Trận động đất không chỉ làm rung chuyển Myanmar mà còn ảnh hưởng đến nước láng giềng Thái Lan, thậm chí dư chấn còn được cảm nhận ở những nơi xa như Campuchia và Ấn Độ. Vậy nguyên nhân nào khiến khu vực này dễ bị động đất đến vậy và trận động đất vừa qua lớn đến mức nào?

Một tòa nhà bị hư hại sau trận động đất mạnh xảy ra ở miền trung Myanmar, ngày 28/3. (Nguồn: Reuters)
Hậu quả nặng nề từ trận động đất
Trận động đất xảy ra vào ngày 28/3, đã gây ra cảnh tượng tan hoang, đặc biệt tại cố đô Mandalay của Myanmar, gần tâm chấn ở vùng Sagaing. Các tòa nhà đổ sập, cầu cống và cơ sở hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng.
Theo truyền thông nhà nước Myanmar, ít nhất 150 người đã thiệt mạng trên khắp cả nước. Ở Mandalay, cung điện hoàng gia bị hư hỏng, cây cầu Ava phục vụ cả đường bộ và đường sắt cũng bị sập, trong khi các thành phố lớn như Naypyidaw và Yangon không tránh khỏi thiệt hại.
Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok chứng kiến một tòa nhà 33 tầng đang xây dựng sụp đổ, cướp đi sinh mạng của ít nhất 8 người và khiến hàng chục công nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Đây không phải lần đầu tiên Myanmar đối mặt với thảm họa động đất. Trước đó, vào năm 1930, một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter ở thành phố Bago đã khiến ít nhất 550 người thiệt mạng, theo đánh giá rủi ro của Liên hợp quốc.
Động đất là gì và tại sao Myanmar dễ bị ảnh hưởng?
Trái Đất được cấu tạo từ 3 lớp chính: lõi ở trung tâm, lớp phủ bằng đá nóng bao quanh và lớp vỏ bên ngoài với các mảng kiến tạo luôn di chuyển. Khi các mảng này va chạm hoặc trượt ngang nhau trên lớp phủ, năng lượng tích tụ và giải phóng, tạo ra rung chấn, đó chính là động đất. Nếu năng lượng này bung ra dưới đại dương, nó có thể gây sóng thần.
Myanmar nằm ngay trên ranh giới giữa mảng Ấn Độ và mảng Á-Âu, được gọi là đứt gãy Sagaing, một đường dài khoảng 1.200 km chạy qua các thành phố lớn như Mandalay và Yangon.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất lần này xảy ra do hai mảng cọ xát ngang nhau, gọi là "đứt gãy trượt ngang".
Tiến sĩ Rebecca Bell, chuyên gia từ Đại học Hoàng gia London, ví đứt gãy này với đứt gãy San Andreas ở California (Mỹ), nơi từng gây ra trận động đất chết người ở Northridge năm 1994. Bà giải thích rằng đường đứt gãy dài và thẳng có thể tạo ra động đất lớn hơn do diện tích đứt gãy rộng.
Với cường độ 7,7, trận động đất này được xếp vào loại mạnh, gây ra hỗn loạn ở cả Myanmar và Thái Lan. USGS ước tính gần 800.000 người ở Myanmar nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất, số người thiệt mạng có thể tăng mạnh trong những ngày tới.
Trận động đất xảy ra ở độ sâu chỉ 10 km, khiến năng lượng không bị tiêu tán nhiều trước khi chạm tới bề mặt, dẫn đến mức độ phá hủy lớn. Tiến sĩ Ian Watkinson từ Đại học London cho biết động đất nông thường gây thiệt hại nghiêm trọng hơn. Sự phát triển đô thị nhanh chóng với nhiều tòa nhà cao tầng bằng bê tông cốt thép không được kiểm soát đã khiến thiệt hại thêm trầm trọng, tương tự trận động đất 7,8 độ ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023.