Nhiều em nhỏ bị bỏ rơi thành giáo viên, y tá…
Thấu hiểu tận cùng nỗi thiệt thòi, mất mát, nghịch cảnh của nhiều đứa trẻ người dân tộc thiểu số trên mảnh đất Tây Nguyên mênh mông bị bỏ rơi, bị hắt hủi, suýt bị chôn theo mẹ bởi hủ tục cũ, mái ấm Vinh Sơn 1 và 2 đã đưa chúng về nuôi dưỡng.
Cả hai mái ấm đều được thành lập từ nhiều chục năm trước do những nữ tu (Sơ) của dòng Ảnh Phép Lạ (thuộc giáo phận Kon Tum) quản lý, chăm sóc, trị bệnh cho những đứa trẻ thiệt thòi.
Nhớ những ngày đầu mới hình thành mái ấm Vinh Sơn 1, nhiều Sơ tại đây chia sẻ: Mái ấm đi vào hoạt động từ hơn 40 năm trước. Khi đó, trong điều kiện khó khăn chung, mái ấm chỉ là những căn nhà được ghép lại từ những tấm ván đơn giản. Khi số trẻ tăng lên thì vừa chăm sóc, các Sơ cùng một số người giúp việc của nhà thờ cùng cơi nới thêm để làm không gian sinh sống cho các em.
Khó khăn bộn bề là vậy nhưng bước chân của các nữ tu vẫn không ngừng nghỉ trong hành trình gieo yêu thương, bác ái của mình. Đến với mái ấm, không chỉ có trẻ tật nguyền, bị bỏ rơi mà còn có một số em suýt bị chôn sống theo hủ tục chôn con theo mẹ xưa kia. Đến nay thì hủ tục ấy đã được xóa bỏ.
Một trong những Sơ đầu tiên đến mái ấm là Y Hnet. Sơ đến với mái ấm bằng khát vọng tạo ra mái nhà chung đầy ắp tiếng cười và tình thương yêu dành cho những thân phận bấy bớt, kém may mắn từ các buôn làng. Cứ thế, từ vài đứa trẻ đến nay, mái ấm Vinh Sơn 1 thường xuyên duy trì nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 200 trẻ mồ côi, tật nguyền.
Gắn bó và phụ trách mái ấm nhiều năm, Sơ Y Kham bộc bạch rằng, quan trọng nhất là khơi dậy tinh thần đoàn kết, đùm bọc cho các em. Dẫu không ruột thịt gì nhưng khi vào mái ấm, các em được các Sơ sớm truyền đạt cho tinh thần tương trợ lẫn nhau.
Tình yêu thương và việc nghĩa ở mái ấm Vinh Sơn 1 như ngọn gió lan xa. Nhiều người từ các buôn làng vùng sâu khi phát hiện có trẻ bị hắt hủi, bỏ rơi đều liên hệ với mái ấm hoặc trực tiếp đưa các em đến. Ví như A Long (ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum). Hơn chục năm trước, Long sinh ra thì mất mẹ, người thân không muốn giữ Long lại, chỉ muốn cho em "đi" theo mẹ nhưng em đã được một người trong làng đưa đến mái ấm. Em lớn lên khỏe mạnh, các Sơ đưa Long về thăm làng và khuyên nhủ mọi người dù khó khăn đến mấy cũng chăm chút trẻ, hãy bỏ hủ tục cũ.
Cũng như A Long, hàng loạt đứa trẻ có hoàn cảnh éo le khác cũng liên tục được người dân đưa về mái ấm từ thuở lọt lòng như: A Vát; Y Lệ…
Về với mái ấm Vinh Sơn 1, nhiều đứa trẻ không chỉ được nuôi dưỡng mà còn được "thắp" lên khát vọng cháy bỏng chinh phục tri thức. Nhiều em đã vươn lên thành thầy thuốc, kỹ sư, giáo viên, ca sĩ, nghệ nhân... Điển hình như các em mồ côi Y Thu, Y Lê, Y Vui, Y Dung, Y Mái, Y Vôn, Y Duyên… đã thành y tá, y sĩ. Các em A Huyên, A Nam, A Nương, Y Yoar, Y Luk, Y Den, Y Jem… trở thành giáo viên.
