Điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia mất điện quá lâu?

21-10-2024 10:11 | Quốc tế
google news

SKĐS - Khi hệ thống điện Cuba sụp đổ và bước sang ngày thứ ba, hậu quả khủng khiếp do mất điện kéo dài dần trở nên rõ ràng.

Một số bệnh viện vẫn có điện nhờ máy phát dự phòng, nhưng nguồn nhiên liệu lại rất hạn chế.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia mất điện quá lâu?- Ảnh 1.

Các kỹ thuật viên Cuba đang nỗ lực khôi phục lưới điện sau sự cố ngày 18/10. (Nguồn: Miami Herald)

Thủ tướng Cuba Manuel Marrero đã ra lệnh đóng cửa tất cả các hoạt động kinh doanh không cần thiết, khiến nhiều người không thể kiếm sống. Trường học cũng bị tạm ngừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Jorge Pinon, một chuyên gia về lưới điện Cuba tại Đại học Texas, chia sẻ rằng các nhà máy nhiệt điện của Cuba đã vận hành quá lâu mà không được bảo trì đầy đủ. Ông cho biết: "Chúng tôi không ngờ tình hình lại tồi tệ đến mức này. Đây là sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống". Ông cũng nhấn mạnh, tình trạng của Cuba là chưa từng có và còn nghiêm trọng hơn các cuộc khủng hoảng điện ở bất kỳ quốc gia nào khác tại Nam Mỹ.

Hậu quả khủng khiếp của việc mất điện kéo dài

Mất điện không chỉ gây bất tiện và khó chịu, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Khi không có điện, nhiều người mất đi khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, dẫn đến tình trạng bệnh tật và tử vong.

Không có việc làm do mất điện cũng đồng nghĩa với việc người dân không thể kiếm đủ tiền để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Điện là yếu tố sống còn, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Ví dụ, tại Puerto Rico, sau cơn bão Maria năm 2017, người dân đã phải trải qua tình trạng mất điện kéo dài, một số khu vực thậm chí mất điện cả năm trời. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gần 3.000 người tử vong trong 6 tháng sau bão, chủ yếu do hậu quả của việc thiếu điện.

Không có điện, nhiều người không thể sử dụng các thiết bị y tế quan trọng như máy cung cấp oxy, bảo quản thuốc như insulin, hoặc thực hiện các liệu pháp hóa trị và chạy thận. Trẻ em và người cao tuổi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nguy cơ sốc nhiệt khi không có điện để làm mát.

Nguồn nước sạch cũng trở thành vấn đề, khi nhiều người buộc phải sử dụng nước từ các nguồn không an toàn, gây ra các bệnh truyền nhiễm như leptospirosis, dẫn đến 26 ca tử vong sau bão.

Tác động lâu dài đến đời sống và kinh tế

Mất điện không chỉ ảnh hưởng đến y tế mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Thủ tướng Marrero Cruz cho biết, nền kinh tế nước này gần như bị tê liệt hoàn toàn. Các doanh nghiệp không thể hoạt động nếu không có điện hoặc buộc phải đối mặt với chi phí cao khi vận hành máy phát điện.

Hậu quả là, lượng khách du lịch quốc tế đến Cuba có thể sẽ sụt giảm mạnh, đẩy nền kinh tế vốn đã khó khăn vào tình trạng tồi tệ hơn.

Không chỉ nền kinh tế, giáo dục cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Tại Cuba, các trường học đã bị đóng cửa vô thời hạn, ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh. Trước đó, tại Puerto Rico, sau cơn bão Maria, học sinh phải mất đến một tháng mới có thể quay lại trường, mặc dù nhiều lớp học vẫn không có điện.

Mất điện còn làm gia tăng các vấn đề tâm lý trong cộng đồng. Nhiều người cảm thấy bất an, lo lắng về tương lai, tự hỏi liệu cuộc sống có thể trở lại bình thường hay không. Số lượng cuộc gọi đến các đường dây nóng hỗ trợ tâm lý tăng đột biến, với hàng nghìn người tìm kiếm sự trợ giúp về tinh thần do căng thẳng từ tình trạng thiếu điện.

Sự cố mất điện tại Cuba bắt đầu từ ngày 18/10, khi một nhà máy điện lớn ở tỉnh Matanzas ngừng hoạt động, kéo theo toàn bộ lưới điện quốc gia bị sụp đổ. Các kỹ sư đang nỗ lực khôi phục hệ thống, nhưng nhiều khu vực rộng lớn vẫn chìm trong bóng tối.

Dù hệ thống có thể được khôi phục, chuyên gia Jorge Pinon cảnh báo rằng, tình trạng này có thể lặp lại, do Cuba chưa có giải pháp dài hạn nào để giải quyết vấn đề.

Cuba mất điện toàn quốc sau sự cố tại nhà máy điện lớnCuba mất điện toàn quốc sau sự cố tại nhà máy điện lớn

SKĐS - Ngày 18/10, Cuba rơi vào tình trạng mất điện trên toàn quốc, sau khi một trong những nhà máy điện lớn nhất nước này gặp sự cố.


Xuân Minh
(Theo Miami Herald)
Ý kiến của bạn