Diều không thể bay cao vì thiếu gió?

21-03-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lễ trao Giải thưởng Cánh diều năm 2014 của Hội Ðiện ảnh Việt Nam đã khép lại, không có nhiều bất ngờ.

Lễ trao Giải thưởng Cánh diều năm 2014 của Hội Ðiện ảnh Việt Nam đã khép lại, không có nhiều bất ngờ. Ðúng như dự đoán, hạng mục được mong chờ nhất của Giải thưởng Cánh diều 2014 là phim truyện điện ảnh đã không tìm được Quán quân. Không có Cánh diều vàng nào được trao, thay vào đó là 3 Cánh diều bạc cho Những đứa con của làng, Lạc giới và Hương ga. Nhìn chung thì Lễ trao giải Cánh diều năm nào cũng gây nên những tranh cãi.

Lễ trao giải thưởng Cánh diều năm 2014 không có nhiều bất ngờ.

Lễ trao giải thưởng Cánh diều năm 2014 không có nhiều bất ngờ.

So bó đũa, chọn cột cờ

Theo thống kê của Ban Tổ chức thì Cánh diều 2014 là năm có số lượng phim điện ảnh tham dự đông nhất từ trước đến nay (17 phim). Số lượng phim tăng về số lượng, song chất lượng lại không được như kỳ vọng. Đề tài phim phong phú từ lịch sử truyền thống đến các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân; thể loại phim đa dạng từ tâm lý, hài đến kinh dị, hành động... nhưng nhìn chung, phim chưa phản ánh được bộ mặt đời sống đương đại Việt Nam. Do dòng phim tư nhân, chủ yếu là phim thương mại lấn át (10/17 phim) nên một số phim bị đánh giá còn tùy tiện, dễ dãi, câu khách. Chủ nghĩa nhân văn, giá trị văn hóa dân tộc chưa được khai thác và thể hiện đậm nét trong tác phẩm. Đạo diễn Vinh Sơn - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, phim dự giải năm nay còn nặng về thương mại, phụ thuộc vào thị hiếu người xem nên câu chuyện cứ loay hoay hoặc khai thác đề tài bình dân.

Trong số 17 tác phẩm dự thi, có nhiều phim đã ra rạp như Để mai tính 2, Chàng trai năm ấy, Tốc độ và đường cong, Quả tim máu, Mất xác, Lạc giới, Hương ga, Scandals: Hào quang trở lại, Đoạt hồn, Hiệp sĩ mù… 2 phim được sản xuất bằng kinh phí Nhà nước là Thầu chín ở Xiêm (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam) và Sống cùng lịch sử (Hãng phim truyện Việt Nam); một bộ phim là Những đứa con của làng do hãng phim tư nhân sản xuất (Hồng Ngát Film) nhưng được Nhà nước đặt hàng. Từ trước khi lễ trao giải thưởng diễn ra, nhiều người đã nhận định, Cánh diều vàng 2014 sẽ rất khó tìm chủ nhân bởi không có ứng viên nào thực sự xuất sắc. Những bộ phim thương mại mặc dù đã ra rạp, mang lại doanh thu cao, ít nhiều được công chúng đón nhận thì lại chưa “xứng tầm” với giải thưởng danh giá. Trong khi đó, phim do Nhà nước sản xuất lại “nặng định hướng chính trị” nên “kén” người xem. Câu chuyện của Sống cùng lịch sử (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) ra mắt dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2014 là một ví dụ. Dù được đầu tư kinh phí lên đến 21 tỷ đồng nhưng bộ phim đã thất bại thảm hại khi ra rạp. Không tìm được phim hay nên Ban Tổ chức không trao Cánh diều vàng cũng là điều dễ hiểu.

Sự “hoang mang” của điện ảnh Việt

Một thực tế rất đáng bàn là khoảng cách giữa phim nghệ thuật và phim bình dân thương mại ở Việt Nam quá lớn. Có phim nghệ thuật được giải tại các Liên hoan phim quốc tế nhưng khi ra rạp lại ít khách, trong khi đó, phim thương mại lại hút khách. Bộ phim Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) là một ví dụ. Mặc dù đạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế, được báo chí nước ngoài đánh giá cao nhưng khi ra rạp Việt lại không có nhiều người quan tâm. Những bộ phim bị gắn mác “hài nhảm” khi ra rạp lại có doanh thu vài chục tỷ đồng. Đơn cử như phim Để mai tính 2 (hoặc Để Hội tính, đạo diễn Charlie Nguyễn), bộ phim bị báo giới chê “tơi tả” vì những màn gây cười “lố” và khiên cưỡng lại đang giữ kỷ lục phòng vé tại Việt Nam với hơn 100 tỷ đồng. Doanh thu của bộ phim này còn vượt tất cả các phim bom tấn quốc tế từng xuất hiện tại các cụm rạp ở nước ta. Sự nghịch lý giữa phim nghệ thuật và phim tư nhân khiến nhiều nhà làm phim cảm thấy phân vân không biết cái nào đúng, cái nào sai và nên phát triển sự nghiệp theo hướng nào.

Sự “hoang mang” của điện ảnh Việt là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta khó có được những tác phẩm điện ảnh tầm cỡ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của Cánh diều bởi xét cho cùng, chất lượng của giải thưởng phụ thuộc vào những tác phẩm tham gia tranh tài. Không có tác phẩm hay, xứng tầm thì chắc chắn cũng không có được một giải thưởng danh giá. Giải thưởng tôn vinh tác phẩm và giá trị của tác phẩm cũng góp phần tạo nên uy tín, chất lượng của giải thưởng.

Ðể cánh diều bay xa

Cánh diều là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam ra đời vào năm 2003 với mục đích tôn vinh những tác phẩm điện ảnh xuất sắc vào năm trước đó. Lễ trao giải Cánh diều 2014 đã khép lại, vội vàng, bình lặng như bao năm qua vẫn diễn ra như vậy. Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao Cánh diều vẫn chưa thực sự bay xa, xứng tầm giải thưởng lớn. “Sạn” trong khâu tổ chức, cơ cấu giải thưởng không rõ ràng, sự lên ngôi của những bộ phim “lạ”… trong những mùa trước đã khiến diễn viên và khán giả không còn mặn mà với Cánh diều.

Nhiều người cho rằng lễ trao giải Cánh diều luôn đi vào lối mòn, khô cứng, thiếu tính giải trí trong khi đó nó phải được coi là một chương trình nghệ thuật và hướng đến khán giả. Tôi cho rằng, ngoài việc chú trọng đến chất lượng phim tham gia tranh giải, Cánh diều cần có sự đổi mới trong khâu tổ chức và quảng bá trên các kênh thông tin. Trước khi trở thành một giải thưởng uy tín, Cánh diều phải tự mình trở thành một “điểm đến” uy tín.

Thiên Giang

 

 


Ý kiến của bạn