Hà Nội

Điều gì đã gây nên cơn động đất kinh hoàng tại Nepal?

27-04-2015 14:06 | Quốc tế
google news

Gần trưa ngày 25-4, tại Nepal, một mảng kiến tạo nằm sâu dưới bề mặt Trái Đất hơn 14km đã dịch chuyển, gây ra một cơn địa chấn có sức công phá như vụ nổ của hơn 20 quả bom nhiệt hạch quét qua thung lũng Katmandu.

Theo các nhà nghiên cứu địa chất, các cơn địa chấn tại khu vực xảy ra theo chu kì. Lần cuối cùng động đất xảy xa với cường độ mạnh như vậy tại Nepal là cách đây 81 năm, vào năm 1934.

Theo một báo cáo từ Hiệp hội nghiên cứu Công nghệ về Động đất của Nepal, hồ sơ lưu lại từ năm1255 cho thấy khu vực này sẽ trải qua một trận động đất mạnh cấp 8 sau mỗi 75 năm.

Nguyên nhân là do sự dịch chuyển thường xuyên tại khu vực đứt gãy chạy dọc biên giới phía Nam của Nepal, nơi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm với mảng kiến tạo Á Âu từ 40-50 triệu năm về trước.

Lung S. Chan, một nhà địa vật lý tại Đại học Hồng Kông cho biết: “Sự va chạm giữa chúng là một ví dụ tiêu biểu cho hoạt động địa chất”. Mảng Ấn Độ đang dịch chuyển theo hướng Bắc về phía lục địa châu Á với tốc độ khoảng 5cm mỗi năm. Theo giáo sư Chan, về mặt địa chất, tốc độ này là rất nhanh.

Vụ động đất kinh hoàng 7.9 độ Richter đã làm hàng ngàn người thiệt mạng

Giáo sư Chan cho biết, khi các mảng kiến tạo va chạm vào nhau, sự ma sát tạo ra áp lực và năng lượng ngày càng tăng cho đến khi lớp vỏ Trái Đất bị vỡ. Theo ông Hongfeng Yang – chuyên gia về động đất tại trường Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, trong trường hợp vụ động đất hôm thứ Bảy tại Nepal, các mảng kiến tạo đã dịch chuyển về phía trước khoảng 2 mét.

Theo Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ, trận động đất tại Nepal cũng khá nông. Những trận động đất ở dạng này gây ra nhiều thiệt hại và nhiều dư chấn hơn so với những trận động đất xảy ra sâu dưới bề mặt Trái Đất.

Sau một trận động đất, các mảng kiến tạo tiếp tục di chuyển và chu kì mới lại bắt đầu. Giáo sư Chan giải thích: “Động đất khiến năng lượng phân tán, cũng giống như khi ta mở nắp một ấm nước sôi. Nhưng nó lại tiếp tục tích tụ năng lượng sau khi nắp lại”.

Theo hãng tin Wall Street Journal, Nepal nằm ở khu vực rất dễ bị động đất tàn phá, không chỉ vì có một bộ phận lớn bị ảnh hưởng bởi các va chạm của mảng kiến tạo, mà còn bởi đất nước này nằm trên các vết đứt gãy. Các đứt gãy thông thường tạo ra các khoảng trống khi mặt đất bị nứt và tách ra. Nepal nằm trên một đứt gãy nghịch – nơi một mảng kiến tạo sẽ tự đẩy lên trên một mảng kiến tạo khác.

Những nỗ lực tìm kiếm cứu hộ tại Nepal vẫn đang tiếp diễn

Kết quả dễ nhận thấy nhất của việc này là dãy núi Himalaya. Vết đứt gãy chạy dọc 1400 dặm, và các va chạm liên tục của mảng Ấn Độ và mảng Á Âu đã dẫn tới việc độ cao của các đỉnh núi tăng lên khoảng 1cm mỗi năm.

Mặc dù các vụ động đất nghiêm trọng ở Nepal diễn ra gần như theo quy luật, nhưng việc dự đoán khi nào nó xảy ra vẫn rất khó khăn. Giáo sư Yang cho biết, các ghi chép trong lịch sử và các phép đo hiện đại về sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo cho thấy nếu áp lực tại khu vực “gần như đồng nhất”, một trận động đất nghiêm trọng được dự đoán sẽ xảy ra theo chu kì 4-5 thập kỷ một lần.

Theo các chuyên gia, sự phức tạp của các lực tác động lên các vết nứt gãy khiến các nhà khoa học không thể dự đoán chính xác số lượng động đất trung bình mà một khu vực sẽ phải trải qua trong một thế kỷ.

Tuy nhiên, những trận động đất ở Nepal dễ dự đoán hơn cả, do sự dịch chuyển thường xuyên của các mảng kiến tạo. Các nhà khoa học không chắc chắn về nguyên nhân của việc này.

Các mảng kiến tạo của Trái Đất đang không ngừng chuyển động. Một số vết nứt gãy được tạo ra do áp lực từ các dạng khác nhau của động đất. Giáo sư Chan cho biết: “ Một số khu vực, giống như Nepal, giải phóng năng lượng bằng một trận động đất mạnh, phạm vi rộng lớn, chỉ xảy ra một lần trong một khoảng thời gian dài. Tất cả những khu vực này có bản chất khác nhau mà các nhà địa chất chưa thực sự giải thích hết”.

 


Ý kiến của bạn