Hà Nội

Điều gì xảy ra với cơ thể khi uống trà sữa trân châu mỗi ngày?

19-12-2024 06:10 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Nhiều người thích hương vị ngọt ngào, béo ngậy của một ly trà sữa nhưng điều gì sẽ xảy ra với cơ thể khi bạn uống trà sữa trân châu đều đặn hằng ngày?

1. Trà sữa trân châu được pha chế như thế nào?

Trà sữa trân châu là một loại đồ uống được pha chế từ các loại trà (trà đen, trà xanh hoặc các loại trà trái cây), sữa và những viên trân châu dai dai, sần sật. Thức uống này được đa số giới trẻ trên khắp thế giới yêu thích.

Trà sữa trân châu có rất nhiều biến thể về hương vị, từ truyền thống đến hiện đại, đáp ứng mọi sở thích của người dùng. Trà sữa trân châu thường được trang trí đẹp mắt. Ngoài trân châu, người chế biến thường thêm nhiều loại topping khác như pudding, thạch trái cây, kem... để tăng thêm hương vị cho ly trà sữa.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi uống trà sữa trân châu mỗi ngày?- Ảnh 1.

Trà sữa trân châu chứa rất nhiều calo và đường bổ sung.

2. Có bao nhiêu calo và đường trong một ly trà sữa trân châu?

Do hương vị và cách chế biến khác nhau, lượng calo trong trà sữa trân châu sẽ khác nhau tùy thuộc vào thành phần thực tế. Các chuyên gia dinh dưỡng ước tính, mỗi cốc (khoảng 448 g) trà sữa trân châu nguyên chất (làm từ trà đen, sữa, đường và trân châu) có khoảng 300 calo và lượng đường khá cao 38 g.

Đối với các biến thể khác của trà sữa trân châu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một khẩu phần trà sữa trân châu 448 g có thể chứa từ 200 - 400 calo và 38 - 58 g đường. Hầu hết lượng calo trong trà sữa trân châu đến carbohydrate và đường bổ sung. Các loại trà sữa có hương vị như trà sữa dâu, trà sữa xoài thường có nhiều calo và đường hơn.

Theo dữ liệu dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một cốc trà sữa trân châu khoai môn khoảng 336 g với trân châu sắn chứa khoảng:

Lượng calo: ‌ 274 calo
Tổng lượng chất béo: ‌7 g (chất béo bão hòa: 4 g)
Cholesterol: ‌ 14,7 mg
Natri: ‌176 mg
Tổng lượng carbohydrate: ‌48 g
Đường: ‌ 44 g
Protein: ‌ 5 g

3. Những rủi ro sức khỏe khi uống quá nhiều trà sữa

Rõ ràng trà sữa là thức uống chứa rất nhiều đường vì đường là thành phần không thể thiếu để tạo nên vị ngọt đặc trưng cho loại đồ uống này. Ngoài ra, các loại topping đi kèm như trân châu, pudding cũng thường được chế biến với đường hoặc các chất tạo ngọt khác. Nhiều loại trà sữa còn được thêm các loại siro trái cây, hương liệu nhân tạo, tất cả đều chứa đường.

Do đó, bất kể phiên bản nào, các ly trà sữa đều có một điểm tương đồng, đó là có rất nhiều calo và đường bổ sung, có thể gây hại cho sức khỏe nếu uống thường xuyên và uống quá nhiều.

Theo định nghĩa của Trường Y tế công Harvard T.H. Chan, đồ uống có đường là bất kỳ loại đồ uống nào có thêm đường hoặc chất làm ngọt khác. Khi xếp hạng các loại đồ uống tốt cho sức khỏe thì đồ uống có đường nằm ở cuối danh sách vì chúng cung cấp quá nhiều calo và hầu như không có chất dinh dưỡng nào khác. Những người uống đồ uống có đường không cảm thấy no như cách họ ăn cùng lượng calo từ thức ăn đặc. Họ cũng không bù đắp được lượng calo cao trong những đồ uống này bằng cách ăn ít thức ăn hơn.

Lượng đường cao trong trà sữa là nguyên nhân chính gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Đường trong trà sữa không chỉ khiến bạn tăng cân nhanh chóng mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh như đái tháo đường, béo phì, tim mạch...

Các loại kem, topping trong trà sữa chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng cholesterol xấu trong máu, gây tắc nghẽn động mạch.

Để tạo màu, tạo mùi và tăng độ hấp dẫn, nhiều loại trà sữa sử dụng các chất phụ gia, chất tạo màu tổng hợp. Những chất này có thể gây ra các phản ứng dị ứng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Trân châu làm từ tinh bột, khi ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, quá trình chế biến trân châu không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ dẫn đến nhiễm khuẩn gây ngộ độc. Caffeine có trong trà cũng có nguy cơ gây mất ngủ, tim đập nhanh, đặc biệt đối với trẻ em và người nhạy cảm…

Điều gì xảy ra với cơ thể khi uống trà sữa trân châu mỗi ngày?- Ảnh 3.

Bạn nên chọn trà sữa ít đường và ít topping.

Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên thay vì uống trà sữa nên lựa chọn những thức uống lành mạnh hơn như nước ép trái cây, sinh tố, trà thảo mộc... Thỉnh thoảng uống một ly trà sữa cũng là điều bình thường nhưng nên cố gắng lựa chọn loại trà sữa chất lượng tại những cửa hàng uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên yêu cầu loại trà sữa ít đường hoặc sử dụng chất làm ngọt tự nhiên từ trái cây. Chọn trà làm từ sữa hạnh nhân, sữa yến mạch và sữa đậu nành thường có ít calo hơn sữa bò. Thêm ít topping hơn vì dùng nhiều trân châu bột sắn làm tăng lượng carbohydrate…

‘Siêu thực phẩm’ rẻ tiền giúp tăng cường miễn dịch trong mùa đông‘Siêu thực phẩm’ rẻ tiền giúp tăng cường miễn dịch trong mùa đông

SKĐS - Bông cải xanh không chỉ là một loại rau phổ biến và rẻ tiền mà nó còn là một 'siêu thực phẩm' chứa nhiều dưỡng chất giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật trong mùa đông lạnh giá.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trà sữa trân châu có an toàn với trẻ em không?


Thu Phương
Ý kiến của bạn