Đặc biệt, dù ở vị trí công việc nào, các em vẫn dành tình yêu đặc biệt cho mái ấm, nơi mình đã chập chững lớn lên và ăn học thành tài nhờ sự chăm chút của các nữ tu. Có em thì tiếp bước các Sơ bước vào con đường tu hành.
Cũng như một số em khác, trong ký ức của mình, Pi Yo Rông không nhớ rõ nơi mình sinh ra và cất tiếng khóc chào đời nhưng mỗi ngày lớn lên ở mái ấm Vinh Sơn 1 là một ngày hạnh phúc bởi em xem mái ấm là gia đình thực sự của mình.
Còn khi thành y tá, các em Y Von, Y Duyên… vẫn tranh thủ mọi khi rãnh rỗi để về thăm các em, các Sơ.
Yêu thương luôn nối dài...
Cũng như mái ấm Vinh Sơn 1, mái ấm Vinh Sơn 2 hiện cũng luôn duy trì nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng gần 200 trẻ bị bỏ rơi, tật nguyên là người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng...
Những ngày đầu thành lập, số trẻ chỉ khoảng trên 50 cháu nhưng do còn thiếu thốn nhiều thứ nên việc chăm sóc rất cơ cực. Nhiều em bị suy dinh dưỡng từ tấm bé lại gánh thêm nhiều bệnh như bệnh tim, hen suyễn, phổi… nên các Sơ phải đôn đáo ngược xuôi để lo đời sống cho các em.
Theo thời gian, số trẻ tăng lên, nhiều tấm lòng "thơm thảo" cũng tìm đến mái ấm. Người thì sẻ chia thực phẩm, người tặng chăn, chiếu, người tặng đồ dụng cụ học tập… nên các nữ tu bớt cơ cực hơn. Nhưng để có thể đảm bảo đời sống, ngoài học tập, các Sơ còn tổ chức lao động, sản xuất cho các em trên mảnh đất cách mái ấm không xa.
Các Sơ tại mái ấm Vinh Sơn 2 tâm tình: Có lẽ sức mạnh tinh thần lớn nhất mà các em cảm nhận được khi về cơ sở này chính là sự ấm áp yêu thương. Các em có tinh thần tự giác và bảo ban nhau rất cao. Các em lớn khỏe mạnh tự nguyện đi lao động như trồng rau, trồng mì (sắn)… vừa để đỡ đần các Sơ vừa có thêm nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.
Vừa hăng hái nhổ mì (sắn), em A Thành vừa thổ lộ rằng: "Chúng em đều xem các Sơ như cha mẹ của mình. Đôi khi còn tự biết phân công công việc cho nhau một cách hợp lý. Trong đại gia đình gần 200 người này chỉ cần một em đau ốm là ai cũng buồn lo theo. Các anh, chị lớn sẵn sàng thức trắng đêm chăm lo cho các em nhỏ hơn. Với những em bướng bỉnh thì những anh chị lớn tuổi hơn lại nhường nhịn và bảo ban ân cần".
Nhiều em lọt lòng đã sống trong mái ấm Vinh Sơn 2, không trải qua trường lớp nhưng lớn lên đã tự học thêm nhiều kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh để phụ giúp các Sơ khi cần thiết.
Không chỉ tham gia lao động, sản xuất mà các em mồ côi, tật nguyền sống trong mái ấm Vinh Sơn 2 cũng như Vinh Sơn 1 còn thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe. Tối đến hay ngày cuối tuần thì dạy nhau hát những ca khúc khơi dậy niềm tin cuộc sống. Đứa lớn kể cho đứa nhỏ nghe những câu chuyện về nghị lực sống mà các Sơ đã truyền đạt.
Có những chiều tà, khi mặt trời xuống núi, trong khuôn viên mái ấm Vinh Sơn 2, cả gần 200 "đứa con" quấn quýt bên các Sơ như gà con tíu tít theo mẹ. Từ đó, ai cũng trỗi dậy niềm tin lòng yêu thương luôn nối dài.
Mời độc giả xem thêm video:
8 ca phẫu thuật ghép cơ thể gây chấn động cả thế giới