Điều kỳ diệu từ lòng nhân ái!

29-05-2008 09:20 | Thời sự
google news

Các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM vừa phối hợp với các bác sĩ đến từ Bệnh viện Dijon - Pháp phẫu thuật cứu sống bệnh nhân Điểu Bôn, 22 tuổi người dân tộc Mnông ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đốp,

Nguyễn Huyền

Các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM vừa phối hợp với các bác sĩ đến từ Bệnh viện Dijon - Pháp phẫu thuật cứu sống bệnh nhân Điểu Bôn, 22 tuổi người dân tộc Mnông ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước bị bệnh tim rất nặng. Điểu Bôn là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được sử dụng ống ghép động mạch có xoang Valsalva gắn van tim nhân tạo thay van động mạch chủ và động mạch chủ lên. Sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã phục hồi nhanh chóng.

 Phình động mạch chủ gây hở van động mạch chủ.

Nỗi đau và sự tuyệt vọng

Cách đây 5 tháng, anh thường xuyên bị đau ngực, nhất là những lúc anh đi làm rẫy hay làm một việc gì nặng nhọc. Nhưng vì tham công tiếc việc nên anh đã không bỏ làm để đi khám bệnh. Chỉ đến khi do làm quá mệt anh bị ngất, gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu mới phát hiện anh đã bị bệnh tim rất nặng. Điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bình Phước được một thời gian, anh được chuyển lên một bệnh viện lớn tại TP.HCM. Sau khi khám và siêu âm tim, bác sĩ cho biết, anh bị bệnh tim rất nặng: hở van động mạch chủ do giãn động mạch chủ lên; suy tim độ III, suy gan, suy thận; hở van 3 lá 2/4, van 2 lá hở 3.5/4. Không thể phẫu thuật được, hoặc nếu phẫu thuật cũng phải cần một số tiền rất lớn gần 200 triệu đồng. Với gia đình anh, 2 triệu đồng còn khó thì làm sao kiếm được gần 200 triệu. Má anh khi biết được sự việc đã không thể chịu nổi và ngất xỉu. Còn ba anh – ông Điểu Meng thì nói trong nước mắt: “Điểu Bôn còn quá trẻ, nó chỉ mới 22 tuổi thôi. Nhà có 8 anh chị em, Bôn là con cả. Vì quá nghèo nên Bôn đã không đi học mà đi làm để kiếm tiền nuôi các em. Sao ông trời ác quá, lại bắt nó mang cái bệnh này. Giờ phải làm sao? Con tôi không thể chết được. Bác sĩ ơi cứu con tôi, tôi sẽ bán đất bán nhà để lo cho con!”

    Êkíp phẫu thuật gồm : BS. Olivier Boutchot, PGS. TS. BS. Đỗ Kim Quế, BS. Chung Giang Đông, BS. Nguyễn Anh Trung, BS. Trần Thanh Bình, BS. Trương Quang Anh Vũ. Êkíp chăm sóc hậu phẫu gồm: BS. Trương Quang Anh Vũ, BS. Lê Ngọc Anh Thy, BS. Phạm Thị Tố Nga, BS. Phạm Hùng.

“Thế là hết. Mình sẽ phải chết ở tuổi 22. Ai sẽ chăm lo cho ba má? Ai sẽ đi làm để kiếm tiền nuôi 7 đứa em?”, Bôn suy nghĩ trong sự đau đớn, tuyệt vọng. “Chưa bao giờ mình sợ hãi như vậy. Tại sao mình còn trẻ như vậy lại phải chết? Mình chết đi ai sẽ lo cho gia đình mình?”, anh cứ vật vã với những câu hỏi không lời đáp. Khi gia đình anh chuẩn bị đưa anh về trong sự tuyệt vọng và đau đớn đến tột cùng thì... “Một bác sĩ đến bảo, Bôn sẽ được chuyển sang Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM. Sang đó, Bôn sẽ được phẫu thuật bởi các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất và các bác sĩ đến từ nước Pháp. Bệnh viện sẽ hỗ trợ, giúp đỡ về chi phí phẫu thuật cho Bôn”, ông Điểu Meng kể lại. Không thể tả nổi sự vui mừng lúc đó. Nhưng rồi tất cả cũng tan nhanh, cả gia đình ông cứ hoài nghi: Biết là được phẫu thuật nhưng bệnh Bôn nặng như vậy thì làm sao sống được?

Đó không chỉ là sự băn khoăn của riêng Bôn và gia đình anh. Mà ngay chính TS. Trần Chí Liêm – Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất và tất cả các bác sĩ, chuyên gia của bệnh viện và cả đoàn bác sĩ đến từ nước Pháp cũng rất trăn trở. Sự sống và cái chết của bệnh nhân Điểu Bôn là quá mong manh. Cơ hội cứu sống anh là quá ít. “Khi các anh em trong bệnh viện trình bày với tôi về trường hợp của anh Bôn, tôi đã xuống gặp Bôn ngay. Trước đó, tôi cũng rất đắn đo: có nên phẫu thuật cho bệnh nhân hay không. Bởi thực sự cơ hội để anh bình phục là quá ít. Nhưng khi trực tiếp gặp anh, tôi đã quyết tâm bằng cách nào cũng phải phẫu thuật để cứu bệnh nhân dù đó chỉ là những hy vọng rất nhỏ nhoi. Bệnh nhân còn quá trẻ”, TS. Trần Chí Liêm cho biết. Một buổi hội chẩn gồm bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất, Chợ Rẫy, Viện Tim TP.HCM và Bệnh viện Dijon của Pháp đã được tổ chức khẩn cấp. Cuối cùng, quyết định mổ. Theo PGS.TS.BS. Đỗ Kim Quế - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, trưởng Khoa Ngoại điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Thống Nhất: “Cơ hội giành cho bệnh nhân Bôn có một và chỉ một. Nếu không bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ nữa. Vì bệnh anh quá nặng. Và chi phí phẫu thuật lại rất lớn. Hơn nữa, dụng cụ để thay van động mạch chủ và động mạch chủ lên ở Việt Nam lại chưa có. Rất may cho Bôn là đoàn bác sĩ đến từ Bệnh viện Dijon đã nhận giúp đỡ về kỹ thuật và dụng cụ cho anh. Vì sự sống của bệnh nhân, Ban giám đốc bệnh viện đã quyết định cho phẫu thuật”.

Khâu nối ghép mạch máu vào động mạch chủ ngực. 

Sự sống đến khi cận kề cái chết

8 giờ ngày 22/5, bệnh nhân Điểu Bôn được đưa vào phòng mổ và đến 16 giờ cùng ngày cuộc phẫu thuật kết thúc. Bệnh nhân đã được phẫu thuật thay van động mạch chủ và động mạch chủ lên với ống ghép động mạch có xoang Valsalva gắn van tim nhân tạo; tạo hình van 2 lá với vòng van Carpentier 30. Theo PGS. Đỗ Kim Quế, “đây là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được sử dụng ống ghép động mạch có xoang Valsalva gắn van tim nhân tạo. Hiện tại Việt Nam chưa có dụng cụ này. Đây là một dụng cụ rất đắt tiền, hơn 130 triệu đồng/ống. Khi tôi biết đoàn bác sĩ Bệnh viện Dijon cùng Hội Hồ Điệp sẽ đến Bệnh viện Thống Nhất, tôi đã liên hệ trình bày về trường hợp bệnh nhân Bôn và nhờ họ giúp đỡ. Đây là bệnh viện đã từng nhiều lần làm việc trao đổi với Bệnh viện Thống Nhất. Họ đã đồng ý giúp đỡ về kỹ thuật và dụng cụ phẫu thuật”. Không chỉ phức tạp trong vấn đề phẫu thuật mà hậu phẫu cũng được dự báo rất khó khăn. Do bệnh nhân bị suy tim kéo dài, suy thận, suy gan cũng tăng lên. Nhưng rồi, với sự chăm sóc đặc biệt của các y bác sĩ, chỉ sau 3 ngày phẫu thuật, Điểu Bôn đã bình phục nhanh chóng. Hiện anh đã ăn được hủ tiếu, nói chuyện bình thường. Gặp chúng tôi, anh sung sướng bày tỏ: Mình không thể tin nổi, chẳng biết nói gì nữa. Mình không thể tin là mình còn sống. Phép màu nào đã giúp mình được sống? Mình đã sống rồi. Ba má sinh ra mình lần đầu tiên, các bác sĩ sinh ra mình lần thứ 2, tình sâu nghĩa nặng lắm!”. Phép màu mà Điểu Bôn nói đó chính là những tiến bộ vượt bậc của ngành y. Và quan trọng hơn là quyết tâm “còn một chút hi vọng dù rất mong manh cũng phải làm để cứu sống bệnh nhân” của người thầy thuốc!”. Ngoài hành lang bệnh viện, ông Điểu Meng cứ nước mắt chảy dài. Chỉ có điều trước đây ông khóc vì nghĩ sắp phải mất con thì giờ đây ông khóc cho sự hạnh phúc, vui sướng. Con ông đã được sống!

Theo TS. Trần Chí Liêm, thành công này đã thể hiện sự hợp tác rất tốt giữa Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Dijon Pháp. Các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất sẽ học hỏi được rất nhiều về kỹ thuật mổ, chăm sóc hậu phẫu từ bác sĩ nước bạn. Rồi từ đây sẽ còn nhiều bệnh nhân nặng như Điểu Bôn được cứu sống.


Ý kiến của bạn
Tags: