1. Vai trò của nước với cơ thể
Nước có vai trò rất quan trọng bởi phần lớn cơ thể chúng ta là nước. Một người trưởng thành có cân nặng trung bình được tạo thành từ khoảng 70-80% nước tính theo trọng lượng. Nước đóng vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ các chức năng cơ thể khỏe mạnh.
Nước cần thiết cho mọi hệ thống trong cơ thể bạn và có rất nhiều chức năng. Ví dụ, nước giúp cơ thể bạn loại bỏ chất thải qua nước tiểu, hỗ trợ cơ thể bạn duy trì nhiệt độ khỏe mạnh thông qua mồ hôi và là một thành phần trong chất lỏng bảo vệ não và thai nhi đang phát triển.
Theo TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nước tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể như: quá trình hấp thu, quá trình chuyển hóa, quá trình đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Khi cơ thể chúng ta nếu bị thiếu khoảng 2% nước sẽ thấy mệt mỏi, nếu thiếu khoảng 10% nước thì sẽ dẫn tới tình trạng nguy hiểm, nếu thiếu 20% lượng nước trong cơ thể thì có nguy cơ dẫn tới tử vong.
Theo Viện Hàm lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ, đàn ông trưởng thành nên tiêu thụ 15,5 cốc chất lỏng mỗi ngày trong khi phụ nữ nên tiêu thụ khoảng 11,5 cốc. Đây là lượng chất lỏng tổng thể của bạn mỗi ngày, bao gồm bất cứ thứ gì bạn ăn hoặc uống có chứa nước, chẳng hạn như trái cây hoặc rau quả, các món canh...
2. Những tác động bất lợi khi bạn không uống đủ nước
Bởi vì nước phục vụ rất nhiều chức năng trong cơ thể nên không có gì ngạc nhiên khi việc tiêu thụ ít nước có thể gây ra những tác động đáng kể và đáng lo ngại.
2.1 Bạn có thể cảm thấy đói hơn
Nếu bạn cảm thấy đói hơn bình thường trong suốt cả ngày, ngoài ăn còn do không uống đủ nước. Khi thiếu nước, cơ thể bạn phát ra tín hiệu đói và bạn có xu hướng ăn nhiều thức ăn mặn hoặc nhiều tinh bột để giúp giữ nước trong cơ thể. Mặc dù thực phẩm và đồ uống dựa trên carbohydrate và chất điện giải, như natri hỗ trợ quá trình hydrat hóa, nhưng nước lọc cũng có tác dụng này và giúp bạn không tiêu thụ lượng calo dư thừa.
2.2 Đau đầu khi thiếu nước
Mặc dù đau đầu có thể do một số yếu tố gây ra, nhưng mất nước cũng là một trong những nguyên nhân chính gây đau đầu. Để tránh những cơn đau đầu khó chịu, hãy uống nước liên tục trong ngày thay vì đợi triệu chứng mất nước xuất hiện rồi mới uống nước.
2.3 Thiếu nước dễ gây táo bón
Chất lỏng giúp bôi trơn các khớp và mô trong cơ thể, đồng thời hỗ trợ quá trình vận chuyển các chất bên trong đường tiêu hóa. Khi cơ thể thiếu nước ảnh hưởng đến quá trình bài tiết phân, dẫn đến tình trạng táo bón.
2.4 Tăng nguy cơ say nắng khi thiếu nước
Kiệt sức vì nóng và say nắng đều liên quan đến tình trạng mất nước nghiêm trọng. Môi trường nóng ẩm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước hiện có và tăng nguy cơ bị say nắng.
Say nắng có dấu hiệu đặc trưng như da nóng, khô, nhiệt độ cơ thể cao và suy nhược. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào, bạn nên uống nước và liên hệ với chuyên gia y tế ngay lập tức.
2.5 Thiếu nước cũng dẫn đến tăng cân?
Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, sự trao đổi chất của bạn bị chậm lại. Uống đủ chất lỏng có rất nhiều lợi ích, một trong số đó có thể là giảm cân. Tạp chí Nội tiết lâm sàng và Trao đổi chất đã ghi lại nghiên cứu cho thấy sự trao đổi chất của những người tham gia tăng 30% sau khi uống khoảng 500ml nước.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng việc tăng lượng nước uống của bạn lên 1,5 lít mỗi ngày một cách đều đặn có thể đốt cháy thêm 17.400 calo trong suốt 1 năm. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn trong mục tiêu giảm cân của bạn.
2.6 Mất nước ảnh hưởng đến khả năng tập trung
Khó tập trung có thể liên quan đến tình trạng hydrat hóa của bạn. Theo nghiên cứu, bộ não của bạn được tạo thành từ 80% là nước và thậm chí tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng tập trung của bạn. Trên thực tế, mức độ mất nước nghiêm trọng hơn còn gây ra các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng hơn, như nhầm lẫn và mê sảng.
2.7 Nhịp tim tăng lên
Khi bạn không uống đủ nước, tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, dẫn đến nhịp tim cao hơn. Để cho phép hệ thống tim mạch của bạn hoạt động hiệu quả hơn, hãy bắt đầu ngày mới với nhiều chất lỏng và thường xuyên uống nước cũng như các chất lỏng khác trong ngày.
BS Trương Hồng Sơn đưa ra lời khuyên: Chúng ta hãy uống nước trước khi thấy khát bởi nếu cơ thể có cảm giác khát thì khi đó, cơ thể đã bị thiếu nước. Bởi vậy, phải luôn duy trì thói quen thường xuyên uống nước. Nếu muốn biết lượng nước uống vào đã đủ hay chưa, chúng ta có thể dựa vào số lần và khoảng cách đi tiểu trung bình từ 2 tới 4h. Nếu uống đủ nước thì màu của nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt. Còn nếu uống ít nước, màu của nước tiểu sẽ chuyển thành màu vàng sậm.
Xem thêm video đang được quan tâm
5 cách uống nước giúp bạn giảm cân khi tập luyện.