Điều hòa đang chạy bình thường có phát nổ không?

23-04-2023 09:53 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ vụ nổ cục nóng điều hòa ở Vĩnh Phúc khiến 2 người thương vong, nhiều người lo lắng không biết liệu điều hòa nhà mình có thể bỗng dưng phát nổ như vụ tai nạn nêu trên hay không?

Chuyên gia chỉ cách tiết kiệm điện khi dùng điều hòaChuyên gia chỉ cách tiết kiệm điện khi dùng điều hòa

SKĐS - Điều hòa nhiệt độ chiếm phần lớn sản lượng điện tiêu thụ trong gia đình, nhất là những ngày nắng nóng. GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội KH&CN Nhiệt lạnh sẽ chỉ cách dùng điều hòa tiết kiệm nhất.

Điều hòa bình thường không tự nhiên phát nổ

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam (VISRAE) cho biết, điều hòa không khí có 2 bộ phận là dàn nóng và dàn lạnh. Dàn nóng được cấu tạo bởi các lá nhôm hoặc lá đồng ghép xít nhau, các ống đồng chứa môi chất lạnh đặt xuyên qua dàn lá nhôm nhằm mục đích tản nhiệt nhanh ra ngoài môi trường. Còn dàn lạnh là một trong những bộ phận được lắp đặt bên trong nhà, tỏa ra không khí mát mẻ, tạo không gian dễ chịu cho ngôi nhà.

Trong quá trình hoạt động, cục lạnh sẽ thổi ra khí lạnh làm mát phòng, còn cục nóng thổi khí nóng được hút từ trong phòng ra bên ngoài. Với nguyên tắc trên, cục nóng của điều hòa bắt buộc phải lắp đặt ở bên ngoài phòng để làm nhiệm vụ đẩy khí nóng ra ngoài.

Các yếu tố làm cục nóng điều hòa bị cháy nổ là nhiệt độ môi trường, hoặc nhiều hộ gia đình tiết kiệm điện nên chỉ lắp một máy lạnh cho hai căn phòng sát nhau bằng cách mua máy lạnh có công suất lớn phù hợp với tổng diện tích 2 phòng để làm mát và tiết kiệm điện.

Điều hòa đang chạy bình thường có phát nổ không? - Ảnh 2.

Cục nóng điều hòa cũng cần phải bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ.

Về nguyên nhân cục nóng điều hòa bị nổ, GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nổ cục nóng điều hòa, trong đó có một phần nguyên nhân do người thợ chủ quan và không nắm chắc các kiến thức trong quá trình sửa chữa. Nguyên nhân vụ nổ khả năng cao người thợ thử kín bằng khí oxi (O2), dẫn đến hơi dầu máy hòa trộn với oxi áp suất lớn, gây hiện tượng tự kích nổ của hỗn hợp dầu oxi.

Một nguyên nhân khác dẫn đến phát nổ là sự cháy đột ngột của dầu trong quá trình thu hồi gas để sửa chữa, hoặc trong quá trình thu hồi gas để di chuyển dàn nóng, có lẫn không khí ở trong hệ thống máy. Sự bốc cháy xảy ra khi nhiệt độ không khí tăng lên nhiều hơn nhiệt độ bắt lửa của dầu làm lạnh trong máy nén.

"Trong quá trình thu hồi gas vào dàn nóng, người thợ phải khóa van đường đi lại, gas sẽ được nén lên với áp suất và nhiệt độ cao. Khi nén lên, gas không đi mà được giữ lại, nên nén lên với nhiệt độ cao, trường hợp hệ thống có không khí hay lẫn tạp chất thì dầu sẽ cháy và gây ra nổ", GS.TS Nguyễn Đức Lợi  nói.

Hiện tượng cháy nổ của máy lạnh xảy ra khi dầu lạnh bị lẫn từ 1-7% không khí cùng lúc áp suất và nhiệt độ đạt điểm tới hạn. Nguyên nhân làm dầu lạnh bị lẫn không khí là khi kỹ thuật viên dùng oxy hoặc máy nén khí làm sạch hoặc thử kín. Hoặc kỹ thuật viên không thực hiện hút chân không đường ống khi lắp đặt. Áp suất và nhiệt độ đạt đến điểm nổ là áp suất 30 bar và nhiệt độ 300 độ C. Tại thời điểm máy hoạt động, áp suất gas R32, R410A là 30 bar. Khi nhốt gas, hệ thống không khí lạnh nhiệt độ dầu nén tăng cao có thể đạt nhiệt độ tới hạn.

