Bệnh nhân HIV được ghép tế bào gốc để điều trị ung thư máu đã khỏi bệnh HIV. Đây không phải là trường hợp đầu tiên trên thế giới khỏi bệnh HIV nhờ ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng sẽ nhiều rủi ro đối với những người nhiễm HIV không mắc ung thư nếu dùng liệu pháp ghép tế bào gốc.
Trường hợp mới nhất được chữa khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc trị ung thư máu
Một người đàn ông Đức 53 tuổi (được biết đến với tên gọi bệnh nhân Düsseldorf, nhiễm HIV từ năm 2008) là người thứ 3 khỏi HIV nhờ liệu pháp ghép tế bào gốc. Thông tin trên được đăng tải trên tạp chí y học Nature Medicine vào ngày 20/2.
Các bác sĩ đã cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu cho bệnh nhân Düsseldorf. Điều quan trọng là các bác sĩ đã sử dụng tế bào hiến với đột biến kháng HIV. Giờ đây, khoảng 4 năm sau khi ngừng dùng thuốc điều trị HIV, bệnh nhân không còn dấu hiệu dương tính với HIV.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tuyên bố có thêm 2 bệnh nhân khác đã được chữa khỏi HIV (nâng tổng số lên 5 bệnh nhân trên thế giới khỏi bệnh HIV). Tuy nhiên, theo AFP, các bài báo khoa học về những bệnh nhân này chưa được công bố, vì vậy, mà 2 ca này chưa được chính thức công nhận.
Sau khi chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào năm 2011, bệnh nhân Düsseldorf đã được điều trị bằng tế bào gốc vào năm 2013.
Phương pháp hóa trị đã được sử dụng để diệt các tế bào máu gốc trong tủy xương của người bệnh (bởi những tế bào gốc cũ này sản sinh ra các tế bào ung thư) và thay thế bằng các tế bào gốc hiến.
Do các tế bào hiến này có chứa đột biến kháng HIV nên bệnh nhân đã ngừng điều trị ARV vào năm 2018 và kể từ đó không còn nhiễm HIV.
Dù phương pháp này đã chữa khỏi HIV cho một vài bệnh nhân trên thế giới, nhưng liệu pháp ghép tế bào gốc không có tiềm năng trở thành phương pháp điều trị đại trà.
Theo chuyên gia Sara Reardon của Nature News, bản chất của phương pháp điều trị này mang tính rủi ro cao, người nhiễm HIV nhưng không bị bệnh máu trắng dường như không thể dùng liệu pháp này được.
Tuy nhiên, chữa khỏi HIV cho một vài bệnh nhân cũng giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cơ chế chữa khỏi HIV cho những người khác.
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Todd Ellerin tại South Shore Health, đây là bước tiến thúc đẩy khoa học và giúp chúng ta có thêm kiến thức về cách chữa khỏi HIV.
Có thể biến đổi gene tế bào gốc để chữa khỏi HIV?
Bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc là Timothy Ray Brown, còn được gọi là bệnh nhân Berlin. Sau khi được cấy ghép tủy xương vào năm 2007 và cho đến khi qua đời vào năm 2020, ông Brown đã không còn virus HIV và không cần phải điều trị ARV.
Sau đó, các nhà khoa học báo cáo rằng Adam Castillejo, bệnh nhân ở London, đã được chữa khỏi HIV bằng phương pháp điều trị tương tự vào năm 2019.
Tuy nhiên, BS. Sharon Lewin - Chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế (chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Melbourne, Australia) vẫn nhận định, cấy ghép tế bào gốc “không phải là một chiến lược hợp lý cho 38 triệu người sống chung với HIV.”
Ngày nay, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm xem liệu họ có thể biến đổi gene tế bào gốc của một người để có đột biến kháng HIV mà không cần cấy ghép từ người hiến tặng hay không. Theo Chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế, đã có “một số tiến bộ thực sự lớn” trong 5 năm qua có thể khiến cho phương pháp điều trị này “rất khả thi”.
Bjorn-Erik Ole Jensen, nhà virus học tại Đại học Düsseldorf ở Đức và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu được nhiều điều từ bệnh nhân này và từ những trường hợp chữa khỏi HIV tương tự. Nó đã mang lại những hiểu biết sâu sắc đồng thời gợi mở những tìm tòi mới giúp cho chiến lược điều trị HIV trở nên an toàn hơn".
Sau khi nhiễm HIV, bệnh nhân sống thêm bao lâu?
Vào năm 2021, có 38,4 triệu người trên thế giới sống chung với HIV. HIV vốn được biết tới là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Virus này tấn công hệ miễn dịch của cơ thể và làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể trước các bệnh như bệnh lao, nhiễm trùng nấm và một số bệnh ung thư.
Theo CDC Mỹ, hiện tại không có cách chữa khỏi HIV. Tuy nhiên, các liệu pháp kháng virus (ART, hay ARV) đã giúp cho HIV trở nên ít nguy hiểm hơn và dễ kiểm soát hơn.
Vào những năm 1980, tuổi thọ của một người sau khi nhiễm HIV được chẩn đoán là chỉ kéo dài thêm 1 năm, nhưng hiện nay, tuổi thọ của người nhiễm HIV gần như giống với người bình thường nếu tuân thủ các liệu pháp điều trị kháng virus.
Mời độc giả xem thêm video:
Lợi ích của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)