển dạ, các bác sĩ đang chuẩn bị thực hiện ca mổ thì cháu bé ló đầu ra. Các y tá đã can thiệp giúp Phương đẻ thường. Đó là ngày 16/3/2008, một ngày đáng nhớ nhất trong cuộc sống gia đình của Phương và Chín.

Sau đó ít lâu, đám cưới của Phương và Chín được tổ chức vào năm 2010. Năm sau khi sức khỏe Phương ổn định hơn, Chín chuyển gia đình về quê vợ sinh sống. Năm 2012, câu chuyện của đôi bạn này được Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”. Cũng năm đó, những sáng tác của Phương được in trong tựa sách “Vầng trăng khuyết”. Đó là 100 bài thơ được chọn trong số hơn 200 bài cô sáng tác trên giường bệnh suốt nhiều năm liền. Cùng năm, cô in tự truyện “Cổ tích tình yêu”. Tháng 10/2017, NXB Nghệ An xuất bản “Hành trình kỳ diệu”, tự truyện thứ 2 của Phương.

Bây giờ cháu Trương Bảo Phúc, điều kỳ diệu nhất của đôi vợ chồng đã cùng nhau trải qua một cuộc chiến dai dẳng suốt nhiều năm qua đã vào lớp 4. Từ đầu năm 2016, Phương lại đổ bệnh. Thế nhưng nghị lực sống và tinh thần lạc quan vẫn đang giúp cô chống chọi kiên cường, không gục ngã trước tử thần.


Hữu Vi
Ý kiến của bạn