Nhận biết loại điều hòa lấy gió tươi và điều hòa đóng kín
Sau vụ việc thương tâm 3 bố con ngủ trong ô tô do nhà mất điện khiến 1 người tử vong ở Hải Phòng, trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều người khẳng định điều hòa ở ô tô có ô lấy khí tươi chứ không kín mít như điều hòa ở gia đình. Vì sao có cửa lấy khí tươi vẫn khiến người trong xe ngạt thở?
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Công nghệ nhiệt lạnh và Điều hòa không khí cho biết, đối với máy điều hòa đặt trong ô tô, đây là loại điều hòa có cửa lấy gió tươi vì nó cũng đơn giản như điều hòa cửa sổ. Nhưng cần phải hết sức lưu ý là khi chạy trên đường thì không sao, nhưng khi ô tô đứng im thì rất nguy hiểm vì khói thải chứa độc tố CO rất độc hại tích tụ xung quanh ô tô sẽ bị cửa gió tươi hút vào gây ngộ độc cho người. Như vậy nhất thiết không thể vì mất điện mà vào ô tô bật điều hòa để ngủ hay dừng đỗ một chỗ và nằm ngủ trong ô tô đóng kín cửa.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, ngày xưa, dạng máy điều hòa cửa số khá phổ biến. Loại điều hòa này luôn có cửa lấy gió tươi kích thước khoảng 3x4cm. Cửa gió này có thể đóng mở theo yêu cầu bằng cơ cấu lật rất đơn giản. Nó được bố trí trên vách ngăn giữa giàn nóng và dàn lạnh.
Nhưng đến sau này, máy điều hòa hiện đại được thiết kế tách riêng hai cụm nóng và lạnh. Vì dàn nóng và dàn lạnh đặt cách xa nhau nên việc lấy gió tươi trở nên rất phức tạp vì phải bố trí riêng một đường ống có kích thước lớn, rất khó đi chìm trong tường, đặc biệt là tường đơn. Do phức tạp như vậy nên đại bộ phận máy điều hòa hai cụm không bố trí ống lấy gió tươi.
"Chỉ có một số trường hợp ngoại lệ, trước đây một hãng điện tử có một dòng máy lấy gió tươi. Gió tươi được bơm qua một màng lọc. Khí tươi có thành phần oxy tăng 21%, nhưng khi đi qua màng lọc, thành phần oxy tăng lên 32% rồi mới được thổi vào cung cấp cho phòng. Một số hãng điều hòa khác cũng có dòng máy có ký hiệu bắt đầu bằng chữ R... có ống gió tươi đường kính 35mm, dài 6m đi kèm, song những máy này không phổ biến trên thị trường", GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Hầu hết các máy điều hòa 2 cụm trên thị trường hiện nay là không lấy được gió tươi, trong khi mỗi người mỗi giờ cần 20m3 gió tươi để đảm bảo sức khỏe, nồng độ oxy không xuống dưới 19%. Do vậy GS.TS Nguyễn Đức Lợi khuyên, thường sau 3-4h sử dụng, người ta phải tắt điều hòa rồi mở cửa thông phòng để tiết kiệm lạnh mà vẫn có gió tươi. Cũng có thể để điều hòa chạy liên tục nhưng khi đó phải để một khe hẹp khoảng 1-3cm ở cửa ra vào, cửa sổ để lấy khí tươi. Mỗi lần mở cửa cũng có khoảng 3m3 khí tươi được trao đổi. Ngoài ra còn có gió lọt qua khe cửa. Có thể tự tính toán thể tích phòng, số người để điều chỉnh gió tươi. Cũng có thể lắp quạt thông gió để lấy gió tươi. Đối với những người quá mẫn cảm hoặc có bệnh liên quan đến đường hô hấp thì bắt buộc phải có biện pháp thông gió cho phòng khi dùng máy điều hòa.
Sử dụng điều hòa an toàn khi đi du lịch
Chị Lê Mai Phương (Hàm Nghi, Mỹ Đình, Hà Nội) thắc mắc, mùa hè gia đình chị thường đi nghỉ mát 1 tuần. Sau vụ tai nạn thương tâm ở Hải Phòng do ngủ trong xe ô tô, chị Phương băn khoăn không biết ở trong các khách sạn thì hệ thống thông gió được thực hiện như thế nào, có khả năng nào ở lâu trong phòng điều hòa sẽ bị ngạt thở, thiếu dưỡng khí không? Do quan sát các phòng khách sạn, chị Phương thấy phòng thường rất kín, không có khe hở. Vậy khi ngủ ở khách sạn có phải hé cửa để lấy khí tươi hay không?
GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, ở hầu hết các khách sạn cao cấp 4-5 sao, việc mở hé cửa là không cần thiết vì các khách sạn này theo đúng tiêu chuẩn thường có điều hòa hệ thống trung tâm. Mạng gió tươi được thiết kế độc lập. Gió trời được quạt gió đưa qua một buồng xử lý không khí PAU. Gió trời có nhiệt độ khoảng 35 độ C và độ ẩm cao, khi đi qua PAU sẽ được tách ẩm và hạ nhiệt độ xuống 19 độ C theo hệ thống ống gió cấp cho từng phòng.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi lưu ý ở các khách sạn, nhà nghỉ nhỏ, khi đi du lịch thì cần phải quan sát phòng. Nếu khách sạn sử dụng dàn lạnh treo tường (kể cả dàn lạnh âm trần, lắp ở trần giáp phòng vệ sinh), dàn nóng đặt ngoài ban công thì chắc chắn không có hệ thống gió tươi. Khi đó nhất thiết phải hé cửa sổ để đảm bảo gió tươi. Cần thiết phải hỏi lễ tân khách sạn về điểm này để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt nếu có ý định đi du lịch dài ngày.
"Với không gian rộng như phòng khách sạn thì khả năng bị ngạt thở dẫn đến tử vong do thiếu khí tươi là rất thấp. Nhưng ngủ ở những phòng mà lượng khí tươi không được cung cấp, lại không được thông gió thì cơ thể sẽ rất mệt mỏi, máu lên não chậm... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe", GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Xem thêm video đang được quan tâm:
4 Nhóm Người Không Nên Ăn Quả Vải | SKĐS