Những thành tựu đáng ghi nhận
Khởi điểm từ năm 2001 với ca ghép thận đầu tiên thành công đưa BV Trung ương Huế lần đầu tiên có tên trong bản đồ ghép tạng của Việt Nam. Đến nay, sau 22 năm, lĩnh vực ghép tạng của BV Trung ương Huế đã có nhiều phát triển vượt bậc.
Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã thực hiện thành công trên 1.300 ca ghép tạng; với nhiều kỹ thuật cao như ghép tim Bicaval, ghép gan cắt toàn bộ tĩnh mạch chủ dưới, đặc biệt có ghép thận 2, 3, 4 động mạch hoặc tĩnh mạch, ghép thận tự thân…
GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BV Trung ương Huế cho biết, để có được thành công trên là nhờ bệnh viện đã xây dựng được một hệ thống khám chữa bệnh hoàn chỉnh với cơ sở vật chất khang trang, máy móc, trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ nhân lực trình độ cao, được đào tạo chính quy và tu nghiệp tại các nước có nền khoa học tiên tiến, tiếp thu nhanh nhạy các kỹ thuật y học mới, tâm huyết với nghề.
Ngoài ra không thể không kể đến những nỗ lực vô cùng lớn lao của đội ngũ y, bác sĩ, sự phối hợp đồng bộ của nhiều trung tâm, khoa phòng với nhiều chuyên ngành trong toàn viện.
Chia sẻ về ca ghép tạng để lại nhiều kỷ niệm, dấu ấn đáng nhớ được thực hiện thành công tại bệnh viện, GS.TS Phạm Như Hiệp cho biết, đó là ca ghép tim xuyên Việt cho thanh niên 24 tuổi (quê ở Thừa Thiên Huế) vào những ngày đầu năm 2022.
GS.TS Phạm Như Hiệp nhớ lại, thời điểm ấy, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức, để có các chuyến bay đi lại giữa các địa phương rất khó khăn, do đó các kế hoạch điều phối tạng được các y bác sĩ thay đổi liên tục. Đó thực sự là một "cuộc chiến rất cân não" mà các thầy thuốc của Bệnh viện đã trải qua để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
"Hôm đó là tối ngày 2/1/2022, ngay sau khi nhận được tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo điều phối một trái tim cho bệnh nhân tại BV Trung ương Huế. Lúc này, bệnh viện đã cử một kíp bác sĩ ra TP Hà Nội phối hợp cùng với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để tiếp nhận tạng.
23h30 cùng ngày, các bác sĩ lập tức mang theo mẫu máu của bệnh nhân xuất phát đi Hà Nội, do không còn chuyến bay nào khởi hành, đây là lần đầu tiên trong hành trình nhận tạng, bệnh viện phải di chuyển bằng ô tô", GS. Hiệp kể.
Theo GS. Phạm Như Hiệp, từ khi người cho bắt đầu ngưng tim đến khi quả tim được đặt vào cơ thể của người nhận, chỉ cho phép tối đa 8 tiếng đồng hồ, nếu sau thời gian đó thì chức năng của quả tim sẽ giảm. Quãng đường gần 1.000km quả là một con số quá áp lực giữa bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các chuyến bay đến Huế và các địa phương lân cận đều hiếm hoi, ca điều phối liên tục phải thay đổi các phương án.
Chuyến bay mang số hiệu BL6077 dự kiến khởi hành lúc 13h25 ngày 3/1/2022 đã phải cáo lỗi cùng các hành khách bởi chuyến bay sẽ khởi hành chậm hơn dự kiến. Sau khi hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng lúc 15h40, cả đoàn lại "thần tốc" di chuyển ra Huế để kịp thời gian phẫu thuật; từng giây, từng phút lúc ấy quý giá hơn bất cứ điều gì.
Sau bao nhiêu nỗ lực chạy đua với khoảng cách và thời gian, đến 19h02 cùng ngày, ekip y, bác sĩ thở phào nhẹ nhõm và vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi quả tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận. Đó thật sự là một kỷ niệm mà ekip các y bác sĩ thực hiện ca ghép tim xuyên Việt không thể nào quên.
"Hiện tại, chàng trai may mắn được nhận món quà vô giá đó đã có thể bắt đầu viết tiếp ước mơ của cậu sinh viên năm nào dở dang trên giảng đường đại học khi mắc bệnh giãn cơ tim, với một "nhịp đập mới của thanh xuân"… Âu đó cũng chính là điều mà đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế mong muốn được nhìn thấy nhất sau hành trình với những thử thách, khó khăn vô vàn để tiếp nối sự sống", GS.TS Phạm Như Hiệp thông tin.
Thiếu nguồn mô tạng để thực hiện cấy ghép
Theo Giám đốc BV Trung ương Huế, hiện nay, đơn vị đủ tiềm lực về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đáp ứng cho việc thực hiện các kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất nhằm cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối của suy các tạng.
Tuy nhiên, cũng như thực trạng chung của ngành ghép tạng Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay của bệnh viện không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện được cấy ghép. Ở nhiều nước trên thế giới, khoảng 90% tạng ghép là từ nguồn hiến tặng sau khi chết não, ngưng tim nhưng ở nước ta nguồn tạng ghép vẫn chủ yếu từ người cho sống.
"Điều làm chúng tôi trăn trở nhất là khi hàng ngày chứng kiến những số phận không may bị bệnh tật, tai nạn giao thông… không thể qua khỏi, rất mong muốn trước khi về với cát bụi, một phần cơ thể họ có thể được tái sinh lần nữa trong những bệnh nhân bị suy tạng cần được ghép từ người hiến chết não. Thế nhưng, bởi quan niệm từ bao đời của người dân miền Trung nên các cuộc vận động hiến tạng đều gần như thất bại.
Mỗi lần, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo có ca chết não hiến tạng từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đưa tạng về Huế, quá trình nhận điều phối tạng thực sự là một cuộc chiến cam go về thời gian, không gian và nhân lực. Trải qua những lần như vậy, chúng tôi lại thêm đau đáu nỗi niềm làm sao có thể đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, vận động hiến tạng, trước hết là hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của hành động hiến tạng cứu người", GS.TS Phạm Như Hiệp bày tỏ.
Để giải quyết bài toán về nguồn tạng cũng như đáp ứng việc điều trị và ghép tạng của bệnh nhân, đầu năm 2023, BV Trung ương Huế đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ phát động đăng ký hiến tạng, với mong muốn cùng chung tay góp sức để lan tỏa mạnh mẽ những tấm lòng thiện nguyện, trao hy vọng cho những người bệnh đang đợi chờ ghép tạng từng ngày.
Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đào tạo tuyến dưới về các quy trình hiến tạng chết não, chẩn đoán chết não; các chỉ định ghép gan thận. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về ghép tạng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân ghép tạng ngày càng tốt hơn, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về hiến tạng để tăng số lượng người đăng ký hiến tạng nhằm hướng tới giá trị nhân văn tốt đẹp nhất.
Theo Giám đốc BV Trung ương Huế, hiện tại, các chuyên gia về ghép tạng của đơn vị cũng đang nhận nhiệm vụ góp ý, bổ sung, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật ghép tạng dưới sự chủ trì của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; bổ sung các chính sách về hiến, ghép tạng phù hợp với thực tiễn thực hiện, nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quá trình hiến và ghép tạng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết 7 ngày tới: Bắc Bộ trời không mưa, ngày hửng nắng, sáng và đêm trời rét