Trường hợp cục nóng điều hòa phát nổ ở Vĩnh Phúc, nguyên nhân có thể do thợ sửa điều hòa đã xử lý sai phương pháp. Khuyến cáo là chỉ dùng nitơ hoặc khí trơ để làm sạch, khử kín. Tuyệt đối không dùng không khí hoặc oxy. Tiến hành hút chân không đường ống khi tiến hành lắp đặt. Không nhốt gas khi phát hiện khí không ngưng (kim đồng hồ áp suất bị rung lắc).

Với những máy điều hòa nhiệt độ đang hoạt động bình thường liệu có khả năng phát nổ? GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, điều hòa đang hoạt động bình thường không bao giờ tự nhiên phát nổ. "Không có khả năng điều hòa đang hoạt động bình thường mà lại phát nổ, do vậy đối với các gia đình đang sử dụng máy lạnh hoàn toàn có thể yên tâm. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường thì cần phải gọi thợ chuyên nghiệp sửa", GS.TS Nguyễn Đức Lợi khuyên.

Lắp dàn nóng đúng cách

Mặc dù khả năng cục nóng điều hòa bị cháy nổ là ít gặp, tuy nhiên đã có một số vụ tai nạn xảy ra do lắp đặt cục nóng điều hòa sai vị trí, thường gặp ở các tòa chung cư.

"Vị trí tốt nhất để lắp cục nóng điều hòa là ở khu vực có mái che chắn, không bị các tác nhân bên ngoài môi trường làm ảnh hưởng, đặc biệt, tránh lắp cục nóng điều hòa ở khu vực gần cửa sổ, cửa nhôm hay đặt cục nóng ở những nơi không đảm bảo sự bằng phẳng về bề mặt, có dấu hiệu rung lắc khi vận hành. Trường hợp lắp đặt ở khu vực mái tôn nơi sản sinh ra nhiệt lượng cao như vụ việc đáng tiếc xảy ra tại khu đô thị Nam Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ nghiêm trọng", GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.

Vụ nổ cục nóng ở Vĩnh Phúc, theo chuyên gia ngoài các yếu tố đã phân tích thì qua theo dõi clip có thể thấy cục nóng điều hòa đã lắp sai vị trí là khu vực mái tôn của tòa nhà. Do trong cục nóng điều hòa tồn tại khí gas, nhờ đó giúp cho điều hòa có thể tỏa ra được luồng khí lạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu làm mát trong căn phòng. Nếu lắp đặt ở vị trí mái tôn, phơi nắng phơi mưa lâu ngày sẽ có nguy cơ rò rỉ gas dẫn cùng với nhiệt độ nóng bên ngoài sẽ dẫn đến sự cố phát nổ.

Cục nóng, điều hòa cần được bảo dưỡng định kỳ. Với nhà cao tầng, ít bụi, gần hồ, chỉ cần bảo dưỡng 1 lần/năm. Nhà gần đường, nhiều bụi thì phải bảo dưỡng 2 - 3 lần năm. Bụi bẩn làm tắc nghẽn dàn nóng, khiến không giải nhiệt được dễ gây cháy. Việc vệ sinh cục nóng của điều hòa phải được thực hiện bởi thợ sửa chữa chuyên nghiệp, không nên tự ý tháo dỡ, kiểm tra để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Video: Kinh hoàng khoảnh khắc cục nóng điều hòa phát nổ như bom khiến một người tử vongVideo: Kinh hoàng khoảnh khắc cục nóng điều hòa phát nổ như bom khiến một người tử vong

SKĐS - Hai người công nhân đang sửa chữa cục nóng điều hòa trên nóc nhà, bất ngờ cục nóng phát nổ "như bom" khói bụi mù mịt, hậu quả vụ nổ khiến một người tử vong tại chỗ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 23/4: Vợ Thiếu Tá CSGT Ở Long An Ngã Quỵ Trong Đám Tang “Anh Ghé Qua Nhà Rồi Ra Đi Mãi” | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn