Điều kỳ diệu của cuộc sống

17-04-2009 10:28 AM | Thời sự

Mình có cô bạn thân từ hồi học phổ thông, năm nay con gái của cô ấy thi đại học và nó chọn trường y. Từ khi biết quyết tâm của con gái, bạn mình cứ trăn trở, vừa mừng vừa lo. Mừng vì con gái đã chọn ngành nghề mà mẹ ước mơ từ thuở học trò mà không thành.

Mình có cô bạn thân từ hồi học phổ thông, năm nay con gái của cô ấy thi đại học và nó chọn trường y. Từ khi biết quyết tâm của con gái, bạn mình cứ trăn trở, vừa mừng vừa lo. Mừng vì con gái đã chọn ngành nghề mà mẹ ước mơ từ thuở học trò mà không thành. Nhưng lại lo cho con gái phải học hành vất vả, rồi khi ra trường đi làm cũng biết bao khó khăn. Cô ấy bảo: “Cứ trông cậu thì biết, tuần nào cũng phải trực ở bệnh viện. Rồi còn chồng con, biết có cảm thông!”. Một hôm, hai mẹ con cô ấy đến nhà mình chơi, cô sinh viên tương lai của trường y đột ngột hỏi: “Bác à, suốt mấy chục năm làm bác sĩ, có bao giờ bác cảm thấy ân hận vì đã chọn nghề này chưa?”.

- Ân hận ư? Chưa bao giờ! Bác luôn hạnh phúc với nghề mình lựa chọn, bởi những điều diệu kỳ của nó mà chỉ người trong nghề mới biết!

Câu trả lời của mình khiến cô bé rạng ngời và cả hai mẹ con không còn băn khoăn gì với chọn lựa của cô bé...

Với người thầy thuốc, cuộc sống trở nên đẹp kỳ diệu khi người bệnh chiến thắng được bệnh tật, hồi phục và ra viện. 

Đúng là nghề của mình có những sự kỳ diệu. Kỳ diệu khi mình và các đồng nghiệp đã xua tan đi nỗi mặc cảm bệnh tật của một người đàn ông suốt 30 năm không dám xa nhà chỉ vì trước đó đi khám được chẩn đoán bị bệnh suy tim chưa rõ nguyên nhân, thường xuyên phải đi cấp cứu vì khó thở. Nhưng khi đến với khoa của mình, anh đã có một chẩn đoán khác là có khối u quái chèn vào tim và phổi, đó chính là nguyên nhân khiến anh thường xuyên bị khó thở. Và với một ca phẫu thuật cắt bỏ u quái, người đàn ông đó đã có thể thỏa mãn ước mơ du học nước ngoài. Kỳ diệu khi một bệnh nhân tưởng chừng như phải cưa bỏ 2 chân do thuyên tắc động mạch vì bệnh đái tháo đường, toàn bộ 2 bàn chân bị hoại tử, thối rữa đến tận xương nhưng với sự tận tâm và kiên trì của các nhân viên y tế mà vết loét cứ nhỏ dần và bệnh nhân đã giữ lại được đôi chân. Kỳ diệu khi được chứng kiến tình cảm yêu thương của người chồng đối với người vợ khiến mình nghèn nghẹn mỗi khi nghĩ tới. Đó là một người đàn ông đã ngoài 60 tuổi, suốt hơn 4 tháng liền tận tụy không phút nào ngơi bên cạnh người vợ đã 2 lần rơi vào tình trạng hôn mê sâu do tai biến mạch não; 2 lần bà ấy bước chân đến cửa tử thần. Và như có phép lạ, bọn mình đã giành giật lại sự sống cho bà ấy, không những thế, bà ấy còn có thể nhận biết mọi thứ xung quanh và nói được dù rằng tiếng nói không được tròn và rõ. Đây là trường hợp hy hữu khi bệnh nhân đã suy thận, suy tim độ 3, tai biến mạch máu não mà còn có thể tỉnh lại được như vậy. Bọn mình bảo nhau, có lẽ có được phép lạ này cũng nhờ một phần vào sự tận tâm và tình yêu thương vợ của người chồng đã khiến thần chết không nỡ lòng mang bà ấy đi...

Nhưng không phải lúc nào cũng có những điều kỳ diệu như vậy. Cũng đôi khi mình cảm thấy bất lực. Bất lực trước căn bệnh hiểm ác mà y học chưa có phương thuốc hoặc biện pháp gì để cứu chữa; bất lực trước căn bệnh mình có thể cứu chữa được nhưng trong tay lại thiếu phương tiện hoặc kinh phí... Những điều đó khiến mình nhiều đêm thao thức đến mất ngủ, nhưng còn có thể tự an ủi và hy vọng rằng sẽ đến một ngày, một ngày không xa ngân sách dành cho y tế và giáo dục được lưu ý một cách đúng mức, bệnh viện, trường học được xây dựng và trang bị đầy đủ, dân trí cũng được nâng cao hơn và như vậy số người bệnh được cứu sống, sớm trở lại với cuộc sống và gia đình sẽ nhiều hơn.

Còn có những chuyện khiến mình cảm thấy buồn, đôi khi ức đến phát khóc. Ấy là trong khi thầy thuốc vật lộn tìm mọi cách để cứu chữa thì chính bệnh nhân lại coi thường tính mạng của họ. Có không ít bệnh nhân khi được điều trị bệnh ổn định, tưởng rằng thế là đã khỏi nên bỏ thuốc không điều trị tiếp... Thế rồi bệnh trở lại, rồi kháng thuốc dẫn đến việc điều trị bệnh trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Trong suốt mấy chục năm làm bác sĩ, mình nhớ nhất là có một bệnh nhân mắc bệnh viêm da cơ, do vệ sinh kém nên bị nhiễm trùng máu. Anh ta nhập viện muộn nên tình trạng như ngàn cân treo sợi tóc. Bị sùi van tim, 2 chân từ đùi trở xuống sưng nề và nhiều đám hoại tử rộng. Bệnh nhân phải truyền kháng sinh mạnh cùng với khâu vệ sinh đảm bảo tuyệt đối. Hằng ngày, y tá phải tỉ mẩn rửa ráy chân tay và loại bỏ dần các mẩu hoại tử cho bệnh nhân. Hơn một tháng qua đi, điều tuyệt vời đã đến. Bệnh nhân hồi phục và chuẩn bị ra viện trong niềm hân hoan của vợ con cùng thầy thuốc. Nhưng rồi, anh ta bất chấp lời dặn của thầy thuốc là phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nên cứ chân đất nghênh ngang đi khắp khoa này phòng kia, thậm chí còn trốn ra ngoài cổng viện uống rượu. Nguy cơ nhiễm trùng trở lại là khó tránh khỏi. Vậy đấy, bao nhiêu công sức của bọn mình rất có thể bị đổ xuống sông xuống biển...

Khi gặp những bệnh nhân như vậy, mình không khỏi chán nản và bực bội. Nhưng rồi nhìn những khuôn mặt lo âu, những ánh mắt khẩn khoản của người nhà bệnh nhân, nỗi bực bội trôi đi và mình lại lao vào công việc giành giật với tử thần từng sinh linh yếu ớt...

Và niềm hạnh phúc lớn hơn cả những điều kỳ diệu, khi mình đọc bài văn kể về bố mẹ của con gái út, năm nay học lớp 6. “... Sau hơn 20 năm vất vả làm việc, bố mẹ em cũng đã dành dụm được một khoản tiền để mở một phòng mạch nho nhỏ... Mở phòng mạch này, mục đích của bố mẹ em không hẳn chỉ để kiếm thêm tiền, mà lớn lao hơn – đó là dành thời gian ngoài giờ để tạo thêm được những điều kỳ diệu cho người bệnh...”.

Ôi chao, con gái mình đã lớn!

Thu Hà (ghi theo lời kể của BS. Đinh Thu Hương)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH